Công An xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam

Công An xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam Kênh thông tin công an xã Tiêu Động

17/10/2023

BẠN NGHĨ SAO VỀ ĐỀ XUẤT ĐỔI TÊN PHIM "ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM" THÀNH "ĐẤT RỪNG TRUNG HOA"?

Dự luận xã hội vẫn tranh luận gay gắt bộ phim "Đất rừng phương Nam" mới ra mắt gần đây, một số người cho rằng tác phẩm đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục của người Hoa, không phải của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: "Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử"; "Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này"; "Phim lật sử mà cũng được duyệt, đổi tên thành "Đất rừng Trung Hoa".
Việc “đổi tên” các Hội trong film là “xong” khiến dư luận thêm bức xúc. Dư luận cho rằng, nếu đổi tên các Hội trong film thì phải đổi cả tên nhân vật. Và cũng phải “bỏ” luôn cái dòng: “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi”. Vì bản chất, tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi đâu có “truyền cảm hứng” gì cho bộ phim này!
Thứ nữa là dư luận cực kỳ thắc mắc về vai trò của Việt Minh ở đâu trong giai đoạn kháng Pháp của đồng bào miền Nam?
Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả giải thích ở thời điểm hiện tại đều là lươn lẹo.
Bạn nghĩ sao về đề xuất đổi tên phim này!
Hình ảnh: Tiến Luật vào vai ông Tiều - thành viên Thiên Địa Hội.

16/10/2023

YÊU NƯỚC NGOÀI BẰNG CON TIM MÀ CẦN PHẢI SỬ DỤNG CẢ TRÍ ÓC NỮA

Ai cũng biết, Trung Quốc không chỉ là nước láng giềng mà còn là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỗi lần chỉ cần Trung Quốc cấm biên vài tháng thì từ bác nông dân đến cô bán hàng online cũng méo hết cả mặt, chứ đừng nói là tẩy chay.
Vấn đề trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc là làm sao vừa bảo vệ chủ quyền vừa duy trì mối quan hệ giữa 2 bên, để có thể tận dụng được thị trường tỉ dân này. Chúng ta phải chấp nhận là chúng ta chẳng thể nào thay thế được hàng xóm, dù họ xấu hay là tốt, thế nên làm sao để láng giềng “tối lửa tắt đèn” có nhau mới là vấn đề khó.
Còn mở mồm là bài Tàu, tẩy chay Tàu thì chỉ có anh em ở bang Cali là làm được, chứ người Việt tỉnh táo ai làm như vậy cơ chứ. À quên, cả anh em U cà nữa, giờ cũng đang méo hết cả mặt rồi đấy.
LDA

