19/04/2024
🚀 THỰC TẾ CHUYÊN MÔN CỦA SINH VIÊN K62, K63 ĐHSP LỊCH SỬ TẠI MỘT SỐ TỈNH MIỀN TRUNG 🚀
🍭 Căn cứ Quyết định số 169/QĐ - ĐHTB ngày 12 tháng 3 năm 2024 về việc phê duyệt các học phần được thực hiện trong đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy Học kì II năm học 2023 – 2024; Căn cứ chương trình đào tạo ngành sư phạm Lịch sử và nội dung học phần Thực tế chuyên môn của K62 ( Mã học phần SVN0005) và K63 ĐHSP Lịch sử (Mã học phần HIS0007); Khoa Khoa học Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức cho sinh viên lớp K62, K63 ĐHSP Lịch sử đi thực tế chuyên môn tại một số tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 6/4/2024 đến ngày 12/4/2024. Thực tế chuyên môn góp phần bổ sung những kiến thức thực tế bên ngoài nhà trường đối với sinh viên chuyên ngành Lịch sử, giúp cho sinh viên kiểm nghiệm, quan sát, đối chiếu những kiến thức trong sách vở với thực tế bên ngoài; đồng thời giúp sinh viên vận dụng kiến thực thực tế lịch sử bên ngoài vào nghiên cứu, học tập và giảng dạy. Sau chuyến đi, sinh viên sẽ thực hiện một báo cáo thu hoạch với hình thức và nội dung theo yêu cầu của kế hoạch.
🚎 Với lịch trình trong 7 ngày sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử đã được các giảng viên, hướng dẫn viên giới thiệu về những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, địa danh, tham quan học tập tại các địa điểm lịch sử:
👉 Tại Nghệ An: Đoàn đã thăm và thắp hương hưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Khu di tích Kim Liên, quê nội và quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh - mảnh đất in dấu ấn sâu đậm về tuổi thơ của Người. Tại đây, đoàn được nghe câu chuyện về tình cảm gia đình, về tình anh em trong gia đình Bác. Về những tháng năm sinh sống của Bác tại quê nhà. Những câu chuyện chạm tới trái tim về tình anh em, tình cảm gia đình thiêng liêng khiến nhiều sinh viên trong đoàn không kìm được cảm xúc của mình mà rơi nước mắt.
👉 Tại Hà Tĩnh, Đoàn đến thăm Ngã ba Đồng Lộc, là địa danh đã trở thành huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường 15A. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP. Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là điểm đến chứa đựng bao huyền thoại thiêng liêng và cao cả của một thời kỳ sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của các thế hệ cha anh.
👉 Tại Quảng Bình, Đoàn đã đến viếng Khu di tích mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đồng thời, từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, sinh viên sinh viên được quan sát vị trí, điều kiện tự nhiên và cảnh quan của khu vực Đèo Ngang. Đây là một ngọn đèo nổi tiếng nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
👉 Tại Quảng Trị: Đoàn đến với khu di tích đôi bờ Hiền Lương nằm ở điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Tại đây vẫn còn lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật, những di tích lịch sử gắn với một thời đất nước bị chia cắt: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, cụm tượng đài “khát vọng thống nhất”. Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Di tích đôi bờ Hiền Lương trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình thực tế chuyên môn của sinh viên ngành sư phạm Lịch sử, để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, để hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
👉 Tại Quảng Trị, đoàn còn đến thăm Thành cổ Quảng Trị để ngược dòng thời gian trở về những năm tháng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một địa danh được biết đến bởi sự chia cắt đau thương, sự chịu đựng đạn bom ác liệt và ý chí kiên cường bất khuất của con người nơi đây. Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, số bom đạn mà quân đội Mỹ ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) năm 1945. Tại mảnh đất này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất.
👉 Tại Huế: Đoàn tham quan thực tế tại Đại Nội Huế, là tổng thể công trình hùng vĩ và quy mô nhất với Ngọ môn, điện Thái Hòa, khu Thế Miếu, Hiển Lâm Các… Tháng 12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đây trở thành điểm tham quan học tập ý nghĩa đối với những sinh viên ngành Lịch sử, qua đó những kiến thức học tập được tại đây sẽ được vận dụng vào công việc nghiên cứu, giảng dạy, giải thích lịch sử…
👉 Tại đây, đoàn cũng tham quan Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa được xây dựng vào triều đại của chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên của nước Nam, tọa lạc trên đỉnh đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, thuộc phường Hương Long, bờ Bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 5km.
👉 Vào buổi tối đoàn đi du thuyền và nghe ca Huế trên sông Hương - một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình. Ca Huế thể hiện theo hai dòng là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, ai oán với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Dàn nhạc để biểu diễn ca Huế gồm có nhạc công với trang phục áo the đầu đội khăn xếp, chơi các nhạc cụ đàn nhị, đàn nguyệt, sáo và đàn bầu. Các ca công là nữ với trang phục áo dài truyền thống và chơi các nhạc cụ sanh loan, sanh tiền. Thuyền trôi đến bến Vân Lâu, đoàn thực tế được người quản thuyền hướng dẫn thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hương. Đây là một phong tục có từ lâu đời của người dân xứ Huế với mong muốn cầu sự an lành.
