Rừng Trầm - Biển Yến

Rừng Trầm - Biển Yến Một ấn phẩm của Báo Khánh Hòa

09/09/2024
Mình đã nhận được 100 cảm xúc về bài viết trong 30 ngày qua đấy. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ nhé. 🙏🤗🎉
08/09/2024

Mình đã nhận được 100 cảm xúc về bài viết trong 30 ngày qua đấy. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ nhé. 🙏🤗🎉

XÓM BAO (Đào Thị Thanh Tuyền)      Con đường Hà Thanh (TP. Nha Trang) có hai lối vào từ hai đường lớn là Trần Quý Cáp và...
26/08/2024

XÓM BAO (Đào Thị Thanh Tuyền)

Con đường Hà Thanh (TP. Nha Trang) có hai lối vào từ hai đường lớn là Trần Quý Cáp và 2 tháng 4; dù là lối nào, điểm gặp nhau cuối cùng của nó là dòng sông Cái. Từ đường 2 tháng 4 rẽ vô Hà Thanh, khoảng vài trăm mét đến một ngã ba, rẽ tay trái là Xóm Huế, thông ra đường Trần Quý Cáp; rẽ tay phải là Xóm Bao, tên gọi quen thuộc của người dân nơi đây cách đây hơn… nửa thế kỷ. Từ nơi này, những chiếc bao bằng giấy dùng đựng đường, gạo, bột mì, đậu... được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong nước.
viewfull: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202407/xom-bao-cf943c4/

Phố, biển xanh và cát vàng (Lưu Cẩm Vân)      Thành phố của tôi rất nhỏ nên nhớ đến thành phố tự nhiên liên tưởng đến bà...
21/08/2024

Phố, biển xanh và cát vàng (Lưu Cẩm Vân)

Thành phố của tôi rất nhỏ nên nhớ đến thành phố tự nhiên liên tưởng đến bàn tay và những đường chỉ tay - là những con đường trong phố. Tôi không có nhiều lắm những ký ức về nơi mình sinh ra, giống như mọi thứ đều là không khí mình hít thở mỗi ngày, tự nhiên nên quen và tự nhiên nên không thể thiếu được trong từng ngày từng giờ, rồi thấy gì cũng bình thường.
Đôi khi hồi tưởng lại một điều gì đó thì thấy tất cả đều rất gần gũi, những ngã tư, ngã năm, một góc quanh mà ở đó có một ngôi nhà thờ, một ngôi chùa và cả những ngôi trường mà mình đã từng vào ra từ ngày thơ bé. Nhà cũ của ba má tôi ở cách chợ Xóm Mới chỉ mươi bước chân, từ nơi này có thể nghe được tiếng chuông vang vang của Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang sáng chiều trong ngày. Một buổi sáng nào đó dậy thật sớm học bài còn có thể nghe mấy hồi chuông trầm đục từ chùa Long Sơn. Gần như vậy nên hầu như con đường nào trong thành phố cũng đều có dấu chân tôi hồi còn đi học.

Hồi đó, từ nhà tôi lên chùa Long Sơn không khó khăn như bây giờ, nghĩa là phải đi qua mấy con đường đầy xe cộ ồn ào. Hồi đó chỉ cần ra đầu đường Huỳnh Thúc Kháng, rẽ vào ngõ Đề Pô, đi một đoạn đường ngắn, nhảy qua vài đường ray là đến ngõ ra Mả Vòng vào chùa Long Sơn. Thành phố nhỏ, đường vắng nên thứ gì cũng đơn giản nhẹ nhàng, nếu được nghỉ vài tiết học là có thể lên chùa Long Sơn, nhặt mấy cánh hoa ngọc lan rụng ở sân chùa rồi leo lên đồi Trại Thủy, ngồi dưới chân ông Phật trắng nhìn xuống bên dưới, ngắm những cánh đồng lúa màu vàng, màu xanh tùy theo mùa. Bây giờ nếu có lên đó nhìn xuống thì chỉ thấy nhà cửa nối nhau, không còn chỗ nào cho ruộng đồng, kể cả ngõ Đề Pô cũ cũng đã thành một con đường. Những ai đi qua con ngõ tắt từ Xóm Mới đến chùa Long Sơn ngày ấy chắc cũng không còn bao nhiêu. Trong số những người ấy may mắn là tôi còn được ít bạn bè để nhắc lại chuyện ngày xưa của phố.