16/10/2023

KHÔNG THỂ SO SÁNH LỊCH SỬ VONG QUỐC CỦA DÂN TỘC DO THÁI VỚI LỊCH SỬ HÀO HÙNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Với tình hình chiến sự Israel- Palestine leo thang, có nhiều người đã đăng đàn khóc lóc thay cho người Israel/Do Thái. Những bài viết đó đa phần đều trình bày sự đáng thương của dân tộc Israel trong lịch sử và sự tương đồng với lịch sử Việt Nam để tranh thủ sự thương hại của dân ta. Tuy nhiên, mọi sự so sánh vốn đã khập khiễng, thì trong trường hợp này lại càng khập khiễng nếu không nói rằng lịch sử của dân tộc Do Thái với lịch sử của dân tộc Việt Nam khác nhau một trời một vực.
Ngược dòng lịch sử, nếu có một chút giống nhau thì trước Công nguyên cả hai dân tộc đều đã lập được một quốc gia riêng của mình, với Israel/Do Thái là công của các vua như Joshua, David, với người Việt Nam thì đã lập nước trước đó rất lâu so với người Do Thái nhờ công của các Vua Hùng.
Mặc dù suốt lịch sử, miền Đất Hứa (theo Kinh Thánh, tức khu vực Palestine - Israel hiện nay) luôn bị các thế lực xung quanh dòm ngó bởi vị trí chiến lược và của cải màu mỡ, tuy nhiên sau khi chiếm được những tiền đồn vững chãi ở đây nhờ công Joshua và David, người Israel không lo vun đắp mà quay ra đánh nhau làm suy yếu quốc gia-dân tộc và bị ngoại bang thôn tính. Hậu quả là các đế quốc lớn như Babylon, Macedonnia, La Mã, Ba Tư… cho đến tận Ottoman, Anh, Pháp thời hiện đại liên tục xông xáo vào đây như chỗ không người và bắt người Israel đi đày tứ tán. Lạ lùng thay, trong suốt lịch sử đó, ta thấy người Israel hầu như thờ ơ với việc đứng lên chống lại kẻ xâm lăng trừ vài lần nổi dậy thất bại trước đế quốc La Mã. Còn lại là họ chỉ trông chờ người ngoài như vua Cyrus của Ba Tư đến cứu hay nhờ phán quyết của các lớn trong Liên Hiệp Quốc sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Điều này khác hẳn với thái độ và ý chí phục quốc mãnh liệt của người Việt. Nói đúng hơn, người Việt không chịu thân phận vong quốc dẫu có bị phương Bắc đô hộ cả nghìn năm. Cứ có cơ hội là người Việt nổi dậy khởi nghĩa phục quốc từ Hai Bà Trưng, bà Triệu, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lý Bí, Triệu Việt Vương, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền...thậm chí nổi dậy ngay cả khi kẻ thù rất hùng mạnh, chẳng hạn như trường hợp Hai Bà Trưng. Khi không thể nổi dậy phục quốc do thế ngoại bang mạnh, người Việt lui về cố thủ văn hoá sau mỗi làng xã, người Trung Quốc dùng mọi cách khốc liệt nhất nhưng vẫn không thể nào đồng hoá được dân tộc Việt Nam. Sau mỗi lũy tre làng, người Việt luôn kể và thôi thúc con cháu hướng về một thời tự chủ như Văn Lang, Âu Lạc.
Điều lạ đối với người Israel/Do Thái là ngay cả khi có cơ hội mười mươi, tức là lúc các thế lực trai cò đánh nhau trong khu vực, người Israel cũng chỉ tọa sơn quan hổ đấu và… chẳng làm gì cả. Như khi Ai Cập đại chiến Hittite, Ba Tư điếu phạt Babylon, La Mã đánh đuổi Ptolemy, La Mã- Ba Tư- Umayyad tam quốc diễn nghĩa, Thập Tự quân so găng triều Ayyubid, Ottoman giải giáp Hãn quốc Y Nhi, hay gần đây nhất là người Anh đánh Ottoman, ta không hề thấy một cử động gì đáng kể của người Israel để lợi dụng thời cơ phục quốc. Người ta chỉ nhắc tới Lawrence Arab- đại tá người Anh đã khích lệ dân Arab đánh lại đế quốc Ottoman trong chiến dịch Jerusalem, mà chẳng thấy có Lawrence Israel nào cả.
Đối với người Việt thì không có chuyện đó, chỉ cần Trung Quốc có biến hoặc suy yếu là người Việt lập tức tận dụng triệt để cơ hội. Điển hình như trường hợp của Khúc Thừa Dụ, nhân nhà Đường suy yếu, loạn lạc, ông lập tức nổi dậy đánh chiếm thành Đại La, lật đổ chính quyền đô hộ, tự xưng Tiết độ sứ. Sau khi lấy được độc lập, tự chủ rồi, người Việt một mặt tăng cường phòng bị, quyết không để bị đô hộ trở lại, một mặt nỗ lực tìm cách xây dựng, phát triển quốc gia. Trong khi người Do Thái mất nước là mất luôn thì người Việt Nam không những lấy lại được nước mà còn mở rộng được cương vực lãnh thổ, củng cố vững chắc không gian sinh tồn của mình. Không những thế, người Việt còn đặt tên nước là Đại Việt, khi đối nội thì đặt mình ở vị trí ngang hàng với phương Bắc, vua cũng xưng Thiên tử, cũng mặc áo vàng như vua Phương Bắc mà không hề sợ bị bắt vạ (vua Triều Tiên chỉ mặc áo đỏ, không dám mặc hoàng bào vì sợ triều đình Trung Quốc trừng phạt). Và thật sự đã có lúc người Việt là bá chủ khu vực Đông Nam Á, các nước lân bang phải cống nạp và khiếp sợ, điều này dẫu có mơ người Israel/Do Thái cũng không dám nghĩ tới.
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt dám đương đầu, đã phải đương đầu và hạ gục gần hết các đế chế hùng mạnh nhất trên trái đất này từ Tần, Nguyên Mông xưa kia cho đến Mỹ ngày nay. Trong khi người Việt 3 lần đánh thắng Nguyên Mông thì người Do Thái vẫn lưu vong khiếp sợ trước vó ngựa Mông Cổ, trong khi Quang Trung đại phá quân Thanh thì người Do Thái vẫn chấp nhận thân phận lưu lạc làm thuê khắp châu Âu. Với lịch sử dửng dưng hàng ngàn năm đó, thật lạ lùng khi người ta đem so họ với người Việt- những người mà không một thế kỷ nào không tranh đấu chống kẻ xâm lược, không một cuộc nội loạn bên Trung Hoa nào mà không khai thác, không một sắc tộc thiểu số nào bị bỏ ra ngoài trong công cuộc giành độc lập. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao cùng có lịch sử bị xâm lược, nhưng người Israel lại mất nước rồi tứ tán ra khắp Châu Âu, Châu Phi, thậm chí đến tận Hàng Châu, còn người Việt thì vẫn ở đây, và đất nước của chúng ta đã trường tồn hàng ngàn năm?

16/10/2023
16/10/2023

Lưu ý: RẤT DÀI, nhưng Đúng và Đủ!

“Đất rừng phương Nam” là một bộ phim có khá nhiều điều để phím nghiệp. Nhưng tôi chỉ muốn viết về một điều mà dư luận trên mạng xã hội đang nóng, đó là những lấn cấn hay nói thẳng ra là có những điều chưa đúng về mặt lịch sử trong một bộ phim truyện đang đình đám. Theo quan điểm của tôi là có sự nhập nhằng (vô tình hay cố ý) về lịch sử. Còn những điều khác “lấn cấn” khác về văn hóa, phục trang, diễn xuất, tình tiết phim, lời thoại, những sự thô thiển không thể đỡ nổi trong phim... thì nếu rảnh và có cảm hứng, tôi sẽ viết sau.

Tôi đi xem suất 10g sáng nay tại CGV ở Lanmark 81 và rạp đông khoảng ¼. Phản ứng của khán giả là không thích thú lắm.

Bài viết dưới đây là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không nhân danh cho ai, điều gì hay cơ quan, tổ chức nào để viết. Tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều và thấy không cần thiết phải tranh luận với ai.

