Căn cứ Hậu cần 1 - Cục Hậu cần Quân khu 4

Căn cứ Hậu cần 1 - Cục Hậu cần Quân khu 4 TRANG TIN CĂN CỨ HẬU CẦN 1, CỤC HẬU CẦN QUÂN KHU 4

CĂN CỨ HẬU CẦN 1.  TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NHIỆM VỤ HUẤN LUYỆN CHIẾN ĐẤU NĂM 2023.Sáng ngày 04/01/2024, CCHC1 - Cục Hậ...
04/01/2024

CĂN CỨ HẬU CẦN 1. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NHIỆM VỤ HUẤN LUYỆN CHIẾN ĐẤU NĂM 2023.
Sáng ngày 04/01/2024, CCHC1 - Cục Hậu cần Quân khu 4 tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật năm 2023. Dự, chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đại tá Trần Xuân Thanh, trưởng phòng tham mưu. đại biểu các cơ quan, Phòng Chính trị, Phòng Quân nhu CHC. Đồng chí Đại uý Phan Anh Căn cứ trưởng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Đồng chí Đại uý Phan Anh CCT, đã báo cáo kết quả công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật năm 2023, báo cáo nêu rõ.
Năm 2023, CCHC1 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật đảm bảo đúng theo quy định; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, nội bộ đoàn kết, thống nhất, dân chủ cơ sở được phát huy, môi trường văn hoá lành mạnh, đời sống vật chất tinh thần bộ đội thường xuyên được nâng cao. Công tác HLCĐ, giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, huấn luyện chuyên môn, khoa học quân sự đạt được nhiều kết quả tốt, chất lượng được nâng lên. Công tác XDCQ, QLKL được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác hậu cần, kỹ thuật đạt hiệu quả cao và có tiến bộ vững chắc.
Năm 2024, đơn vị tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa HLCĐ với giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, truyền thống, lịch sử, văn hoá dân tộc, Quân đội và đơn vị; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết, hướng dẫn của các cấp về xây dựng đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”, đơn vị chính quy; tăng cường công tác kiểm tra, duy trì việc chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý quân nhân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đại tá Trần Xuân Thanh,Trường phòng tham mưu, Cục Hậu cần, đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật năm 2023 của CCHC1, đồng thời yêu cầu đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, duy trì và thực hiện nghiêm các kế hoạch; tập trung giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng CCHC1 VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”.
Kết luận Hội Nghị: Đồng chí Đại uý Phan Anh CCT, lĩnh hội những nội dung chỉ đạo của Thủ trưởng Cục Hậu cần và ghi nhận những kết quả trong công tác huấn luyện chiến đấu, XDCQ, QLKL năm 2023 của đơn vị; đồng thời yêu cầu đơn vị CCHC1 tiếp tục huấn luyện theo sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; coi trọng tính đồng bộ và chuyên sâu. Thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, hành động theo điều lệnh; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ đảng viên, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, giữ vững ổn định, an toàn.
Tin,Ảnh : Cao Lâm CCHC1

