21/12/2023
🌻🌻 CHÚC MỪNG PHÒNG TƯ PHÁP VÀ 8 CÁ NHÂN CỦA HUYỆN DIỄN CHÂU ĐƯỢC BIỂU DƯƠNG, KHEN THƯỞNG VÌ CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG 10 NĂM THI HÀNH LUẬT HOÀ GIẢI Ở CƠ SỞ NĂM 2013
Chiều nay 21/12/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013; tôn vinh hòa giải viên ở cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III và tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã biểu dương khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, tích cực tiêu biểu trong toàn tỉnh, trong đó huyện Diễn Châu đã có 01 tập thể và 08 cá nhân được biểu dương, khen thưởng gồm:
🏵️ Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 01 tập thể và 02 cá nhân gồm:
- Phòng Tư pháp, UBND huyện Diễn Châu
- Bà Hoàng Thị Xuyên, Trưởng Phòng Tư pháp
- Ông Lê Đình Quế - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích
🏵️ Tặng Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp cho 06 cá nhân gồm:
- Ông Đinh Quốc Đạt - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm 7, xã Diễn Thành
- Bà Trương Thị Hường - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, Thôn 5, xã Diễn Kỷ
- Ông Lê Minh Việt - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm 6, xã Diễn Hải
- Ông Vũ Văn Ký - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm Xuân Đình, xã Diễn Hồng
- Ông Tạ Hữu Thân - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm 5, xã Diễn Cát
- Ông Ngô Sỹ Việt - Hoà giải viên ở cơ sở tiêu biểu, xóm Liên Hoa, xã Diễn Xuân
🏵️ Một số thành tích nổi bật của huyện Diễn Châu đạt được sau 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở
Thực hiện có hiệu quả nội dung của Luật hòa giải ở cơ sở, là căn cứ để phát huy tốt vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở tại địa phương, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật và tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu vụ việc cho các cơ quan nhà nước, cơ quan toà án thụ lý hàng năm, vì thế cấp ủy, chính quyền huyện rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng, trong 10 năm, toàn huyện đã tiếp nhập hòa giải 1.324 vụ việc, trong đó có 1.077 vụ việc hòa giải thành, đạt tỷ lệ hòa giải thành 81,34%.
Đạt được kết quả đó trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn toàn huyện. Từ năm 2013 đến năm 2023, huyện Diễn Châu đã ban hành 89 văn bản, trong đó có 01 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 18 Kế hoạch, 70 Công văn để triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở.
+ Hàng năm, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn.
+ Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/HU ngày 10/5/2021 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân; công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giai đoạn 2021-2025” và ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 04/8/2021 về triển khai Chỉ thị số 05-CT/HU ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đều yêu cầu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/HU và có Thông báo kết luận giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành trong việc khắc phục các tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo.
+ Trong năm 2023, Thường trực HĐND huyện tổ chức giám sát chuyên đề về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, TCPL trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2022. Ngày 04/7/2023, tại kỳ họp thứ 8 HĐND huyện khoá XX, HĐND huyện cũng đã thông qua Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về kết quả giám sát chuyên đề công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Diễn Châu giai đoạn 2020-2022 và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, trong đó có giải pháp về bố trí kinh phí bảo đảm chi cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
- Để không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ Hoà giải viên sau khi được kiện toàn các tổ hoà giải hàng năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện tổ chức 14 lớp tập huấn, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành và rèn luyện các kỹ năng hoà giải cho 100% hòa giải viên ở cơ sở được tham gia.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin là một yêu cầu tất yếu và xác định được đẩy mạnh thường xuyên. Từ tháng 11/2019 đến nay, Phòng Tư pháp đã biên soạn và đăng tải hơn 100 bài viết, video về công tác hòa giải trên trang fanpage “Tư pháp Diễn Châu” và chuyên mục “Phổ biến pháp luật” của Cổng thông tin điện tử huyện Diễn Châu.
- Để cho các hoà giải viên có cơ hội và điều kiện trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, bàn bạc, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nhau giải quyết vụ việc được hiệu quả hơn, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 37/37 xã, thị trấn thành lập CLB hòa giải ở cơ sở và duy trì sinh hoạt đúng định kỳ. Phòng Tư pháp đã biên soạn đầy đủ bộ hồ sơ mẫu gồm Kế hoạch vận động, Quyết định thành lập CLB, KH ra mắt, Quy chế hoạt động CLB; chỉ đạo tổ chức ra mắt mẫu tại xã Diễn Tháp để các địa phương tham khảo, học tập cách làm.
- Trong năm 2023, huyện Diễn Châu đã tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi ở tất cả các xã, thị trấn, với sự tham gia đầy đủ, tích cực của 287/287 tổ hòa giải và nhận được sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của đông đảo Nhân dân địa phương.
- Phòng Tư pháp cũng tham mưu UBND huyện phối hợp với TAND huyện xây dựng và tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp công tác giữa Toà án Nhân dân huyện và UBND các xã, thị trấn” trên địa bàn huyện và tổ chức Hội nghị triển khai Quy chế, nhờ đó có sự hỗ trợ của TAND huyện trong việc thực hiện công tác hòa giải ở thôn khối xóm; hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ hoà giải tranh chấp đất đai, dân sự (các loại việc thuộc phạm vi hoà giải ở cơ sở ở thôn, khối, xóm và hoà giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã).
- Số lượng đơn vị bố trí kinh phí cho công tác hòa giải cơ sở ngày càng tăng và dự kiến năm 2024 sẽ có 37/37 xã, thị trấn bố trí trong dự toán ngay từ đầu năm.
Mặc dù công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Diễn Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc như sau:
- Một là, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, còn cho rằng đây là nhiệm vụ của công chức Tư pháp – Hộ tịch, của hòa giải viên do đó thiếu sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
- Hai là, trình độ học vấn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải của một số hòa giải viên còn thấp (trong số 1.400 hòa giải viên chỉ có 51 người có trình độ chuyên môn Luật chiếm tỷ lệ 3,6%). Chưa huy động được đông đảo những người có chuyên môn Luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ hoạt động hòa giải.
- Ba là, Nguồn ngân sách bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế. Hầu hết các địa phương còn lúng túng trong việc xác định nguồn kinh phí bố trí cho công tác này trong dự toán ngân sách của địa phương từ đầu năm và việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác hoà giải ở cơ sở chưa thực hiện được….
- Bốn là, việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, theo báo cáo của TAND huyện, từ khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, TAND huyện chưa tiếp nhận vụ việc yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở nào, vì vậy hiệu quả thực hiện nội dung thoả thuận sau hoà giải chưa cao.
Trong thời gian tới huyện Diễn Châu sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành đạt ít nhất từ 85% trở lên.