ĐỀ NGHỊ ĐỔI TÊN PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” THÀNH PHIM “THIÊN ĐỊA HỘI Ở NAM KỲ”

1. NHỮNG LỜI CA TỤNG NÓI LÊN... TRÌNH ĐỘ CỦA NGƯỜI HÁT LỜI TỤNG CA

Trước khi xem bộ phim “Đất rừng phương Nam”, tôi đã cẩn thận đọc lại nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi. Trên Phê tê bốc của tôi (không rõ may mắn hay là bất hạnh) có nhiều người bạn là nhà báo, nhà văn, KOL, người hoạt động trong giới điện ảnh... (nói to và rõ là bạn trên Phê tê bốc thôi nhé) và đa số họ đều ca tụng bộ phim bằng những lời có cánh (“lời có cánh” là từ mượn của thần thoại Hy Lạp, dùng để chỉ những lời ca tụng đẹp đẽ). Chính vì thế nên tôi mới tò mò đi xem phim này, xem có điều gì khiến cho nhiều người ca tụng đến như thế.

Đã từ lâu có rất ít nhà văn, nhà báo, KOL, người hoạt động trong giới điện ảnh... mà tôi coi trọng bởi vì thấy nhiều người trong số họ kiến văn mỏng và đáng sợ nhất là rất hay tuyên truyền sai kiến thức, chưa kể lại thích làm người định hướng dư luận. Nhưng mấy hôm nay chứng kiến một dàn đồng ca như trong bi kịch Hy Lạp cùng cất tiếng tụng ca bộ phim “Đất rừng phương Nam”, thì sự coi trọng của tôi với số ít người đó lại mất đi thêm một chút.

Nhưng mà thôi, ngoài chuyện kiến văn, trình độ ra, thì con người ta ai cũng cần phải mưu sinh, ai cũng cần những mối quan hệ tốt cho mình cả! Nên thông cảm với họ! Chỉ là tôi nghĩ rằng, kể cả thành viên Ban giám khảo phim truyện giải Bông sen mà cũng công khai ca tụng bộ phim “Đất rừng phương Nam” thì đáng buồn thay cho cái Liên hoan phim Việt Nam sắp diễn ra! Có lẽ giám khảo công tâm và chuyên nghiệp thì hết sức nên tránh những bình luận công khai như vậy. Và cũng đáng buồn thay cho Cục Điện ảnh, trong đó không thiếu GS.TS, nhà văn có tiếng, khi vẫn để nguyên bộ phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp chiếu mà không nhận ra những sai sót để yêu cầu sửa chữa. Hoặc biết đâu họ cũng nhận ra những sai sót mà cố tình lờ đi? Còn tại sao lại lờ đi, thì có trời biết, đất biết, họ biết và những nhà sản xuất, đầu tư phim biết! Dẫu sao một bộ phim như “Đất rừng phương Nam” với nhiều đại cảnh tốn kém chi phí sản xuất khoảng 40 tỷ, lại thêm kinh phí cho truyền thông quảng cáo là 10 tỷ thì cũng quá hậu hĩnh rồi!

2. NHỮNG TÌNH TIẾT NÓI ĐẾN THIÊN ĐỊA HỘI VÀ NGHĨA HÒA ĐOÀN TRONG PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM”

Điều lấn cấn nhiều nhất trong phim “Đất rừng phương Nam” là sự hư cấu, hay nói đúng hơn là sự sai lệch lịch sử rõ rệt trong phim này ở một số tình tiết. Tôi thì định coi như là hư cấu, nhưng cuối cùng vẫn phải dùng từ sai lệch, thậm chí nói nặng là xuyên tạc, bởi hương hồn cụ Đoàn Giỏi dưới chín suối chắc cũng đang phiền lòng. Nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là kể về những ngày Nam Bộ kháng chiến sau 1945, bắt đầu từ “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (bài hát “Nam Bộ kháng chiến” – Tạ Thanh Sơn).

Còn bộ phim điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì rõ ràng là không phải nói về Nam Bộ kháng chiến sau 1945, mà lùi ngược thời gian về trước, nhưng không hề rõ năm tháng. Trong suốt bộ phim không có bóng dáng của Việt Minh. Nhưng cũng không có cả bóng dáng những người cộng sản hoạt động của Nam Bộ trước 1945. Nếu có, chỉ được thể hiện rất mờ nhạt qua 2 cuộc họp, một cuộc họp chung với Thiên Địa Hội, một cuộc họp riêng với nhau, nhưng cũng không có một từ ngữ nào để chỉ “cộng sản” hay Việt Minh, chỉ có thể lờ mờ tự hiểu là có hai phe, đều yêu nước, chống Pháp, lúc thì hợp tác, lúc thì mâu thuẫn nhau, trong đó có một phe là “cách mạng”, phe kia là Thiên Địa Hội.

Vậy cứ cho là đạo diễn Quang Dũng và người viết kịch bản là Trần Khánh Hoàng cố tình lùi về một khoảng thời gian xa trước đó, thì có mấy điều lấn cấn sau đây:

- Logic lịch sử là sai vì Thiên Địa Hội đã không còn hoạt động chống Pháp kể từ sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long năm 1916, huống chi Thiên Địa Hội còn có một khuynh hướng khác là băng nhóm xã hội đen (Xin xem các phần sau). Còn Cách mạng hay Cộng sản thì kể từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản thành lập, hoặc có lùi trước đó là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội từ cũng là từ năm 1925 và bắt đầu từ Quảng Châu.