👉 Tại Đà Nẵng: Đoàn Tham quan và vui chơi tại thắng cảnh Bà Nà Hills khám phá “lá phổi xanh” của Đà Nẵng: Các bạn sinh viên lần đầu được đi cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới, đưa sinh viên từ chân núi lên đỉnh Bà Nà trong khoảng 15 phút. Tại Đà Nẵng đoàn cũng thăm bán đảo Sơn Trà nằm ở phía Đông Bắc thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà là một địa điểm du lịch nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.
👉 Đoàn tham quan đèo Hải Vân, Nằm dọc theo chiều dài của núi Hải Vân, là ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, cách thành phố Huế 80km và cách thành phố Đà Nẵng 20km. Tại đèo Hải Vân có công trình Hải Vân Quan được xây dựng đời Trần và cho tu sửa từ năm 1862, đời vua Minh Mạng Thứ 7, Hải Vân Quan vốn có ý nghĩa đặc biệt. Cửa trông về Thừa Thiên Huế đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông về Quảng Nam – Đà Nẵng đề sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Từ thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan chính là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào Kinh thành Huế từ phía Nam.
👉 Tại Quảng Nam: Đoàn thăm quan và thực tế tại Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam. Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt nhất trong thế kỷ 17-18. Nửa đầu thế kỷ 17, Hội An được xem như một trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt. Đô thị - Thương cảng Hội An với hạt nhân Phố cổ là di tích lịch sử, là di sản văn hóa vô giá đã được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận và xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1985. Ngày 01-12-1999, UNESCO công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản Văn hoá Thế giới đã là khẳng định vị trí và sự góp mặt của Di sản Văn hoá Hội An trong kho tàng Di sản Văn hoá nhân loại.
👉 Ngoài việc tham quan các tuyến phố cổ Hội An thì du thuyền sông Hoài và thả đèn hoa đăng trên sông cũng là một trong những hoạt động thú vị và độc đáo. Sông Hoài là một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, chảy ra biển Cửa Đại. Sông Hoài lượn sát phố cổ dọc theo các tuyến đường Nguyễn Du, Công Nữ Ngọc Hoa, Bạch Đằng, Huyền Trân Công Chúa.
👉 Tại Hội An, Đoàn cũng tham quan, trải nghiệm Rừng dừa Bảy Mẫu. Nơi đây vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã trở thành căn cứ địa cách mạng, giúp quân ta đấu tranh chiến thắng được kẻ thù với rất nhiều chiến công hiển hách. Lực lượng du kích địa phương đã nhờ vào địa hình kín đáo, nhiều chỗ dễ lẩn khuất để tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, kể cả những khi lực lượng quân ta quá mỏng nhưng quân địch lại rất nhiều mà ta vẫn đánh bại những trận càn của địch, địch còn trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn ta, có pháo binh, không quân chiến đấu nhưng vẫn không thể làm ta thua trận.
👉 Thánh địa Mỹ Sơn là điểm đến xa nhất trong chuyến thực tế. Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo của các vương triều Champa khi đóng đô tại vùng đất này. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn được xem là một trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa lúc bấy giờ. Đây được xem là những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu mang đậm giá trị văn hóa của một tộc người, và hơn hết nó như một chứng tích sống động về việc từng tồn tại của một vương triều cổ. Vào tháng 12 năm 1999 khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới .
🚌 Hành trình thực tế dọc dải đất miền Trung để tìm hiểu các di sản văn hóa, tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa....của miền đất là một hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Tây Bắc. Với phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, sinh viên đã được đến với những địa danh, di tích lịch sử để qua đó được củng cố, bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn. Thực tế là dịp để các bạn sinh viên kiểm chứng, cụ thể hóa những kiến thức đã được học ở giảng đường vào thực tiễn, là cơ hội để trau dồi những kiến thức, tri thức mới mà sách vở chưa đề cập đến. Chuyến đi đã giúp các bạn hiểu nhiều hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình kiến trúc mà các bậc tiền nhân đã tạo ra, thông qua đó giúp cho các bạn sinh viên có cái nhìn xác đáng, sinh động và chân thực hơn về lịch sử. Từ đó, hun đúc thêm niềm say mê, yêu nghề và biết quý trọng giữ gìn những giá trị lịch sử ấy. Bên cạnh đó những thông tin thu thập được từ chuyến đi sẽ là những nguồn tư liệu quý phục vụ cho việc học tập và công việc sau này của mỗi bạn sinh viên.
🚃 Ngày 12 tháng 4 năm 2024, đoàn đã trở về Trường Đại học Tây Bắc, Sơn La an toàn, kết thúc tốt đẹp hành trình tham quan, học tập. Chuyến thực tế chuyên môn đã để lại nhiều bài học bổ ích về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người; củng cố và mở mang thêm nhiều nhận thức về lịch sử dân tộc; đồng thời, chuyến đi cũng đã rèn luyện cho các bạn tinh thần đoàn kết, sẻ chia cùng những trải nghiệm thú vị khó có thể quên trong cuộc đời sinh viên.
(Bài và ảnh: ThS. Điêu Thị Vân Anh)