28/12/2023
28/12/2023
28/12/2023

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam
Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, nhằm tăng cường sức mạnh toàn diện cho Quân đội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh[1] vào Quân đội, giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy.
Dẫu rằng, thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh công tác trong Quân đội không dài, nhưng Đại tướng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đặc biệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc xác định những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, thể hiện ở những nội dung chủ yếu:
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vấn đề hàng đầu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quan tâm chăm lo xây dựng là củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng Quân đội”. Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân, “không có Đảng mạnh thì không có Quân đội mạnh”. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Quân đội chỉ được phát huy khi đã xác lập được một cơ chế lãnh đạo hợp lý.
Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định dứt khoát quan điểm: “Quân đội ta là Quân đội của Đảng và thực tiễn cũng đã khẳng định điều đó. Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta đã chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội. Chúng ta kiên quyết đấu tranh chống tất cả các khuynh hướng cho Quân đội là phi Đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội”. Cùng với đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội, là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn chế độ công tác đảng ủy trong Quân đội, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại tướng xác định xây dựng chế độ đảng ủy trong Quân đội là phải xác lập và vận hành hệ thống cấp ủy trong toàn quân đến các đơn vị cơ sở để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong bộ đội và định rõ chế độ thủ trưởng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của tập thể và thống nhất của đảng ủy; kiện toàn chế độ đảng ủy là để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đại tướng khẳng định: “Chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy. Chế độ đó rất thích hợp với Quân đội ta. Chỉ có thực hiện chế độ đó, Quân đội mới thực sự là công cụ sắc bén để thực hiện đường lối chính sách của Đảng”.
Để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng trong Quân đội, nhất là việc kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng cơ sở là chi bộ đại đội. Đại tướng đã chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và yêu cầu các chi bộ đại đội cần tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; chấn chỉnh tổ chức và sinh hoạt chi bộ; tích cực mở rộng dân chủ nâng cao phê bình và tự phê bình để tăng cường sự lãnh đạo tập thể trong chi bộ. Đại tướng đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị bàn về công tác tổ chức trong Quân đội, nêu và đưa ra nhiều giải pháp về những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc trong tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy Quân đội; vấn đề tăng cường kỷ luật, mở rộng dân chủ trong Đảng; công tác giáo dục, rèn luyện, phát triển đảng viên… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong Quân đội. Đặc biệt, trong các bài viết: “Quân đội nhân dân và Đảng Lao động Việt Nam” (1951), “Chấp hành tốt nhiệm vụ công tác tổ chức năm 1954” - Báo cáo bế mạc Hội nghị tổ chức toàn quân lần thứ hai (1954), “Đảng là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Quân đội ta” - đăng Báo Nhân dân (1959), “Quân đội ta là Quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo” đăng Tạp chí Học tập (1959),… Đại tướng tiếp tục khẳng định: “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm”; “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân”. Năm 1960, Hội nghị tổng kết công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ đạo diễn ra thành công. Kết luận quan trọng được rút ra trong Hội nghị này là tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội nhân dân là nguyên tắc cao nhất, nguyên tắc bất biến trong xây dựng Quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân nói chung. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: “Phải ra sức tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của công tác chính trị. Đó là bài học lớn nhất, vứt bỏ kinh nghiệm đó, vi phạm nguyên tắc đó bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào, đều là sai lầm và dẫn đến thất bại”.
Công tác chính trị là linh hồn, là mạch sống của Quân đội