- Toàn bộ phim chỉ mang dấu ấn đậm nét của Thiên Địa Hội. Bé An cũng thắp hương bái vào Thiên Địa Hội, học võ theo Thiên Địa Hội, sống theo Thiên Địa Hội. Các đại cảnh toàn là hành động của Thiên Địa Hội. Các nhân vật như anh Tiều (Tiến Luật đóng), Võ Tòng (Mai Tài Phến) và một loạt các nhân vật khác đều là của Thiên Địa Hội, từ giọng nói đến trang phục. Dĩ nhiên là thời kỳ này ở Nam Bộ thì sự cộng cư và hỗn dung văn hóa giữa Việt – Hoa – Khmer là rất rõ. Song về mặt xây dựng nhân vật thì cho thấy tuyến nhân vật phụ lấn át nhân vật chính. Nhân vật người cha của bé An được xây dựng là người cách mạng yêu nước, nhưng rất mờ nhạt với những nhân vật của Thiên Địa Hội. Thậm chí một số người yêu nước, cách mạng là đồng chí của nhân vật Hai Thành (ba bé An) còn tỏ ra nhỏ nhen, kém cỏi so với những nhân vật “anh hùng Thiên Địa Hội”. Nhưng chuyện này tôi sẽ nói ở một bài khác về kiểu làm phim “dàn hàng ngang nhân vật mà tiến”!

- Thậm chí người viết kịch bản và đạo diễn cũng không phân biệt được Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, mà gộp chung làm một, thể hiện rất rõ qua các câu thoại!

Thật ra bộ phim với chuyện lấy “Thiên Địa Hội” làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”, vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật) đi mãi võ. Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh “Sơn Đông mãi võ” thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ.

Thế thì, sau khi xem phim xong, tôi nghĩ là đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh gì với nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Tên phim là “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”!

3. CÓ HAY KHÔNG THIÊN ĐỊA HỘI VÀ NGHĨA HÒA ĐOÀN Ở NAM BỘ THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1945?

3.1. VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ THIÊN ĐỊA HỘI VÀ NGHĨA HÒA ĐOÀN.

Phải nói ngay rằng Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vốn là hai tổ chức thuần túy của người Hoa. Để gọi là nói có sách, mách có chứng, tôi xin trích một số tư liệu. Tôi phải nói ngay rằng tuy có một số bài viết trên báo về tổ chức Thiên Địa Hội, nhưng mà như Vũ Bằng đã viết về quãng đời làm báo của mình trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”, thì tôi khó mà tin được báo chí. Nhưng tôi cũng post một số link bài viết trên báo để cho ai có quan tâm thì đọc. Các link này ở comment bên dưới.

Tôi cũng chỉ trích sách vở, tư liệu của những tên tuổi lớn, có uy tín, ở miền Nam và miền Bắc bởi vì lịch sử cần cụ thể, rõ ràng. Càng đọc sách nghiên cứu lịch sử, càng thấy buồn cho bộ phim “Đất rừng phương Nam”.

Thiên Địa Hội là một tổ chức có tôn chỉ “Phản Thanh phục Minh”, ra đời vào thời năm 1734 dưới thời vua Ung Chính nhà Mãn Thanh, tương truyền do năm nhà sư thành lập. Năm nhà sư này chạy thoát từ chùa Thiếu Lâm khi chùa bị triều đình đàn áp. Để giữ bí mật, Thiên Địa Hội còn có nhiều tên gọi khác nhau như Tam Hiệp Hội, Nghĩa Hưng Hội… Khi Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911) nổ ra thì Thiên Địa Hội đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, Thiên Địa Hội với nhiều bang hội bắt nguồn từ nó đã dần thay đổi. Không còn là phản Thanh phục Minh nữa, mà trở thành những băng nhóm xã hội đen, buôn bán ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, bảo kê, giết mướn… Dư đảng của Thiên Địa Hội bị triều đình Mãn Thanh tróc nã nên có một số người theo dòng lưu dân người Hoa đi xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có miền đất Nam Bộ.

Về sau Thiên Địa Hội còn có cái tên là Hội Tam Hoàng. Cách đây nhiều năm, từng có một cuốn sách mang tên “Âm mưu Hội Tam Hoàng” của nhà báo Nga chuyên viết về các vấn đề quốc tế Andrey Levin kể về cuộc đấu tranh của cảnh sát Singapore chống lại một trong những hội kín lớn nhất ở vùng Đông – Nam Á: hội Tam Hoàng. Tác giả đã phân tích rõ những nguồn gốc và nguyên nhân gây tội ác một cách có tổ chức của Hội Tam Hoàng chuyên hoạt động cướp biển, buôn lậu ma túy, ngoại tệ, vàng và “hàng sống”. Hội Tam Hoàng sau năm 1949 với sự truy nã của chính quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì đã chuyển địa bàn hoạt động sang Hongkong.

Còn về tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn thì Nguyễn Hiến Lê có viết: “Một dư phái của Bạch Liên giáo dấy lên ở Sơn Đông tự xưng là Nghĩa Hòa Đoàn đeo bùa, đọc chú, lập đàn cầu nguyện, luyện tập côn quyền, độn ngực và bụng một lớp giấy dầy: “Hai ngón tay” nói rằng có thần che chở, súng đạn không thể xuyên được; dân chúng rất tin. Mới đầu họ chủ trương: “Phản Thanh, phục Minh”. Mùa thu 1898, sông Hoàng Hà vỡ đê, miền Sơn Đông lụt lớn, dân chúng đói khổ, Nghĩa Hòa Đoàn kéo nhau lên phía Bắc Kinh, Sơn Tây. Họ sống như bọn giang hồ, múa kiếm đấu quyền cho dân chúng xem để xin tiền độ nhật.

