Sông Thao quê mình

Sông Thao quê mình chia sẻ, bình luận những thông tin tích cực

🇻🇳Ngày 02-9 lịch sửKHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP - TỰ DO!
01/09/2024

🇻🇳Ngày 02-9 lịch sử
KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP - TỰ DO!

01/09/2024
01/09/2024
30/08/2024
29/08/2024

Cẩn trọng những email yêu cầu đóng bảo hiểm ô tô

Thời gian gần đây, nhiều người nhận được các email với nội dung thông báo bảo hiểm ô tô đã hết hạn, yêu cầu đóng các khoản phí nhằm gia hạn hoặc mua các gói bảo hiểm mới. Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, thủ đoạn này đã gây ra thiệt hại ước tính lên tới 30 triệu đô-la (khoảng 748 tỷ VND).

Cụ thể, các đối tượng tạo lập email giả mạo, đính kèm logo của các nhà phân phối hoặc công ty bảo hiểm xe ô tô nổi tiếng để gia tăng mức độ uy tín. Ban đầu, đối tượng sẽ giả mạo là nhân viên chăm sóc khách hàng tại các đơn vị phân phối ô tô, chủ động gọi điện cho nạn nhân với giọng điệu cấp bách và khẩn trương thông báo rằng bảo hiểm hết hạn, yêu cầu nạn nhân cung cấp email để các đối tượng gửi thêm thông tin chi tiết.

Ngoài ra, đối tượng còn đe dọa bằng cách thông báo hiện tại nạn nhân đang nợ công ty một khoản tiền nhất định, nếu không thanh toán ngay sẽ rơi vào trường hợp “nợ xấu”. Sau đó, các đối tượng gửi Email cho nạn nhân với nội dung chứa đựng thời điểm gói bảo hiểm hiện tại mà nạn nhân sử dụng được kích hoạt, đồng thời đính kèm số tài khoản giả mạo và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhằm gia hạn hoặc kích hoạt gói bảo hiểm mới.

Người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, email với nội dung như trên. Người dân cần thực hiện xác thực kỹ thông tin và danh tính của các đối tượng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng lạ.

Người dân chỉ nên đóng bảo hiểm trực tiếp tại các trụ sở công ty, đại lý phân phối bảo hiểm uy tín. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các cơ quan, lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.
web CLĐ

29/08/2024

Cảnh báo fanpage giả mạo cuộc thi viết thư UPU tại Việt Nam

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vừa cảnh báo một số fanpage mạo danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU, đăng thông tin về cuộc thi giả mạo và hứa hẹn giải thưởng hấp dẫn, từ đó dẫn dụ học sinh, phụ huynh đăng ký nhằm đánh cắp thông tin và tài sản.

Thời gian gần đây, xuất hiện một số trang fanpage giả mạo cuộc thi UPU trên Facebook. Các trang này đăng tải thông tin sai lệch, dẫn dụ học sinh và phụ huynh tham gia cuộc thi giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.

Cụ thể, danh sách các Fanpage lừa đảo: https://www.facebook.com/https://www.facebook.com/vietthuquocteupu?mibextid=LQQJ4dbook.com/CuocthivietthuUPU53?mibextid=LQQJ4d; https://www.facebook.com/vietthuquocteupu?mibextid=LQQJ4d

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, các trang fanpage giả mạo này tự tạo ra chủ đề, hứa hẹn giải thưởng hấp dẫn để thu hút người tham gia. Trang fanpage chính thức của cuộc thi tại Việt Nam chỉ có duy nhất địa chỉ:

"facebook.com/cuocthivietthuupuvietnam". Các hoạt động trên trang này được quản lý bởi Ban tổ chức gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Bưu điện Việt Nam.

Ban tổ chức khuyến cáo phụ huynh và học sinh cần nâng cao cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc "3 không": không làm theo yêu cầu từ các trang fanpage hoặc website không chính thống; không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng; không truy cập các liên kết lạ hoặc thực hiện bất kỳ thanh toán nào mà chưa xác minh nguồn gốc.

Để phòng tránh những chiêu trò lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ các trang Facebook về các cuộc thi hoặc chương trình trên mạng, đồng thời yêu cầu xác minh rõ ràng danh tính của đơn vị tổ chức trước khi tham gia.

Trong trường hợp đã bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.

28/08/2024

(Dân trí) - Sau khi thêm 3 Phó Thủ tướng và 2 bộ trưởng, bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 26 thành viên, gồm Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, trong đó 2 Phó Thủ tướng kiêm nhiệm, và 22 bộ trưởng, trưởng ngành.