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc kết, nêu lên một luận điểm quan trọng đó là: Công tác chính trị là linh hồn, là mạch sống của Quân đội. Đây là sự khái quát cô đọng, súc tích, phản ánh rõ nhất và đầy đủ nhất vị trí, vai trò, đặc điểm, tính chất, nội dung cũng như mục đích của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Thực chất công tác chính trị là công tác đảng, công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội. Tính chất của nó phải thể hiện là: Tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính quần chúng sâu sắc. Xa rời hoặc không quán triệt ba tính chất đó, công tác chính trị sẽ thiếu tính đảng, thiếu sức mạnh, sa vào tình trạng lệch lạc, chung chung, mơ hồ, hành chính, kỹ thuật đơn thuần.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu rõ: “Muốn không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ của cán bộ và chiến sĩ để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, phải thông qua một chế độ công tác chính trị và hệ thống công tác chính trị chặt chẽ. Trong lịch sử Quân đội ta, lúc nào chúng ta nắm vững và tăng cường chế độ công tác chính trị thì Quân đội ta tiến lên đúng hướng, liên tiếp giành thắng lợi”. Đại tướng chỉ rõ: “Quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Công tác Đảng và công tác chính trị là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”. Đồng thời, “Quân đội phải luôn nhằm vào mục tiêu chính trị của Đảng để phấn đấu thực hiện. Ngoài mục tiêu đó ra, Quân đội không còn mục tiêu chính trị nào khác”.
Muốn làm được những điều đó, trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề ra 7 nguyên tắc cơ bản về công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội: Một là, Đảng phải nắm chắc Quân đội thì mới có Quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền. Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo Quân đội cho một ai; Hai là, Quân đội phải là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phải xử lý tốt các mối quan hệ với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù; Ba là, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp nhưng tư tưởng thì không được phép; Bốn là, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị; Năm là, công tác chính trị là linh hồn của Quân đội. Toàn bộ hoạt động của công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong Quân đội; Sáu là, đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng; Bảy là, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của Quân đội, có thế mới phát huy được sức mạnh, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng. Có thể nói, đây là những nguyên tắc mang tính sống còn của Quân đội, có ý nghĩa lâu dài của Quân đội cách mạng.
Để làm cho công tác chính trị thực sự là linh hồn, là mạch sống của Quân đội, trong bài nói chuyện tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra một số yêu cầu xây và chống trong việc cải tiến tác phong công tác của cán bộ chính trị. Đó là: Xây dựng tác phong làm việc thực tế, cụ thể, tỷ mỷ, chu đáo, thâm nhập thực tế, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương và chống lại tác phong ba hoa sáo rỗng, đại khái chung chung, quan liêu bàn giấy, lề mề, vô trách nhiệm. Đại tướng khẳng định người làm công tác chính trị không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới được; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng. Đại tướng luôn yêu cầu người chỉ huy phải lắng nghe ý kiến của chiến sĩ, thành thật giải quyết những yêu cầu của họ, nhưng không “theo đuôi” quần chúng. Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội.
Theo dòng chảy lịch sử, cùng năm tháng trôi qua, gắn liền với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; những cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội vẫn sẽ còn mãi, đã và đang được vận dụng trong xây dựng Quân đội, lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng. Đặc biệt, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội do Đại tướng đề xuất cách đây hơn 50 năm, về cơ bản chúng ta vẫn tiếp thu và được hoàn chỉnh bằng Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hơn nữa, vai trò, vị trí của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội không ngừng được phát huy tính hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn xây dựng Quân đội. Yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội, nâng cao giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng, tác phong quần chúng và lối sống trong sạch, lành mạnh... đối với cán bộ, đảng
viên vẫn đang là những vấn đề nóng hổi cả trên mặt trận tư tưởng, lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội.
Với ý nghĩa đó, những cống hiến, đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những vấn đề có tính nguyên tắc của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội có giá trị to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại bảo đảm cho quân đội tăng cường sức mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm sư đoàn 312, ngày 01/01/1964