Trước thế chiến vừa rồi, ở Nam Việt, các chợ tỉnh, chợ quận nào cũng thường thấy bọn “Sơn Đông mãi võ” biểu diễn và bán vài thứ thuốc hoàn để xoa bóp, trị gãy tay, trật gân… họ to lớn lực lưỡng, biết võ, giữ được truyền thống và lối sống của tổ tiên. Dân chúng tin họ rất đông, ngay một số cụ lớn ở triều đình cũng tin họ nữa, tâu với Từ Hi; Từ Hi tự cao, tự đại, quen được bợ đỡ rồi, cũng tin nữa; triều thần có vài người sáng suốt nhưng không dám nói, sợ lưỡi tầm sét của “Phật bà”. Bà ta nghe lời tên thái giám Lý Liên Anh, lợi dụng ngay Nghĩa Hòa Đoàn, và bọn họ đổi khẩu hiệu là “phù Thanh diệt Dương”, cho họ nhiều tiền bạc lại hứa cho quân đội của triều đình hợp tác với họ để cùng nhau tận diệt bọn “bạch quỉ”.

Năm 1900, bão tố nổi lên. Bọn Nghĩa Hòa Đoàn – sử gọi là Quyền phỉ, tiếng Pháp gọi là Boxers – quấn khăn đỏ, tìm nhà bọn giáo dân Trung Hoa giết hằng trăm mạng, đốt các nhà thờ đạo, giết giáo sĩ, bất kì cái gì của ngoại nhân sáng tạo, xây cất: Đường xe lửa, đường dây thép, máy móc, bưu điện… đều bị đập phá, thiêu hủy hết. (“Sử Trung Quốc”, Nguyễn Hiến Lê, NXB Tổng hợp TPHCM, 2017, trang 345).

3.2. VẬY CÓ NGHĨA HÒA ĐOÀN VÀ THIÊN ĐỊA HỘI Ở NAM BỘ THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP SAU 1945 KHÔNG?

Sau khi đọc một số tài liệu tôi cho là đáng tin cậy, tôi nhận thấy rằng có hoạt động của Thiên Địa Hội trên mảnh đất Nam Bộ. Nhưng những hoạt động ấy diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và lắng xuống sau cuộc nổi dậy Phan Xích Long vào năm 1916. Còn trong “Đất rừng phương Nam”, bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ sau 1945. Riêng về Nghĩa Hòa Đoàn thì không thấy có tư liệu nói đến. Thực tế thì các sách lịch sử, văn hóa Việt Nam khi viết về giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cụ thể là đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đều có một mục gọi là “Phong trào Hội kín Nam Kỳ”, trong đó có nhắc đến Thiên Địa Hội. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn sách “Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân”, NXB Trẻ, 2004 cũng cho biết những tổ chức Thiên Địa Hội mang màu sắc kháng Pháp sau cuộc nổi dậy Phan Xích Long đã không còn nữa.

Nói về hoạt động của Thiên Địa Hội ở mảnh đất Nam Kỳ thì có thể nhắc đến một số ý kiến sau. Trước hết là ý kiến chính thống của bộ “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập, do Viện Sử học biên soạn: “Ở Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có hai loại phong trào ảnh hưởng từ Thiên Địa Hội: một loại là tổ chức do những người Hoa lãnh đạo, lấy danh nghĩa chống Pháp để tập hợp hội viên, có tính cách một băng đảng xã hội sống ngoài vòng pháp luật; một loại phỏng theo hình thức Thiên Địa Hội để tập hợp quần chúng đấu tranh chống Pháp có tính chất thời đại. Nhà cầm quyền thực dân đều coi các hội kín là những tổ chức tập hợp phá rối trị an cần nghiêm trị...
Theo thống kê của Sở Mật thám Đông Dương ở Nam Kỳ giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất có tới 70 – 80 hội kín” (“Lịch sử Việt Nam tập 7 từ năm 1897 đến năm 1918”, Viện Sử học biên soạn, NXB Khoa học xã hội, 2017, trang 600, 602)

Nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Năm 1899, tình hình ở tỉnh Gia Định và ngoại ô Sài Gòn thêm bi đát hơn. Du đãng tụ tập ở Bà Điểm Bà Quẹo để lộng hành, chỉ huy bọn nài ngựa ở trường đua, cầm đầu bọn ăn trộm ở Hòa Hưng ; hương chức làng Hòa Hưng không dám hó hé. Én cướp đánh tại làng Bình Sơn, trên sông Sài Gòn, có tên cướp xăm mấy chữ “anh hùng nhứt xứ”. Tổng đốc Phương nhận định rằng từ năm 1895 việc du côn ngày càng thêm, hiệp với bọn Thiên Địa Hội mà hà hiếp dân sự, ai giận ai thì mướn nó đánh phá, muốn được cử làm hội đồng, cai tổng thì mướn du côn coi chừng, ai không bỏ thăm cho phe thì chận đánh, ở nhà quê, du côn lại nhà giàu mượn tiền 50, 30 đồng, ai thưa với làng thì nó đốt nhà, mượn không bao giờ trả, chẳng ai dám tố cáo. Bọn du côn hăm he hương chức làng rằng nếu bắt chúng, sau khi ở tù về, chúng giết chết. Bắt thì tòa theo luật Lang Sa không cầm tù lâu. Bởi vậy, chẳng ai dám bắt, trở về tụi nó sẽ dữ hơn.