Những đứa trẻ ngày ấy thường kết bạn quanh xóm của mình, những ngôi nhà chỉ cách nhau bằng một cái hàng rào dây kẽm g*i, muốn hẹn hò với nhau chỉ cần ra bên hàng rào ới một tiếng. Chuyện là hôm nào cũng phải hẹn nhau ra biển tắm vào những buổi sáng mùa hè, chỉ cần nói với đứa bạn sát nhà nhất chỗ hẹn là tự nhiên những đứa khác sẽ biết. Thường là hẹn nhau ra chỗ bồn nước, cái bồn nước ấy bây giờ cũng còn, lại được trồng hoa đủ màu sắc rực rỡ chung quanh, chớ hồi đó chỉ cần nhìn cái bồn nước phun những tia nước lung linh nắng là vui rồi, chẳng để ý hoa lá gì. Vậy mà rất nhiều người không quên cái bồn nước đó, đến nỗi đã ở tận nơi nào xa lắc cũng nhắc bạn gởi cho tấm hình chụp cái bồn nước cho đỡ nhớ.

Lớn lên một chút, chúng tôi không còn hẹn nhau ở cái bồn nước, cũng không còn mê cái trò tắm biển phải cầm theo lon sữa bò cũ có quấn dây cước để vừa tắm vừa câu cá. Bơi lội vậy mà nhiều hôm đi về có cầm theo mấy con cá đục nho nhỏ đủ cho má kho keo một đĩa nhỏ, ăn cơm trưa ngon gì đâu. Lớn lên, địa điểm hẹn cũng khác, hỏi gặp ở đâu thì nghe bar số 1, bar số 2... Ở dọc bãi biển Nha Trang có đâu gần chục cái bar, cũng không biết trong cái bar đó buôn bán cái gì. Bar số 1, số 2... là để hẹn nhau ở bãi cát gần đó cho những tiết học trống mà không thích về nhà sớm. Năm bảy đứa con gái mặc đồng phục, trải vạt áo dài trên cát ngồi nói chuyện linh tinh. Bây giờ mà hỏi hồi đó nói chuyện gì chắc là không ai nhớ, 15, 17 tuổi hồi đó lòng trong veo, chắc chỉ nói chuyện học hành, cũng có thể có đứa nào đó kể chuyện có người yêu là cùng. Lớn gan hơn chắc cũng chỉ thêm chuyện ghét ông thầy bà cô nào đó vì khó khăn với học trò. Vậy thôi.

Nha Trang hồi xưa còn nhỏ bé nên con đường nào thấy cũng ngắn, từ cái bồn nước cuối đường Lê Thánh Tôn đi thêm một đoạn nữa là tới nhà bưu điện. Trong ký ức nhiều người Nha Trang, nhà bưu điện cũng nhỏ nhưng lứa tuổi chúng tôi chắc ít ai vào trong mà chỉ thỉnh thoảng dừng lại ở cái thùng thư phía trước để bỏ thư rồi thôi. Đến thuở 15, 16 tuổi, khi đã biết đi xe đạp vòng vòng từ biển ra phố thì thể nào cũng xổ con dốc Lê Lợi để xuống chợ Đầm. Thời nhỏ của tôi chưa có chợ Đầm tròn nên nhớ nhiều nhất vẫn là trước chợ Đầm cũ có nhà sách cũ Bình Dân, chắc không ít người sẽ nhớ mình từng hơn một lần lân la vào đó lục lọi tìm những quyển sách mà tuổi bắt đầu lớn ai cũng đọc.