Xuân Quân, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn vận tải 654

27/12/2023

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2024): Thủ trưởng cấp trên đến thăm đại đội, có tên là Sáu Di
Ngày 27/11/1965, sau khi Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tiêu diệt gọn Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 ngụy tại làng 14, sở cao su Dầu Tiếng, Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thì được lệnh rút quân về khu vực căn cứ Dương Minh Châu đóng quân ở hai bờ sông Sài Gòn. Lúc đó tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1. Phân đội chúng tôi đứng chân ở bến Nha Thức trong một khu rừng già gần chân núi Cậu.
Đầu giờ chiều 25/12/1965, Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn 3 thông báo có thủ trưởng cấp trên đến thăm Đại đội. Sau đó chúng tôi tập trung ra một khu đất trống là hội trường dã chiến, có hai dãy ghế làm bằng những cây gỗ đường kính 8cm dài 3m được ken lại, mỗi ghế là 4 cây gỗ, mỗi dãy là 15 hàng ghế, ở giữa để khoảng trống độ một mét đi lại, phía trên là một chiếc bàn cũng được ghép những cây gỗ nhỏ bằng ngón tay để dùng cho cán bộ mỗi khi lên lớp.
Đại đội vừa tập hợp xong thì một đoàn cán bộ khoảng 7-8 người, đi đầu là đồng chí Hoàng Thế Thiện, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9 (tôi biết đồng chí Hoàng Thế Thiện vì một vài lần đồng chí đến thăm Đại đội). Đi sau đồng chí Phó chính ủy là một người có nước da ngăm đen, đôi mắt sâu, rất sáng. Ông mặc bộ quần áo bà ba màu xanh ô liu, đội mũ nan có chùm vải dù ngụy trang, đi đôi dép râu. Đoàn không đi theo đường lớn dẫn vào đơn vị mà đi một lối mòn nhỏ vào thẳng Đại đội tôi. Đại đội 12 là một tập thể chiến đấu dũng cảm đã lập thành tích xuất sắc trong trận đánh ở làng 14 Dầu Tiếng, diệt và bắt được nhiều tù binh địch nên Sư đoàn chọn Đại đội 12 để đoàn đến thăm và kiểm tra các mặt. Đoàn đến thẳng Đại đội, không qua Tiểu đoàn, không qua Trung đoàn. Các đồng chí đi đến chỗ đơn vị tập trung. Đồng chí đại đội trưởng chạy lại phía đồng chí Hoàng Thế Thiện. Đồng chí Hoàng Thế Thiện chỉ sang người mặc quần áo bà ba đã đứng tuổi. Đại đội trưởng hiểu ý liền bước sang người mặc áo bà ba:
- Báo cáo thủ trưởng! Đơn vị đã tập trung đông đủ, kính mời thủ trưởng nói chuyện!
Người mặc áo bà ba liền bước lên phía chiếc bàn không có ghế ngồi và tự giới thiệu:
- Tôi là Sáu Di, hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đến thăm các đồng chí.
Rồi đồng chí hỏi anh em chúng tôi một cách mộc mạc, chân thành:
- Đồng chí nào tuổi từ 25 trở xuống giơ tay!
Hầu hết Đại đội giơ tay. Chúng tôi tuổi đời mười chín đôi mươi, trừ cán bộ Đại đội tập kết về tuổi lớn hơn.
Đồng chí Sáu Di nói:
- Như thế là Đại đội các đồng chí đều là thanh niên cả. Đồng chí nào quê ở Đồng bằng sông Cửu Long giơ tay lên?
Hai phần ba Đại đội giơ tay. Đồng chí hỏi tiếp:
- Đồng chí nào quê ở Đông Nam Bộ giơ tay lên?
Một số cánh tay giơ lên. Đồng chí Sáu Di nói rất giản dị:
- Như vậy Đại đội các đồng chí chủ yếu là anh em ở Nam Bộ.
Sau đó hỏi tiếp:
- Các đồng chí có bao nhiêu người có vợ?
Một vài cánh tay giơ lên.
- Thế đồng chí nào có vợ và đã có con?
Lại một hai đồng chí giơ tay.
Đồng chí Sáu Di nói:
- Số có gia đình và có con cũng ít.
Đồng chí Sáu Di hỏi ba điều về tuổi tác, về địa phương và hoàn cảnh gia đình của cán bộ và chiến sĩ Đại đội. Sau đó đồng chí đột ngột hỏi:
- Các đồng chí học được những vấn đề gì về quân sự, chính trị?
Anh em giơ tay, đồng chí chỉ định người ngồi hàng đầu, rồi người ngồi ở giữa và người ngồi hàng cuối trả lời. Đồng chí Sữa, người cùng thôn với tôi cũng được hỏi. Đồng chí Sữa trả lời:
- Thưa thủ trưởng, chính trị chúng em học được 10 bài cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Sáu Di lại hỏi:
- Bài một đồng chí học là gì?
- Thưa thủ trưởng, bài một về con người và đất nước Việt Nam
- Thế đồng chí hiểu thế nào?
- Thưa thủ trưởng, đất nước Việt Nam ta giàu và đẹp, dân tộc Việt Nam ta cần cù lao động, có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc.
Đồng chí Sáu Di chỉ tôi đứng lên, rồi hỏi:
- Thế học kỹ thuật, thì các đồng chí học những gì?
Tôi trả lời:
- Thưa thủ trưởng, chúng em học ngũ đại kỹ thuật.
- Ngũ đại kỹ thuật là những môn gì?
- Thưa thủ trưởng, ngũ đại kỹ thuật là bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, công sự ngụy trang và gói buộc thuốc nổ.