Phong trào gọi là “du côn Sài Gòn” vào đầu thế kỷ gồm những thành phần như sau:

- Bọn bất lương, đâm thuê chém mướn, không lý tưởng gì cả.

- Một số người theo Thiên Địa Hội muốn tạo khu vực ảnh hưởng riêng để làm ăn, nắm độc quyền về bến xe, chứa cờ bạc.

- Một số nông dân mất cơ sở làm ăn ở thôn quê, lên thành phố nhưng chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, họ vẫn giữ óc tự tôn cho rằng xã hội nông nghiệp đàng cựu đẹp hơn xã hội mà người Tây phương đặt trên đầu dân ta. Họ có tinh thần chống Pháp.” (“Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, Sơn Nam, NXB Trẻ, 2009, trang 109, 110).

GS. Trần Văn Giàu không chỉ là nhà sử học, ông chính là nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ trong những ngày sôi sục năm 1945. Ông cũng là người phát Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến và ông cũng là một nhân vật được nhà văn Đoàn Giỏi nhắc tên trong cuốn sách “Đất rừng phương Nam”. Quan điểm của ông về các Hội kín ở Nam Kỳ rất đáng để tham khảo. GS. Trần Văn Giàu phủ nhận Thiên Địa Hội kiểu phản Thanh phục Minh ở Việt Nam và cho rằng Hội kín ở Nam Kỳ là một sản phẩm thuần túy Việt Nam.

Trích một đoạn trong cuốn sách "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (Tập 1: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử)" của GS Trần Văn Giàu, NXB TPHCM, 1993): “Người ta về sau cũng thường nghĩ lầm rằng cái tổ chức đứng ra khởi nghĩa sau năm 1913, 1916 là “Thiên Địa Hội”. Không phải. Thiên Địa Hội là một tổ chức bí mật lớn ở miền Nam Trung Quốc nổi tiếng trong cuộc chiến đấu phản Thanh phục Minh, nó không có chi nhánh ở Nam Kỳ. Nếu ở Nam Kỳ có một vài hội kín (trong số hàng trăm hội kín khác nhau) lấy tên là Thiên Địa Hội thì đó chỉ là cá biệt mà thôi. Trong sách “Hội kín ở Trung Quốc và xứ An Nam”, tác giả H. Dusson nhận xét rằng: “Trên thuộc địa của chúng ta (Nam Kỳ) người Hoa kiều tuy có nhiều tự do lắm, nhưng họ vẫn thấy bị theo dõi rất gắt, cho nên họ không dại gì mà tổ chức hội kín. Họa may có thể tìm thấy hội kín người Trung Quốc ở một vài nơi xa xăm lắm trong những tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá nếu người ta hết sức để tâm đi tìm”.

Người Hoa kiều ở Nam Kỳ, hầu hết là người phương Nam Trung Quốc có những tổ chức công khai, hợp pháp, mạnh mẽ; Họ không cần có hội kín, các hội công khai vẫn ủng hộ được cuộc vận động phản Thanh phục Minh, hay là sau đó ủng hộ cuộc vận động cách mạng chống Mãn Thanh, chống đế quốc. Vậy ở Nam Kỳ không có Thiên Địa Hội gốc Trung Quốc. Hội kín ở Nam Kỳ là một sản phẩm Việt Nam” (trang 530, 531)

Sau 1916 với cuộc nổi dậy Phan Xích Long, hội kín kháng Pháp ở Nam Bộ thu mình lại và sẽ xuất hiện dưới hình hài mới là hội kín của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) mang tên Thanh niên Cao vọng Đảng, hoạt động ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến năm 1929.

Các sách về lịch sử, văn hóa Nam Bộ đều nhấn mạnh rằng có hai loại hình hội kín mang màu sắc Thiên Địa Hội. Một là hội kín yêu nước kháng Pháp có cả người Hoa và người Việt tham gia thì đã chấm dứt hoạt động kể từ năm 1916. Còn loại hội kín của người Hoa mang tính chất băng đảng giang hồ thì vẫn hoạt động mạnh mẽ xuyên suốt từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1975. Tuy có thể mang tên là Thiên Địa Hội hay là những tên khác, nhưng đó không còn là Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn của thuở ban đầu ở Trung Quốc nữa.

3.3. NGUYÊN TÁC CỦA NHÀ VĂN ĐOÀN GIỎI VIẾT GÌ?

Trong một bộ phim như “Đất rừng phương Nam”, không ai đòi phải giống như nguyên tác. Thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà. Chẳng hạn có thể nói về những hội kín nào đó vẫn tồn tại sau năm 1945, song hành kháng Pháp cùng với Việt Minh và cho một số nhân vật trong phim tham gia. Có thể đặt những tên gọi khác cho những hội này, chứ không nhất thiết đặt cái tên Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn rất nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Có bao nhiêu tên không chọn trong số 70, 80 hội kín ở Nam Kỳ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, sao cứ phải nhất định chọn Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn? Vì tính phổ biến của nó? Nếu vậy tại sao không chọn Bình Xuyên cho sát với thực tế lịch sử hơn và cũng có xuất hiện trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi.