Con đường Phan Bội Châu bây giờ dù có chút thay đổi cũng không khác xưa là mấy vì vẫn giữ được dáng vẻ cũ kỹ ngày xưa. Mỗi lần đi trên con đường này ngang qua chỗ rẽ của đường Hàng Cá lại nhắc về nhà hàng Lạc Cảnh, nhà hàng đã đổi chỗ, còn con đường hình như cũng bị bỏ quên. Leo hết con dốc Phan Bội Châu là bắt đầu đường Độc Lập, bây giờ là đường Thống Nhất, lại nhắc tiệm cơm Dân Thiên, nhà hàng Đồng Khánh và những cô gái nhỏ ngày xưa lại nhắc kem Khả Khánh nằm ở góc đường Sinh Trung mà thấy hình như mình chẳng quên gì.
Thời gian như cát chảy qua kẽ tay, Nha Trang cũng trở nên chật chội, những đứa trẻ dần lớn lên, đều mơ về những thành phố khác, sôi động và đẹp đẽ hơn như Sài Gòn, Đà Lạt. Mơ ước bắt đầu từ những chuyến xe, phương tiện hồi đó không có nhiều lựa chọn, tiện lợi nhất là những chuyến xe đò. Tôi chỉ nhớ cái bến xe gần nhà mình, nằm cuối đường Nguyễn Hoàng, bây giờ là đường Ngô Gia Tự, những chuyến xe lớn dành cho tuyến đường dài, còn đi Đà Lạt thì có dòng xe nhỏ như xe taxi bây giờ. Bến xe đò trở nên quen thuộc khi tôi bắt đầu vào Sài Gòn đi học, nói như vậy bởi hầu như tôi thường xuyên về Nha Trang vì nhớ nhà. Bắt đầu một chuyến đi nào, khi xe khởi hành đi qua nhà là tôi đã thấy nhớ, chưa kịp nhìn lại nhà của mình thì xe đã chạy hết đường Nguyễn Hoàng, qua Lê Thánh Tôn, qua ngã sáu, qua con đường Gia Long có hai hàng me với vòm lá xanh cụng đầu trên cao. Xe qua khỏi Mả Vòng và khi chùa Long Sơn ở lại phía sau là đã thấy nhớ nhà và bắt đầu tính đến kỳ nghỉ nào gần nhất để về thăm.

Nhiều người nói Nha Trang bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Thật ra không nhắc thì không nhớ bởi cuộc sống mỗi ngày một vội vã hơn, người ta có nhiều thứ phải lo lắng nên có khi không để ý đến những thay đổi chung quanh. Nếu một ngày nhận ra Nha Trang bây giờ không còn là một thị xã vắng người nép mình bên một bờ biển hoang sơ thì cũng không có gì ngạc nhiên. Con đường ven biển bây giờ là con đường đẹp nhất, nổi tiếng nhất nhì trong nước và chúng ta vẫn yêu mến Nha Trang đó thôi. Tôi hay nhớ về Nha Trang ngày xưa vì đó là tất cả những kỷ niệm thời thanh xuân không có gì thay thế được, mỗi khi đặt chân xuống bờ cát vàng là bao nhung nhớ trào dâng trong lòng. Tôi vẫn yêu Nha Trang như đã từng và những đổi khác của thành phố như thế nào thì chỉ cần nhìn biển xanh thẳm cũng đã đủ. Ai rồi cũng khác và thành phố yêu dấu này cũng thế, phải lớn lên cho kịp với lớp trẻ cũng lớn lên từng ngày.

Chính vì nhớ những ký ức cũ mà chúng ta biết trân quý những gì của hôm nay, mới thấy mình đã sống cuộc đời trọn vẹn với thành phố. Và yêu nó mà không có gì để hối tiếc.