27/08/2024
27/08/2024

Nhận diện và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái về con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay (Bài 2)

Thực tiễn đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặt ra yêu cầu cần tìm đường để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc và tự do, dân chủ cho nhân dân. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước biến nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chịu sự chi phối bởi hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và ách đô hộ của thực dân Pháp; mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn đặt ra đã có nhiều phong trào đấu tranh theo lập trường phong kiến và tư sản mặc dù anh dũng, yêu nước nhưng đã không tránh khỏi thất bại.

Mô hình CNXH ở nước ta ngày càng sáng rõ

Từ thực tiễn khủng hoảng, bế tắc, yêu cầu về con đường cứu nước, trong hành trình bôn ba nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nghiên cứu lịch sử cách mạng Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc…; tìm hiểu lịch sử cách mạng Nga, nhất là Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Hồ Chí Minh nhận định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…

Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Sau khi trở thành người cộng sản, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là con đường có triển vọng giải quyết triệt để hai nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, mang đến độc lập dân tộc thật sự.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930), Đảng ta xác định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đại hội II của Đảng (2/1951) nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến CNXH”. Đại hội III (1960) khẳng định: “Đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội IV của Đảng (1976) chỉ rõ: “Cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”. Đại hội lần thứ V của Đảng (1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới: “Một là, xây dựng thành công CNXH; hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau”.

Đại hội lần thứ VI, Ðảng ta khẳng định: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) xác định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”. Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), Đảng tiếp tục xác định bài học quan trọng đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Bước sang thế kỷ XXI, với nhiều cơ hội và thách thức mới, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định: Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng nhấn mạnh bài học: “Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Và trong bối cảnh mới, tại Đại hội XIII Đảng ta xác định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn sống động minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn

Nhờ giải quyết, xử lý đúng đắn quan hệ dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã quy tụ được sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (1945), đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân dân, đế quốc và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979); thực hiện thành công công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, nhờ kiên định độc lập dân tộc và CNXH, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trên các lĩnh vực. Trong đó, năm 2023 kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%.

Chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm. Nếu như ở thời điểm năm 1988, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ có 86 USD thì đến năm 2023 ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022, tầng lớp trung lưu đang hình thành - hiện chiếm 13% dân số, tức khoảng hơn 13 triệu người.

Hiện nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%. Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt cũng là một điểm nhấn góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân như: hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, thương binh, gia đình liệt sĩ... Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế được chú trọng, triển khai thực hiện với những kết quả tích cực. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, năm 2023 là 73,7 tuổi, xếp vào nhóm cao giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Trong những năm qua, Việt Nam đã ngừng nỗ lực để người dân được sống trong một môi trường hạnh phúc. Điều này đã được ghi nhận qua việc tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 lên 65 trong xếp hạng chỉ số hạnh phúc thế giới 2023 của Liên hợp quốc.

Ở Việt Nam, công dân tự do làm những việc mà pháp luật không cấm. Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do Internet… luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tự do làm giàu chính đáng; mọi ý kiến, đóng góp xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc luôn được khuyến khích, bảo vệ. Mọi người dân đều được hưởng lợi về chính sách giáo dục. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng và tiến bộ.

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trước một thế giới đầy biến động, diễn biến phức tạp khó lường, Việt Nam luôn là điểm đến của hòa bình, hữu nghị, nơi các nước lớn trên thế giới luôn xem Việt Nam là đối tác quan trọng. Mặt khác, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được được đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ nét, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những nỗ lực vì con người, vì hạnh phúc nhân dân đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới là to lớn, đánh dấu một bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của con đường đi lên CNXH. Thực tế những chặng đường lịch sử cách mạng đã chứng minh, đi lên CNXH là con đường duy nhất đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Mặc dù hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là vấn đề lâu dài với vô vàn khó khăn, thách thức, song toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. Kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, tiếp tục đồng sức, đồng lòng vững bước trên con đường đã chọn và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Chu Thắng – Trịnh Thúy

Đi lên Chủ nghĩa xã hội, đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, thể hiện diện mạo mới.

25/08/2024

Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự tài ba, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Ông không chỉ được nhân dân Việt Nam tôn kính mà còn được thế giới ngưỡng mộ - từ những nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn đến đông đảo nhân dân thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng tài ba của quân đội và nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn. Sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Ông là Đại tướng đầu tiên của quân đội ta, cũng là Đại tướng thắng nhiều Đại tướng nhất. Nhưng ông cũng là vị tướng luôn tiếc thương từng giọt máu của người chiến sĩ. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng nhân dân ta…

Đảm nhiệm trọng trách Tổng Tư lệnh khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại.