Trích một đoạn trong “Đất rừng phương Nam”, lưu ý những tên người là nhân vật lịch sử trong đoạn này:

“Ông Huỳnh Tấn lặng thinh, tự rót rượu cho mình, cầm cốc lên uống từng ngụm nhỏ. Nét mặt của ông trở nên đăm chiêu, rắn rỏi lạ. Dường như ông không phải là con người liến thoắng vui tính như khi mới bước vào quán lúc chập tối. Ông nói:

- Nóng làm gì. Thong thả mình kể cho cậu nghe. Một lần nữa, mình khẳng định không ai chủ trương đình chiến. Bằng cớ là trong hội nghị các tổng lãnh của mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn tại Tổng hành dinh của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ tại chợ Đệm...

- Có những ai nào - Anh phân đội trưởng bấy giờ mới ngồi xuống ghế, chăm chú nghe.

- Đông lắm. Mình không nhớ hết... Tất nhiên là có anh Trần Văn Giàu, anh Huỳnh Văn Tiếng, anh Từ Văn Ri, anh Hai Râu, anh Nguyễn Lưu, anh Mười Trí, anh Tư Tỵ và anh Ba Dương. Cậu nhớ Tư Tỵ không? Trời ơi, có thể nói cha ấy là một ác-xơ nan (kho vũ khí), khắp người đeo đầy vũ khí. Nào dao găm, súng lục, nào gươm Nhật... lại đeo ống nhòm, đội nón sắt, mang ghệt, đi giày đinh. Tư Tỵ giữ mặt trận Bàn Cờ - Chợ Đũi ấy mà!

- Nhớ rồi. Khi mình rút xuống Mỹ Tho, còn nghe nói anh Nguyễn Lưu lãnh đạo công đoàn nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn đánh nhiều trận sướng lắm, phải không

- Ừ. Nguyễn Lưu lãnh đạo công đoàn nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn đánh nhiều trận sướng lắm, phải không?

- Ừ. Nguyễn Lưu nói làm gì nữa? Dân Côn Đảo về mà!

- Nói ngay chỗ cuộc hội nghị ấy nghe nào?

- Lúc đang họp anh Ba Dương đi một chiếc tàu sắt từ Bình Xuyên đi tới. Cậu biết Ba Dương chứ? Xưa nay vẫn vậy. Thủ lãnh Bình Xuyên, dân anh chị mà lúc nào cũng khiêm tốn, ôn hòa, ít nói. Trong cuộc họp, Ba Dương chỉ lặng lẽ ngồi nghe, hai tay tì vào thành chiếc bàn tròn vòng gõ, mặt cẩm thạch, thứ mặt bàn lúc nào cũng lạnh như nước đá ấy. Mọi người bàn cãi lung tung việc nên ngừng bắn hay không ngưng bắn. Đợi cho mọi người ngớt tiếng, bấy giờ anh Ba Dương mới đứng dậy, thong thả rút trong túi áo bành tô ra một chai, đặt cộp xuống giữa mặt bàn. Biết gì không? Trời ơi, chai toàn là những ngón tay ngâm rượu. Anh nói: "Đây là ý kiến của anh em Bình Xuyên phát biểu với hội nghị, khi nghe nói có lệnh đình chiến. Rồi anh nghiêm giọng, tiếp: "Họ chặt ngón tay thề trước bàn thờ Tổ quốc, trước ảnh Cụ Hồ là nhất định đánh đến cùng... Các anh ra ngoài kia mà coi chiếc tàu của tôi. Tụi Tây ở Rạch Kiến nó bắn tôi như vậy đó.” (“Đất rừng phương Nam”, Đoàn Giỏi, NXB Văn học, 2013, trang 32, 33).

Mặt khác nguyên tác “Đất rừng phương Nam” không hề có câu chữ nào nhắc đến hai tổ chức Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, cũng không nhắc đến người Hoa. Chỉ duy nhất ở đầu tác phẩm có nhắc đến chuyện vì mải xem “Sơn Đông mãi võ” mà cậu bé An bị lạc. “Một em bé vận bộ quần áo bằng xa tanh màu đỏ, tóc tết quả đào, mang đôi hài vải đen bước ra, cúi chào khán giả. Chiếc vòng sắt quấn giẻ tẩm dầu lồng giữa một khung gỗ hình chữ nhật, dựng đứng cỡ ngang tầm mắt tôi, bày giữa hiện trường. Dứt loạt vỗ tay chung quanh, người Khách già cầm ngọn đuốc châm vào chiếc vòng quấn giẻ. Tức thời một vầng lửa hình trong như chiếc bánh xe lửa của Na-tra (Một nhân vật trong truyện "Phong thần" Trung Quốc) phực cháy vù vù. Em bé lại nghiêng đầu chào mọi người rồi dún chân một cái, chạy tới ba bước gieo mình như một con thoi bay qua vòng lửa.” (“Đất rừng phương Nam”, Đoàn Giỏi, NXB Văn học, 2013, trang 9).

Còn về chuyện gia đình ông Hai, tía nuôi của bé An thì cũng chẳng có dính gì đến Nghĩa Hòa Đoàn hay Thiên Địa Hội. Võ Tòng lại càng không và dĩ nhiên bé An cũng không nốt. Đọc cả cuốn sách không thấy bóng dáng nào của những tổ chức hội kín, kể cả hội kín yêu nước kháng Pháp.

Như trên đã nói, tôi cho rằng bộ phim cũng có thể hư cấu cho hấp dẫn hơn do với nguyên tác, khiến cho kịch bản phim kịch tính hơn, thu hút hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hư cấu như thế nào cho hợp lý, đừng để sai lệch lịch sử. Huống chi “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm quá nổi tiếng của Đoàn Giỏi, đã in dấu ấn trong lòng độc giả nhiều thế hệ và bất cứ sự hư cấu nào cũng cần hết sức thận trọng.