Thành phố của tôi rất nhỏ nên nhớ đến thành phố tự nhiên liên tưởng đến bàn tay và những đường chỉ tay - là những con đường trong phố. Tôi không có nhiều lắm những ký ức về nơi mình sinh ra, giống như mọi thứ đều là không kh...

21/08/2024

Chiếc cối đá xay bột của bà tôi (Hoàng Nhật Tuyên)

Nói đến cối xay bột bằng đá, người từng sống ở các làng quê ngày xưa hầu như ai cũng biết. Đó là vật dụng dùng để xay bột, được làm từ loại đá tự nhiên nguyên khối, có hình trụ tròn, gồm hai thớt chồng lên nhau. Thớt trên có hai tai vuông nhô ra, đối diện, mỗi bên được đục cái lỗ để gắn tay cầm cho thuận tiện khi quay, ở giữa miệng cối cũng được đục một lỗ để gạo hoặc các loại hạt có thể chảy xuống khi cần xay. Thớt dưới, ngoài phần hình trụ tròn tương đồng với thớt trên, được đục những đường răng cưa, còn có thêm một cái máng chạy quanh để hứng khi bột xay xong chảy xuống. Cối có thể xay cả bột khô lẫn bột nước. Nhằm giữ cho cối luôn ở thế thăng bằng, người ta nối giữa thớt dưới và thớt trên bằng một trụ gỗ, còn gọi là ngõng. Ngõng cối thường làm bằng cây ổi già hoặc cây vú sữa - những loại cây không chỉ bền, lâu mòn, mà bột gỗ có bị mài ra chút ít lúc cối quay cũng không sao, vì đó là các loại cây không độc, ngược lại tốt cho sức khỏe.

Ngày xưa, nhà ông bà nội tôi từng có một chiếc cối xay như vậy, nghe đâu ông bà mua từ lúc hai người mới lấy nhau vì bà vốn thích làm các loại bánh. Tôi còn nhớ, chiếc cối ấy được đặt trên một cái bệ cũng bằng đá nằm dưới mái hiên, nơi tiếp giáp với nhà bếp, gần khoảng sân có cây mít nghệ luôn phủ bóng mát, một vị trí vừa thoáng, vừa thuận lợi cho việc xay bột. Vật dụng ấy quá quen thuộc với tôi, và chính nó đã góp phần nuôi lớn tuổi ấu thơ của anh em tôi bằng các món bánh từ bàn tay của bà, của mẹ.
Ngoài bánh in phải xay bột khô, còn lại các loại bánh khác như: Bánh xèo, bánh bèo, bánh đúc, bánh giò, bánh ít… được bà nội và mẹ tôi làm thời ấy đều được xay bằng bột nước. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên cảm giác sung sướng khi vào một buổi sáng, bất ngờ bà nội xúc gạo đổ vào thau để ngâm rồi thông báo buổi chiều cả nhà sẽ được ăn bánh xèo. Ở làng quê, khi cuộc sống còn khó khăn, nhiều bữa phải ăn cơm độn sắn, độn khoai, lâu lâu có được bữa bánh xèo, trong nhà ai nấy vui lắm. Mẹ tôi được bà dặn dò ra chợ nhớ mua giá, thịt heo ba chỉ và tôm, cha được phân công bẻ cái bắp chuối sứ sau hè để bà làm rau sống trộn cùng các thứ như: húng, quế, é tím… có sẵn ở cuối vườn, còn tôi cùng chị Hai xay bột. Cầm thanh gỗ cắm trên tai cối đá, quay hết vòng này tới vòng khác, kể ra không phải không mệt, nhưng với tôi, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng khi nghĩ chỉ thời gian ngắn nữa thôi, mình sẽ được ngồi trước đĩa bánh xèo vàng rụm, thơm lừng, béo ngậy.