Trong các chiến dịch lớn có tính chất quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự, chiến thuật, tài chỉ huy đặc biệt, sự sáng tạo và nhạy bén đáp ứng những yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Có thể nói, tên tuổi Đại tướng mãi gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại của đất nước, để lại trong lòng người dân Việt Nam một tình cảm đặc biệt về một vị tướng hết lòng vì nước, vì dân. Nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2024), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những đóng góp to lớn của vị tướng huyền thoại đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

25/08/2024

Từ tháng 9, La Nina gây mưa lớn, bão lũ dồn dập

Khi La Nina chính thức hoạt động thì mưa lớn, bão lũ sẽ càng dồn dập hơn vì bề mặt nước biển ấm sẽ cung cấp nhiệt và ẩm dồi dào cho mây dông và các cơn bão hình thành.

Từ đầu tháng 8 đến nay, tình hình mưa lũ và sạt lở đất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á. Khu vực này đã phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Trong suốt 23 ngày qua của tháng 8, châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và miền Bắc Việt Nam đều đã ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng.

Tại Ấn Độ, bang Tripura đã trải qua ba ngày lũ lụt và sạt lở đất tàn phá, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Tại Bangladesh, số người tử vong vì lũ lụt đã tăng lên 13 người, trong khi hơn bốn triệu người vẫn đang mắc kẹt trong tình trạng lũ lụt lịch sử.

Ở Thái Lan, tình hình cũng không khả quan hơn. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Nan, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà và ảnh hưởng nặng nề đến hơn 12.000 hộ gia đình ở miền Bắc. Tại Chiềng Mai, mưa lớn nhất trong 70 năm qua đã cướp đi sinh mạng của 4 người.

Tại Trung Quốc, tỉnh Liêu Ninh đã phải đối mặt với mưa lớn bất thường trong tháng 8. Ở huyện Kiến Xương, lượng mưa đạt 534,7 mm, phá vỡ kỷ lục lịch sử và gây ra ngập lụt diện rộng, buộc hơn 50.000 người phải sơ tán.

Không ngoại lệ, một loạt các tỉnh thành ở Việt Nam như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội vừa lâm vào cảnh ngập lụt diện rộng sau cơn mưa lớn vào tối ngày 22, sáng 23/8.

Tại Hà Nội, lượng mưa trong 12 giờ tại Hoài Đức đạt kỷ lục 193 mm, trở thành ngày mưa lớn nhất trong tháng 8 từ trước đến nay. Mưa lớn còn gây ngập sâu ở TP. Thái Nguyên, khiến giao thông bị tê liệt và Hồ Núi Cốc phải xả lũ.

Ngoài ngập lụt, tình hình sạt lở đất cũng rất nghiêm trọng. Từ đầu tháng 7, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến nhiều vụ sạt lở đất liên tiếp, gây thiệt mạng cho 19 người và làm hư hỏng gần 300 ngôi nhà. Hơn 170.000 m³ đất đá đã sạt xuống các tuyến đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Tình hình mưa lũ và sạt lở đất trên toàn thế giới hiện đang là mối quan tâm lớn, và các hiện tượng này có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp khi hiện tượng La Niña chính thức hoạt động.

Từ tháng 9 La Nina gây mưa lớn, bão lũ dồn dập

Việc mưa lũ, sạt lở xảy ra ở nhiều quốc gia của châu Á như vậy là những dấu hiệu cho thấy La Nina sắp chính thức hoạt động. Chứng tỏ vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương đang ấm lên, tạo đà cho mây dông phát triển mạnh hơn và gây mưa lớn bất thường.

Quan sát sự thay đổi của nhiệt độ bề mặt nước biển trên khu vực Thái Bình Dương trong 30 ngày qua cũng thấy rõ điều này. Vùng nước biển ấm đang dịch chuyển dần từ khu vực trung tâm của Thái Bình Dương, sang phía Tây, gần các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Một căn cứ khoa học nữa để xác định dấu hiệu chuyển pha sang La Nina là mức nhiệt chênh lệch ở trung tâm của Thái Bình Dương hay còn gọi là chỉ số Nino 3 4.

Nếu mức nhiệt này từ 0,5 độ C trở lên thì sẽ là pha nóng El Nino, còn từ âm 0,5 độ C trở xuống, sẽ được tính là chuyển sang pha lạnh La Nina. Từ đầu năm đến giờ, chỉ số Nino 3 4 qua mỗi thời kỳ lại càng giảm. Mức nhiệt chênh lệch trung bình 3 tháng gần đây nhất chỉ còn 0.2 độ C, tiến gần đến mức nhiệt chuyển sang La Nina là âm 0,5 độ C.