3.4. PHIM “ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM” ĐƯA THIÊN ĐỊA HỘI VÀ NGHĨA HÒA ĐOÀN VÀO NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?

Vậy cứ cho là các nhân vật trong phim “Đất rừng phương Nam” gia nhập các hội kín kháng Pháp mang tên Thiên Địa Hội thì chuyện đó phải xảy ra muộn nhất vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng bối cảnh của phim không rõ ràng, có cả người cách mạng, có thể hiểu ngầm là cộng sản. Nếu vậy phải hiểu là sau năm 1930. Khi ấy thì các tổ chức kiểu Thiên Địa Hội đã không còn là tổ chức yêu nước, kháng Pháp, mà chỉ đơn thuần là tổ chức băng đảng xã hội đen của người Hoa. Tôi nghĩ có thể có vài lý do để có kịch bản phim như vậy:

Thứ nhất: Sự đề cao Thiên Địa Hội nếu đơn thuần chỉ vì muốn kịch bản phim hấp dẫn, ly kỳ hơn thì đó là sự ngu dốt. Nhưng sự ngu dốt này sẽ dẫn đến hệ quả sai lạc là những công chúng xem phim sẽ hiểu rằng trên mảnh đất Nam Bộ sau năm 1945, vẫn có những Hội kín kháng Pháp mang tên Thiên Địa Hội, mà sự thật là lúc đó Thiên Địa Hội chỉ còn là những băng đảng giang hồ do người Hoa chi phối, bởi vì họ chỉ liên tưởng đến nguyên tác “Đất rừng phương Nam”. Cho nên tôi mới đề nghị đổi tên phim!

Hơn nữa tôi đọc tin thấy có những trường đại học như HUTECH hay Đại học Quốc Gia TPHCM còn mua hàng ngàn vé xem phim “Đất rừng phương Nam” cho sinh viên đi xem. Tôi không phản đối chuyện mang văn hóa giải trí cho sinh viên. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi là có bao nhiêu sinh viên xem xong sẽ đồng nhất Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa đoàn trước và sau năm 1945 là những tổ chức yêu nước kháng Pháp?

Thứ hai: Cố tình đưa tình tiết Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vào phim là một chiêu bài truyền thông bẩn, để gây tranh cãi và thu hút khán giả đến xem phim nhiều hơn. Nếu vậy thì đây là một con dao hai lưỡi dễ phản tác dụng.

Thứ ba: Cố tình đưa tình tiết Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn vào phim để viết lại lịch sử nhập nhằng dựa vào nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi. Rằng thời đó năm 1945, vai trò của Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn không phải là những băng đảng xã hội đen của người Hoa, mà là tổ chức yêu nước chống Pháp. Tôi nhớ đến một số bộ phim Trung Quốc cũng có chủ trương “viết lại lịch sử” theo kiểu này, nhất là một số phim hạ thấp Tôn Trung Sơn, Quốc dân Đảng, đề cao vai trò của cộng sản, của Mao Trạch Đông.

Tôi thì hy vọng chỉ có hai lý do trên, chứ nếu đến lý do thứ ba thì thật là đáng chán vì lịch sử cũng cần được tôn trọng chứ không phải để tuyên truyền sai lệch thông qua hình thức khéo léo là một bộ phim.

Cuối cùng nếu quả tình những nhà sản xuất muốn tôn vinh những Hội kín của người Hoa, cùng với văn hóa người Hoa thì họ hoàn toàn có quyền làm như vậy, không ai cấm họ cả và thực tế họ đã làm vậy suốt bộ phim. Nhưng đã làm vậy thì nên sòng phẳng, đừng dựa hơi vào nguyên tác của Đoàn Giỏi! Và nên nhớ Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn đều là những vấn đề lịch sử hết sức nhạy cảm. Công chúng không phải ai cũng đọc sách nghiên cứu để hiểu, cùng lắm biết qua một vài bài báo. Thế thì không đủ và rất dễ gây ra những hiểu nhầm, theo kiểu: Thiên Địa Hội toàn là người yêu nước chống Pháp. Thiên Địa Hội hoạt động còn hay hơn cả cách mạng, cách mạng chỉ thấy họp không giải quyết được vấn đề gì, còn Thiên Địa Hội thì cắt máu ăn thề, cướp ngục, khởi nghĩa, đánh nhau như phim võ hiệp…! Bất cứ ai xem phim mà không hiểu về lịch sử hay ít kiến thức sẽ thấy như thế và cảm phục Thiên Địa Hội! Phim còn cài cắm khá nhiều ẩn ý tinh vi mà tôi sẽ nói sau. Làm phim về những hội kín mang những tên nhạy cảm như thế, lại còn đội lốt “Đất rừng phương Nam”, thì tôi cũng đến chịu không thể hiểu nổi tư duy của những người làm phim!

Mà cũng có thể phim còn ra phần 2, phần 3, lúc đó biết đâu lại đưa những chuyện khác vào để chữa cháy. Nhưng nói thật là với tôi thì kịch bản phim này có xu hướng thành phim truyền hình rồi, nên có làm thêm 10 tập nữa thì tôi cũng không lạ!


Address

Https://goo. Gl/maps/6rixxNAsqAuHrmcv 8
Phu Ly

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Công An xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other Media/News Companies in Phu Ly

Show All