Vào ngày mùa, đôi khi để mời mấy cô, mấy thím cấy lúa giùm ăn bữa giữa buổi, chúng tôi cũng được phân công xay bột để bà nội làm bánh đúc. Bánh đúc bà tôi làm chấm với tương đậu nành, ai ăn cũng khen ngon, vì ngoài việc chọn vôi lọc nước để ngâm gạo, bà còn dùng mỡ heo rán thấm vào lá mướp, phết vào đáy và quanh chiếc nồi bằng gang đang nóng trước khi đổ bột vào, khuấy đều. Khi bột đã chín, bà đổ ra mấy cái sịa có lót sẵn lá chuối, sau đó rắc lên mặt một lớp bột tôm khô đã được tao dầu cùng với lá hẹ.

Không chỉ làm bánh để ăn, có khi mẹ và bà nội còn làm bánh ít lá g*i, bánh ít trần nhân tôm thịt… để cúng giỗ, hoặc làm quà biếu bà con hàng xóm. Không phải ai cũng có sẵn tiền để sắm cối xay, nên một số gia đình trong xóm, mỗi lần muốn có bột đã mang gạo, mang nếp đến nhà tôi xay nhờ. Nhiều khi, trong xóm có nhà làm bánh xèo, thế là mấy nhà khác cũng làm theo. Cái cối xay bột như góp phần kết nối tình thân gia đình, làng xóm. Một bữa, biết chúng tôi thích bánh bèo, từ trưa, bà nội và mẹ ngâm gạo, bảo chúng tôi xay. Chiều đến, khi những chén bánh bèo hấp chín được sắp đầy trên mấy cái rổ, bất ngờ nhà tôi có bốn vị khách ghé tới. Đó là mấy chú ở trong làng, hẹn cùng đến gặp cha tôi để bàn việc cúng đình vào tháng sau. Thấy bánh bèo ai cũng trầm trồ. Vốn hiếu khách, bà nội tôi mời ngay, mấy chú cũng chẳng từ chối. Lúc ấy, nhìn bọn nhỏ chúng tôi, nhận ra mặt đứa nào đứa nấy thoáng buồn, bà liền hiểu ý, gọi tất cả xuống nhà bếp, nói nhỏ: “Mấy đứa rủ nhau đến các nhà trong xóm chơi đi. Bánh bèo bà mời khách, lát nữa, bà sẽ bắt con gà nấu cháo bù lại cho!”. Nghe bà nói, chúng tôi rủ nhau đi chơi. Tối hôm ấy với chúng tôi là một buổi tối sung sướng còn hơn được ăn bánh bèo, vì đâu dễ có dịp bà nội bắt một con gà mái sắp kêu ổ, làm thịt…

Có biết bao nhiêu chuyện gắn liền với cái cối xay bột của bà tôi trong những ngày tháng yên bình nơi quê nhà cả khi mưa, khi nắng; cả lúc nông nhàn hay lúc vào mùa bận rộn. Nhưng rồi chiến tranh diễn ra ngày một ác liệt. Quê tôi bị bom Mỹ tàn phá dữ dội vì kẻ thù coi đó là “vùng trắng”. Nhà cửa cháy trụi. Một số gia đình trốn vào rừng, số còn lại tất cả tản cư tìm đến những nơi khác để sinh sống. Cái cối xay bột của bà nội tôi bị bom vùi đâu đó trong lòng đất. Ngày hòa bình, chúng tôi trở lại quê xưa - nơi lúc này chỉ là vùng đất hoang đầy cỏ cây, lau lách. Sau chiến tranh, khó khăn đầy ắp, nhưng rồi cuộc sống dần dần hồi sinh, và chúng tôi lớn lên, vào đời.

