01/11/2023
CƠ SỞ RA ĐỜI CỦA “NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Sự đa dạng phong phú của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình giao thoa bản sắc văn hóa của các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Từ ngàn đời nay, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, việc tổ chức các ngày lễ hội đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các cộng đồng khu dân cư.
Sự nghiệp đổi mới đã đặt ra yêu cầu cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng gia đình, tạo tiền đề cho việc xây dựng mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đến mỗi xã phường, huyện, tỉnh. Đó là cơ sở cốt yếu để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó.
Để phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930, ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày Mặt trận thống nhất. Từ đó đến nay, ngày 18/11 hàng năm, Mặt trận các cấp đã tổ chức nhiều hoạt độngphong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đồng thời tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư”. Đến nay, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đã trở thành sinh hoạt xã hội rộng rãi ở từng cộng đồng dân cư trong cả nước nói chung và huyện M'Drắk nói riêng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định thành công của Cách mạng:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”