Tôi nói xong, đồng chí khen: Tốt! Và đồng chí hỏi tất cả Đại đội:
- Các đồng chí học đất nước Việt Nam rồi, bây giờ tôi hỏi những con sông lớn từ Bắc vào Nam là những con sông nào? Nhiều cánh tay giơ lên, đồng chí chỉ một người.
Một chiến sĩ ở giữa đội hình, đứng lên:
- Thưa thủ trưởng, Việt Nam ta nếu tính từ Bắc vào Nam thì có những con sông lớn là: Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Bến Hải, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng, sông Đồng Nai, sông Bé và hệ thống sông Cửu Long ạ.
Đồng chí Sáu Di khen chiến sĩ trả lời tốt và có hệ thống. Rồi đồng chí giải thích:
- Sông lớn là sông không những có chiều rộng mà phải có chiều dài, chảy qua nhiều nước, nhiều tỉnh, như sông Hồng, sông Cửu Long. Các đồng chí thấy không, gọi là sông Bé mà đâu có bé, nó chảy qua nhiều tỉnh rồi nhập vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển phải không?
Khi đồng chí Sáu Di hỏi bờ biển Việt Nam dài bao nhiêu ki-lô-mét, thì nhiều người trả lời chưa chính xác. Đồng chí liền giải thích:
- Bờ biển của Việt Nam chạy dài từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 3.200km.
Sau đó đồng chí Sáu Di hỏi:
- Các đồng chí đã học đất nước con người Việt Nam. Đồng chí nào cho biết vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất?
Nhiều người tranh nhau trả lời. Có người nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Sáu Di xua tay:
- Tôi hỏi người anh hùng dân tộc nào trong lịch sử chống ngoại xâm cơ mà?
Một vài người nói: Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...
Đồng chí giải thích:
- Đúng, các vị anh hùng dân tộc đó cũng rất đặc biệt, nhưng tôi muốn hỏi các đồng chí, người anh hùng dân tộc nào vừa đặc biệt lại vừa độc đáo, tiêu biểu cho các thời đại?
Tôi mạnh dạn đứng lên nói:
- Thưa thủ trưởng, đó là Quang Trung có phải không ạ? Vì Quang Trung từ Tây Sơn, Bình Định hành quân thần tốc ra Thăng Long, đại phá hơn 20 vạn quân Thanh vào đúng dịp Tết Nguyên đán ạ.
Nghe tôi nói xong, đồng chí Sáu Di gật đầu:
- Đúng! Đúng! Đúng!
Rồi đồng chí giải thích:
- Quang Trung đưa quân tới Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp. Biết quân Thanh dự định trong ngày 6 tháng Giêng sẽ từ Thăng Long xuất quân, ông hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết trước và tuyên bố: "Ngày mồng 7 sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết khai hạ". Mờ sáng mồng 5, nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm đồn Ngọc Hồi-một trong những đồn lũy quan trọng nhất của quân Thanh được phòng thủ kiên cố. Quang Trung cho hơn 100 voi tiến trước, quân Thanh không địch nổi, bỏ đồn xéo lên nhau mà chạy. Chiến thắng lịch sử đại phá 29 vạn quân Thanh diễn ra cực kỳ nhanh chóng và mãnh liệt. Chiến thắng vĩ đại ấy được xây dựng trên tinh thần chiến đấu quả cảm của quân sĩ, nhiệt tình tham gia ủng hộ của nhân dân và thiên tài quân sự xuất sắc của Quang Trung.
Mọi người chú ý lắng nghe những lời đồng chí giải thích. Nói rồi, đồng chí quay sang nói như tâm sự:
- Các đồng chí ăn cơm có no không? Có thiếu muối không?
Anh em thưa, có lúc cũng khó khăn do địch khống chế, tiếp tế không kịp, nhưng thường xuyên ăn đủ no. Đồng chí bảo:
- Chiến trường các đồng chí ở gần vựa thóc lớn là Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp lương thực cho chiến trường Nam Bộ, kết hợp chi viện ở miền Bắc vào. Nhưng miền Bắc chủ yếu chi viện súng đạn chứ lương thực chưa nhiều đâu. Đôi khi vận chuyển không kịp là do địch ngăn chặn chứ lương thực mình không đến nỗi thiếu. Mình vẫn đủ gạo cung cấp cho bộ đội. Còn muối, bờ biển mình dài, đồng chí nào kể cho tôi nghe một vài đồng muối ở Nam Bộ?
Lúc đó anh em chúng tôi chỉ biết sơ sơ mấy đồng muối ở Phan Thiết, Ba Tri, Bình Đại kéo dài đến chân núi Lớn Bạc Liêu nên trả lời theo những hiểu biết đó.
Đồng chí Sáu Di nói:
- Như vậy, muối mình không thiếu, gạo mình không thiếu phải không?
Bất ngờ đồng chí hỏi:
- Các đồng chí có lãng phí không?
Mấy anh em chúng tôi nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng chúng em rất tiết kiệm vì nhân dân mình còn nghèo.
- Các đồng chí nói chỗ này là chưa đúng. Tôi đi đường thấy có nơi bộ đội vẫn bỏ lại cơm vắt, có nơi muối vẫn còn rơi vãi. Nhân dân mình còn nghèo mà các đồng chí lãng phí là có lỗi với dân.
Nhắc khéo việc lãng phí rồi đồng chí hỏi đến mặc:
- Ai có hai bộ quần áo giơ tay?
Gần hết quân số của Đại đội giơ tay. Bởi đại bộ phận có từ hai bộ trở lên, có người hai bộ nhưng có bộ rách còn may vá lại được.
Đồng chí nói:
- Hiện nay đa số các đồng chí là hai bộ, vải của mình thô, chiến trường thì ẩm ướt cho nên các đồng chí phải biết giữ gìn làm sao có đủ mặc, đủ ấm, có võng, màn chống muỗi.
Đồng chí Sáu Di hỏi tiếp:
- Sau mỗi trận đánh, các đồng chí về huấn luyện được bao nhiêu ngày?
Tôi đứng lên trả lời:
- Thưa thủ trưởng, sau mỗi trận đánh có từ 7 đến 10 ngày luyện quân rút kinh nghiệm, sau đó lại ra chiến trường đánh tiếp.
Đồng chí khen:
- Sau một trận đánh, sau một chiến dịch phải luyện quân, rút kinh nghiệm bình chỉ huy, bình chiến đấu là tốt.
Dừng một lát, đồng chí Sáu Di nói với đồng chí Hoàng Thế Thiện cho gọi hai người trẻ nhất Trung đoàn là Nguyễn Văn Thắng (15 tuổi) con của anh Ba Hà, Chính trị viên phó Tiểu đoàn và Nguyễn Văn Trừ (15 tuổi), chiến đấu rất dũng cảm có huân chương. Khi Thắng và Trừ đến, đồng chí Sáu Di ân cần bắt tay, hỏi thăm sức khỏe, tình hình chiến đấu. Đồng chí Sáu Di hỏi Thắng:
- Mình có đánh thắng Mỹ không?
- Thưa thủ trưởng, mình đánh thắng ạ.
- Tại sao? Cậu giải thích cho mình nghe.
- Thưa thủ trưởng, em đi tải gạo thấy bộ đội mình nhiều lắm, súng lớn 3-4 người khiêng, nhất định mình thắng Mỹ.
Quay sang Nguyễn Văn Trừ, đồng chí Sáu Di hỏi:
- Theo cậu, mình có đánh thắng được Mỹ không? Dạ, thưa thủ trưởng thắng ạ.
- Vì sao mình thắng Mỹ, cậu nói tôi nghe coi?
- Dạ, thưa thủ trưởng, chiến tranh của mình là chiến tranh chính nghĩa được toàn dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Và là chính nghĩa nên được nhân dân thế giới ủng hộ nên mình nhất định thắng, Mỹ nhất định thua.
Đồng chí Sáu Di quay sang anh Ba Hà nói:
- Anh Hà thấy không, lính "Triều đình" ở Tiểu đoàn bộ đâu được huấn luyện kỹ, đâu được giáo dục đến nơi đến chốn nên trình độ chính trị còn non. Cậu Trừ là lính chiến đấu, được học tập rất kỹ nên trình độ khác hẳn. Ta thắng Mỹ không phải vì nhiều súng đạn mà là vì cuộc chiến tranh của ta chính nghĩa, cái đó quyết định để dân tộc Việt Nam mình thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cuối buổi nói chuyện, đồng chí Sáu Di kêu hai chiến sĩ trẻ đứng hai bên chụp ảnh kỷ niệm. Tôi xin nói thêm, sau đó vài năm anh Trừ chiến đấu hy sinh, anh Thắng chuyển về đơn vị biệt động Sài Gòn, chiến đấu rất dũng cảm và đã hy sinh oanh liệt.
Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đại đội 12, đồng chí Sáu Di nói đại ý: Hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, tôi đến thăm Đại đội 12 để tìm hiểu đời sống sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, tình hình học tập quân sự, chính trị của cán bộ, chiến sĩ Đại đội. Tôi rất hài lòng về tinh thần hăng say học tập, ý chí vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của các đồng chí. Tôi hoan nghênh thành tích của Đại đội 12, mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống, lập nhiều chiến công mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho. Cả Đại đội vỗ tay không ngớt, ai cũng thấy niềm vui lâng lâng khó tả trước sự gần gũi, ấm áp, nói dễ hiểu, dễ thực hiện của người thủ trưởng cấp trên, có tên là Sáu Di.
Mấy ngày sau, chúng tôi được đại đội trưởng thông báo: “Đồng chí Sáu Di chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện tại là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam”. Tôi không ngờ một vị Đại tướng, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Quân đội mà ra tận chiến trường gặp gỡ chiến sĩ như vậy. Trong khi đó vị trí đóng quân của Đại đội 12 chúng tôi nằm trong tầm pháo của địch, chúng có thể bắn đến bất cứ lúc nào.
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh-một vị Đại tướng vô cùng giản dị, vô cùng thân thiết và những kỷ niệm đẹp, sâu sắc đầy tình người, tình đồng chí, những cử chỉ ân cần, săn sóc, những lời động viên, khuyến khích, chỉ dẫn, giáo dục của đồng chí luôn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Với tôi, dù chỉ một lần được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng đó là một kỷ niệm sâu sắc, mãi mãi không bao giờ mờ phai trong ký ức cuộc đời.
Đại tướng LÊ VĂN DŨNG, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguồn: Báo QĐND
Xuân Quân, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn vận tải 654