Chủ nhật vừa rồi tôi đến Diên Khánh chơi, một anh bạn rủ ra quán cà phê trò chuyện. Quán nhỏ, nhưng ở tiền sảnh chủ nhân đã tạo được một tiểu cảnh xinh xinh, khá ấn tượng, vì cạnh gốc cây mít lúc lắc quả có đặt một chiếc cối xay bột bằng đá cùng mấy cái lu, cái nồi bằng đất, bằng gang và một số dụng cụ làm bánh mà người xưa hay sử dụng. Tất cả trông gần gũi quá, làm sống dậy trong tôi một vùng ký ức. Hồi còn nhỏ, cũng với chiếc cối xay bột y hệt thế kia, chuẩn bị giúp bà, giúp mẹ làm bánh, tôi đã xúc từng vá gạo ngâm mềm, đổ vào miệng cối rồi cầm cái thanh gỗ lần lượt quay tròn, quay tròn, cho đến khi gạo nhuyễn, chảy xuống như một dòng sữa trắng mịn màng...
https://tinyurl.com/mr39p6xx

20/08/2024

Nha Trang - Ký ức và Khát vọng

Nội trú ngày xưa (Mai Linh)      Có một ngày, dành chút thời gian để sắp xếp lại nhà cửa, chợt nhận ra cuốn lưu bút ngày...
19/08/2024

Nội trú ngày xưa (Mai Linh)

Có một ngày, dành chút thời gian để sắp xếp lại nhà cửa, chợt nhận ra cuốn lưu bút ngày xưa của một thời áo trắng xa nhà, vào thành phố học. Có lẽ đây là chuyến hành trình đáng nhớ và đầy kỷ niệm nhất với tôi, kỷ niệm về thời học sinh của dân huyện được trải nghiệm sinh hoạt ở khu nội trú trong Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thời ấy. Khu nội trú đầy ắp tiếng cười và yêu thương.
Khu nội trú của trường ưu tiên cho những học sinh các huyện từ Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh về trường. Ngày ấy, mở ra trước mắt chúng tôi là khu nội trú khá cũ kỹ gồm 1 tầng lầu, mạng nhện giăng lối. Bước lên tầng khu nội trú với một lối đi nhỏ và 2 dãy phòng ở. Vì toàn là con nhà quê, quen tay hay làm nên phút chốc mọi thứ trở nên sáng sủa hơn, lớp bụi dày đóng trong 3 tháng nghỉ hè khóa trước đã được dọn dẹp nhanh chóng. Mỗi dãy được phân ra nam, nữ riêng biệt, nữ gồm các phòng 1, 5, 7 ,9, 11 và nam đối diện với các phòng 6, 8, 10, 12, 14. Trước đây dãy nam bây giờ là dãy nữ, hướng ra đường Lê Đại Hành (TP. Nha Trang). Lạ thay là căn phòng số 3 được khóa cửa kín mít, và rất nhiều tin đồn gây sự tò mò lẫn hơi run sợ, mỗi lần đi ngang chỉ dám nhìn thẳng về phía trước.

Tôi được xếp vào phòng gồm 5 người, trong đó 2 bạn ở huyện Diên Khánh và 2 bạn ở huyện Cam Ranh, có mỗi tôi là ở Vạn Ninh. Không lâu sau khi mỗi thành viên tự chọn cho mình chiếc giường ưng ý trong 3 chiếc giường tầng thì chúng tôi đã nhanh chóng bắt chuyện, hỏi han nhau trong tiếng cười ấm áp hòa chung giọng nói đặc trưng. Các bạn thấy đấy, 3 địa phương là 3 giọng nói khác nhau, mình thì đặc sệt giọng nẫu, có vẻ giọng Cam Ranh là chuẩn nhất do quê gốc các bạn ở miền ngoài, nhưng giọng Diên Khánh khá hay. Với phát âm “a” thành “e” sặc mùi “nẫu”, mỗi lần nếu chỉ có 3 đứa đi uống nước mía thì gọi luôn 4 ly cho đỡ lằng nhằng việc cô chủ quán hỏi đi hỏi lại mấy ly.