Bám thiên tai làm du lịch

Khi dự báo cho thấy mùa mưa lũ sắp tới có thể diễn biến cực đoan, người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, cần phải có những biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Phòng chống thiên tai và phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội để chuyển hóa khó khăn thành cơ hội phát triển.

Một ví dụ điển hình về cách kết hợp giữa phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế là mô hình du lịch bền vững tại làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình. 10 năm gần đây bà con làng Tân Hóa đã làm các nhà nổi để chống lũ và cất giữ tài sản, ý tưởng làm du lịch thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thiên tai bắt đầu từ đây.

Và nhờ mô hình này mà cuộc sống người dân Tân Hóa đến nay đã có những thay đổi rõ rệt khi lựa chọn làm du lịch cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn khi kinh tế người dân được cải thiện.

Mô hình du lịch độc đáo cùng vị trí địa lý đặc biệt được bao quanh bởi các núi đá vôi, hệ thống hang động hùng vĩ. Làng du lịch Tân Hóa, đã thu hút gần 10.000 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Với những nỗ lực phát triển, "vùng rốn lũ" Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình hiện là làng duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới bầu chọn là làng du lịch tốt nhất thế giới vào tháng 10 năm 2023. Từ đó, đưa Tân Hóa trở thành một điểm đến khám phá hấp dẫn và cũng là bàn đạp để hàng trăm hộ dân khó khăn trong vùng lũ làm kinh tế, góp phần phát triển du lịch Quảng Bình./VTV

25/08/2024

Đề xuất nghỉ thêm 2 ngày dịp Quốc khánh và một ngày dịp chiến thắng Điện Biên Phủ

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Theo đó, cử tri cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là ngày lễ lớn của đất nước. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn của dân tộc. Do đó cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Bộ luật Lao động năm 2019 quy định ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm là ngày nghỉ lễ.

Đồng thời toàn dân được nghỉ một ngày, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Ngoài ra, cử tri các tỉnh cũng đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm 1 ngày cho phép người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương là ngày 5/9 hằng năm.

Hiện nay, Việt Nam có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết Dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), Giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày). Số ngày nghỉ này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế xã hội.

Việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động, vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.

22/08/2024

🇻🇳Cẩm Khê: Triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-----
Cuốn sách: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản.
Cuốn sách có 807 trang, gồm các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tuyển chọn là sự tổng kết những bài học kinh nghiệm có giá trị của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam và bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng ta, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, ngoại giao trong thời kỳ mới.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Phần thứ nhất: “Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gồm bài viết tổng quan “Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Phần thứ hai: “Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó, có nhiều bài viết sâu sắc thể hiện quan điểm ngoại giao “cây tre” của Việt Nam với các nước lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga… Phần thứ ba: “Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao”, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là những kỷ niệm, tình cảm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước. Những ý kiến thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý đối với Tổng Bí thư và niềm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định bước phát triển về tư duy lý luận của Đảng về đối ngoại trong công cuộc đổi mới đất nước dựa trên sự kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phù hợp với quy luật phát triển, xu thế lớn trong sự vận động của quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Tác phẩm làm sáng tỏ “bản sắc đối ngoại “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng nhất để phát huy hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của đối ngoại. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu nổi bật trong từng thời kỳ, khẳng định đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Cuốn sách đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các đối tác trong tất cả các lĩnh vực, vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tác phẩm là tài liệu nghiên cứu quý giá về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, hệ thống hóa, khái quát hóa các chủ trương, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong gần 40 năm đổi mới. Nội dung của tác phẩm là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tác phẩm đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại trong tình hình mới; góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm phá hoại mối quan hệ đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhận thức rõ những giá trị to lớn của tác phẩm, để giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về nội dung cốt lõi của tác phẩm, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, tạo đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ hình ảnh, uy tín của Đảng và đất nước, làm thất bại mọi âm mưu chống phá, hành vi xuyên tạc, bôi xấu của các thế lực thù địch, phản động; Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Khê đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 145-KH/HU, ngày 03/4/2024 triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn và phát hành Đề cương tuyên truyền giới thiệu những nội dung cốt lõi trong Cuốn sách gửi đến toàn thể các đảng bộ, chi bộ cơ sở; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phổ biến nội dung tài liệu đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên bằng các hình thức phong phú... đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, góp phần thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện trong thời gian tới.
Hoàng Thị Thùy Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Khê

Address

Phu Tho

Telephone

+842103889505

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Sông Thao quê mình posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other News & Media Websites in Phu Tho

Show All