27/12/2023
27/12/2023

ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH: "LẤY THÁI ĐỘ CHÂN THÀNH MÀ CẢM HÓA QUẦN CHÚNG"
(Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01 -1914- 01/01/2024)

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh 3 lần bị địch bắt giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, từng lăn lộn khắp các chiến trường và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau. Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “Quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Để nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng Quân đội về chính trị. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn xác định: “Lãnh đạo tư tưởng là trọng tâm của công tác lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản... Cho nên, chúng ta phải đề cao công tác lãnh đạo tư tưởng nhằm đưa trình độ tư tưởng của Quân đội ta lên cao..., có như vậy mới mong hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề sắp tới”. Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội về chính trị mà trực tiếp là lãnh đạo công tác tư tưởng trong Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn sâu sắc ở những vấn đề sau:

Trước hết, phải gắn lý luận với thực tiễn, lời nói phải đi đôi với hành động. Là người được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; trải qua các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, Bí thư Liên khu ủy khu IV, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ tư tưởng của V.I.Lenin về vai trò của lý luận cách mạng, mà theo đó: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đó, lại hiểu rõ thực tế chất lượng chính trị của Quân đội cùng những mạnh, yếu của công tác chính trị thời kỳ thực hiện chế độ “Chính ủy tối hậu quyết định”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất coi trọng chỉ đạo công tác lý luận trong Quân đội.

Tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân (tháng 8-1951), lần đầu tiên những vấn đề về nguyên tắc và phương pháp công tác tư tưởng đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh khái quát một cách rành rẽ, trở thành kim chỉ nam cho hoạt động công tác tư tưởng trong Quân đội. Theo đồng chí, công tác tư tưởng phải tuân theo 5 nguyên tắc:

“1- Cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng; 2- Phải bắt tay giải quyết vấn đề tận gốc;
3- Phải chủ động, nhìn xa thấy trước vấn đề, theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh;
4- Phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén;
5- Là công việc lâu dài, hết sức phức tạp, khó khăn”.

Để phát huy tốt vai trò công tác tư tưởng, Đại tướng luôn cho rằng trước tiên phải gắn lý luận với thực tiễn, đi từ cụ thể thực tiễn khái quát, đúc kết thành nguyên tắc, lý luận, lời nói phải đi đôi với hành động. Đặc biệt phải luôn khéo léo kết hợp giữa giáo dục tư tưởng chính trị với quân sự tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Thứ hai, sâu sát cơ sở, hiểu quần chúng. Theo Đại tướng, có tiếp xúc với quần chúng mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, giúp cho người cán bộ khi định ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo đạt hiệu quả cao: “Người cán bộ chừng nào càng đi sục sạo đây đó càng nhiều thì càng làm cho quan hệ trên dưới tốt lên, nhất là mạnh dạn đi xuống cơ sở, tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng về sau con mắt sẽ tinh hơn, tai sẽ thính hơn, tác dụng sẽ nhiều hơn”.

Phải biết tìm cái mới trong thực tiễn sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội. Muốn vậy, đối với cán bộ nói chung và nhất là cán bộ chính trị phải là người dám xông vào thực tế, tiếp xúc với quần chúng hằng ngày. Không phải lúc nào quần chúng cũng có thể thổ lộ và không phải với ai họ cũng thổ lộ mà phải là người biết chia sẻ, động viên họ, là chỗ dựa tinh thần cho họ khi gặp khó khăn, khuyến khích họ khi hoàn thành nhiệm vụ thì mọi việc họ sẽ tâm sự, thổ lộ.

Muốn lãnh đạo tư tưởng đạt hiệu quả cao, Đại tướng cho rằng phải có phương pháp, chủ động trong công việc, tác phong phải cụ thể, thiết thực, luôn lấy giáo dục, thuyết phục là chính. Công tác chính trị tư tưởng phải mọi lúc, mọi nơi, gắn chặt với công tác quân sự, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ lợi ích của đất nước, dân tộc. Quân sự không thể thiếu trong việc thực hiện mục tiêu chính trị: “Cuộc chiến tranh nào cũng biến động nhưng cuộc chiến tranh của chúng ta biến động càng dữ. Công tác chính trị phải nắm chắc đường lối chiến tranh, đường lối quân sự và thường xuyên bám sát thực tiễn luôn luôn biến động”.

Nói về phương pháp công tác tư tưởng, đồng chí nêu lên 6 nội dung chủ yếu: “1- Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng; 2- Khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục; 3- Phát huy tác dụng tự phê bình, phê bình trên tinh thần tự giác và có tính chất quần chúng; 4- Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kỳ; 5- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức; 6- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Thứ ba, thường xuyên khắc phục những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong lãnh đạo công tác tư tưởng. Lãnh đạo tư tưởng là một công việc lâu dài, phức tạp, khó khăn, bởi tư tưởng con người luôn thay đổi, phát triển theo tình hình, hoàn cảnh thực tế. Cho nên, lãnh đạo tư tưởng cần phải căn cứ vào sự thay đổi của hoàn cảnh, nhiệm vụ mà kịp thời đề ra nội dung, yêu cầu. Không thể định ra yêu cầu về tư tưởng quá cao, hoặc lại quá thấp so với nhiệm vụ.