Ở đây, chúng tôi đặt ăn theo tháng trong khu nhà ăn của nội trú. Bếp có 2 cô nấu, chăm chút bữa ăn cho chúng tôi hàng ngày, các món cơm, món mặn, món canh được đặt gọn gàng trong cái cà mên 3 ngăn mà mỗi đứa được ba mẹ mua cho hoặc các cô mua giùm nếu có đăng ký. Tan học, chúng tôi vèo lên phòng cất cặp rồi xuống nhà ăn, tranh thủ còn có giấc ngủ trưa ngắn ngủi để tiếp tục học buổi chiều. Những bữa cơm xa nhà đầu tiên không thể nào “chuẩn cơm mẹ nấu” được, nhưng bạn bè được ngồi cùng nhau, huyên thuyên về những món được mẹ nấu hàng ngày thế cũng vui. Để không tắt nghẽn “giao thông” khu vực rửa bát, chúng tôi chia lịch thay phiên đại diện rửa hết cho cả nhóm và hầu như phòng nào cũng làm thế.
Tính ra ở nội trú tiện lợi lắm, học xong chỉ cần mấy bước chân là về phòng và được ăn sớm. Thường thì chúng tôi chỉ ăn buổi trưa ở nhà ăn cho tiện việc học, đến chiều có thể rủ nhau ăn tô bánh canh cứu đói, phở Ngô Đức Kế hoặc hủ tiếu gõ Mê Linh. Hôm nào phòng có tiệc sinh nhật thì được ăn “sang” ở lẩu dê đường Nguyễn Thị Minh Khai. Buổi tối ở khu nội trú khá yên tĩnh, sau giờ cơm chiều là phòng nào phòng nấy lên đèn ngồi học bài. Trường cũng sẽ mở 2 phòng để học sinh nội trú ôn bài. Phòng học sáng đèn đến tận 1, 2 giờ sáng.

Những ngày đầu với ngôi trường xa nhà còn mới mẻ, bận rộn. Sau khi nề nếp ổn định thì nỗi nhớ nhà trở nên da diết, có những buổi chiều ngắm mưa qua ô cửa sổ mà bồi hồi nhưng chưa đến cuối tuần nên kìm lòng nhớ nhung. Có hôm sau buổi thể dục, bắt vội chuyến xe 3 giờ chiều ở bến xe đường 2 tháng 4 để kịp giờ cơm chiều với ba mẹ, rồi phải lên xe 5 giờ sáng hôm sau vào lại cho kịp tiết học đầu ngày. Bởi thế, học sinh nội trú chúng tôi mong chờ nhất khoảng thời gian trường tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia là được nghỉ nhiều ngày về thăm nhà.

Có những ký ức nơi đây dường như không thể nào quên, vào những buổi tối lười xuống sân trường học bài là tạo cơ hội cho những lần dọa ma của các bạn; có ký ức về chuyện một bác xích lô nào đó leo tường ngủ ngoài máng thoát nước của dãy nữ làm các bạn một phen hoảng sợ nhưng đã được các bạn nam giải cứu và dẫn lên phường; ký ức về những món quà quê ba mẹ gởi vào để cả đám lại có bữa ăn ngon…

Hai năm sau, trường được chuyển đến vị trí mới ở đường Yersin, chúng tôi cũng được trải nghiệm năm cuối ở khu nội trú mới, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhưng dường như nơi đầu tiên luôn là nơi nhiều kỷ niệm nhất. Ước một lần được quay lại thời học sinh tươi đẹp ấy!

Có một ngày, dành chút thời gian để sắp xếp lại nhà cửa, chợt nhận ra cuốn lưu bút ngày xưa của một thời áo trắng xa nhà, vào thành phố học. Có lẽ đây là chuyến hành trình đáng nhớ và đầy kỷ niệm nhất với tôi, kỷ niệm về ...

Address

77 Yersin
Nha Trang
65000

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Rừng Trầm - Biển Yến posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share