Để lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, trước hết phải nắm vững nguyên tắc, cần phải có tinh thần tích cực và khôn khéo. Đồng chí cũng phê bình nghiêm khắc bệnh làm công tác tư tưởng kiểu hành chính, mệnh lệnh, cần giải thích, động viên, khích lệ, thuyết phục, định hướng, dẫn dắt. Mục đích lãnh đạo tư tưởng là làm cho cán bộ, chiến sĩ biết phân biệt đúng, sai, cái tốt và chưa tốt để có tư tưởng đúng, khắc phục sai trái.

Để làm được điều đó, trong lãnh đạo tư tưởng phải giải quyết vấn đề tận gốc, phải đi từ giáo dục mục tiêu lý tưởng cách mạng cho quần chúng, chỉ rõ mục đích chiến đấu để làm gì, chiến đấu cho ai, vì sao mà chiến đấu. Đồng thời hết sức phản đối thái độ tiêu cực, ba phải, lừng chừng trong lãnh đạo tư tưởng. Có như vậy, mới nâng cao được trình độ giác ngộ cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới tự giác sửa chữa những sai lầm tận gốc, từ chỗ còn đang do dự đến chỗ dũng cảm hy sinh, quyết tâm tiêu diệt địch, từ chỗ ngại khó khăn, gian khổ đến chỗ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong điều kiện hoàn cảnh phức tạp thì tình hình tư tưởng cũng diễn biến phức tạp. Lãnh đạo tư tưởng phải từ phức tạp nhìn thấy trước, bao quát được mọi vấn đề. Đại tướng khẳng định: “Giáo dục chính trị, cải tạo tư tưởng càng nhiều, càng kỹ, càng công phu bao nhiêu thì càng giảm bớt được sai lầm cho cán bộ, bảo toàn được cán bộ và càng tránh được những biện pháp về tổ chức bấy nhiêu. Điều đó đặc biệt có lợi. Phương châm lấy giáo dục làm chính là phương châm rất đúng để giải quyết mâu thuẫn nội bộ Quân đội. Đảng ta rất chú trọng giáo dục chính trị, cải tạo tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ”.

Đại tướng luôn căn dặn, trong lãnh đạo tư tưởng phải biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục, tránh thái độ hấp tấp, vội vàng, nóng nảy, giản đơn hoặc dùng mệnh lệnh, uy quyền để bắt người ta phải theo. Phải thấu hiểu: “Là người lãnh đạo phải đặt mình vào hoàn cảnh và hiểu rõ quần chúng mà dùng lý lẽ thuyết phục cho phù hợp. Đi đôi với việc dùng lý lẽ để thuyết phục là phải lấy thái độ chân thành mà cảm hóa quần chúng. Phân biệt rõ mặt tốt, mặt chưa tốt của từng người, cái gì tốt thì biểu dương, khuyến khích, cái gì chưa tốt thì đấu tranh, phê bình, không nên thấy có việc gì sai trái thì cho người ta là hỏng bét cả, như thế là không đúng”.

Không nên nhận định tư tưởng một cách qua loa mà phải nắm chắc, đi sâu phân tích bản chất của vấn đề, tìm ra được nguyên nhân của những thắc mắc, phải mở rộng dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình. Đại tướng nhắc nhở lãnh đạo, chỉ huy phê bình việc chứ không phê bình người; phê bình phải từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, kiên quyết đấu tranh để giữ vững cái đúng, tiếp thu cái đúng, phê phán đến nơi đến chốn cái sai để tăng cường đoàn kết, nhất trí, nâng cao nhận thức, rèn luyện lập trường, quan điểm tư tưởng cách mạng, chứ đừng lợi dụng nhân cơ hội phê bình việc làm sai mà trù dập cấp dưới.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một hình ảnh cao đẹp về một con người cộng sản, một vị tướng tài đức, trí dũng song toàn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong cách lãnh đạo tư tưởng của Đại tướng luôn là những bài học có tính thời sự cho Quân đội ta.

Đại tá, TS NGUYỄN DUY PHƯƠNG, Phó chủ nhiệm Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Address

Xã Nghĩa Xuân, Đường 48
Quy Hop
470000

Telephone

+84946521317

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Căn cứ Hậu cần 1 - Cục Hậu cần Quân khu 4 posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other News & Media Websites in Quy Hop

Show All

You may also like