12/09/2021
🔥📢 Huyện Hải Hậu: Công văn về việc thực hiện các khoản thu, chi trong các trường học năm học 2021-2022
I. THU, CHI HỌC PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN GIẢM HỌC PHÍ NĂM HỌC 2021-2022
1. Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục (theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh Nam Định)
- Mầm non: 90.000 đồng/tháng/ học sinh
- THCS: 70.000 đồng/ tháng/ học sinh
- GDTX cấp THPT: 90.000 đồng/ tháng/ học sinh
2. Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập:
Từ ngày 01/9/2021 đến ngày 14/10/2021 thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT- BGDĐT- BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Từ ngày 15/10/2021, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực. Khi có văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện sẽ có hướng dẫn sau.
3. Tổ chức thu và sử dụng học phí
3.1. Thu học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập
a) Học phí được thu định kỳ hàng tháng. Nếu cha mẹ học sinh, học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần theo học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm học.
b) Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu học phí bằng hóa đơn thu học phí theo Thông tư số 39/2024/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và hướng dẫn của cơ quan thuế tại công văn số 5339/CT- HCQTTVAC ngày 27/9/2017 của Cục thuế Nam Định về việc sử dụng chứng từ thu học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Nam Định.
c) Cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào Kho bạc Nhà nước để quản lý và sử dụng, thực hiện theo quy định sau:
- Nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành, nghề được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo vào Kho bạc Nhà nước để quản lý và sử dụng;
- Nộp toàn bộ tiền thu học phí của các ngành, nghề không được ngân sách nhà nước hỗ trợ vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ học sinh.
d) Đối với tiền học phí nộp vào tài khoản tiền gửi của Kho bạc nhà nước qua ngân hàng, thực hiện theo công văn số 189/UBND-VP6 ngày 15/7/2020 của UBND tỉnh Nam Định về việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 07/01/2019 của UBND tỉnh Nam Định về triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; thực hiện như sau:
- Đối với các cơ sở giáo dục có điều kiện triển khai đồng bộ việc thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, các đơn vị phối hợp với các ngân hàng để thực hiện việc triển khai thu học phí qua ngân hàng
- Đối với các cơ sở giáo dục chưa có điều kiện triển khai đồng bộ việc thu học phí qua ngân hàng thì phải thông báo số tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước và hướng dẫn để học sinh hoặc cha mẹ học sinh có thể nộp tiền học phí vào tài khoản của đơn vị tại ngân hàng, hoặc nhà trường tổ chức thu tiền mặt đối với những học sinh chưa có điều kiện để nộp trực tiếp vào ngân hàng, định kỳ nộp trực tiếp số tiền mặt thu được vào Kho bạc nhà nước nơi đang giao dịch hoặc chuyển khoản vào tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước qua ngân hàng nơi đơn vị đang giao dịch thu học phí, định kỳ đối chiếu với ngân hàng, Kho bạc nhà nước để theo dõi và quản lý chặt chẽ khoản thu học phí của đơn vị.
3.2. Thu, chi học phí các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập
Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập được tự quyết định mức học phí trên cơ sở tự cân đối đảm bảo chi phí cho giảng dạy, học tập và phải công khai mức thu học phí cho từng năm học đến hết khóa học, đồng thời phải thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
3.3. Sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập
Đối với khoản thu học phí các đơn vị tiếp tục thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Cụ thể: Trích 40% nguồn thu để tạo nguồn cải cách tiền lương, 60% nguồn thu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch để chi thường xuyên cho các nhiệm vụ của đơn vị, thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ- CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán và báo cáo
4.1. Lập dự toán thu, chi học phí
Khoản thu học phí (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật phí và lệ phí) không là chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN cho các đơn vị dự toán. Tuy nhiên, các đơn vị tiếp tục tạo nguồn từ nguồn thu này và các khoản thu khác được để lại chi theo chế độ để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.
4.2. Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào dự toán và phương án sử dụng đã lập để thực hiện thu, chi học phí đảm bảo đúng chế độ, định mức, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát các khoản chi từ tài khoản tiền gửi học phí của các cơ sở giáo dục.
4.3. Các cơ sở giáo dục công lập phải mở sổ sách kế toán theo dõi, hạch toán các khoản thu, chi học phí theo quy định tài chính hiện hành.
- Định kỳ hàng quý và kết thúc năm ngân sách, các cơ sở giáo dục tiến hành đối chiếu và đề nghị Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại xác nhận số liệu thu chi học phí. Lập báo cáo quyết toán học phí chung với báo cáo quyết toán kinh phí thường xuyên gửi đơn vị cấp trên, cơ quan thống kê, cơ quan tài chính theo quy định về lập, nộp báo cáo quyết toán của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
- Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình đều có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo quy định của pháp luật; thực hiện về yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin và tài liệu cung cấp.
4.4. Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước, Chi Cục thuế huyện định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc quản lý thu, chi học phí tại các cơ sở giáo dục theo quy định. Các cơ sở giáo dục phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ quản lý thu, chi học phí theo quy định hiện hành.
II. CÁC KHOẢN THU DỊCH VỤ PHỤC VỤ, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
1. Nguyên tắc thu
Các cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng; thu vừa đủ chi; chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trước khi thu phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản; chỉ được thu sau khi đã thoả thuận với cha mẹ học sinh bằng văn bản. Mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh Nam Định quản lý. Trước khi thực hiện thu phải báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan chủ quản trực tiếp.
2. Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục giáo dục của cơ sở giáo dục.
2.1. Trông giữ xe đạp, xe đạp điện, xe máy của các học sinh có xe gửi tại các trường học áp dụng theo Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 03/01/2017 của UBND tỉnh Nam Định về việc quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn tỉnh Nam Định.
- Trông giữ xe đạp, máy theo lượt: Xe đạp, xe đạp điện: 1.000 đồng/lượt; xe máy 2.000 đồng/lượt.
- Trông giữ xe đạp, máy theo tháng: Xe đạp: 10.000 đồng/tháng; xe đạp điện: 15.000 đồng/tháng; xe máy: 20.000 đồng/tháng.
Thu theo số tháng thực gửi, thời gian thực hiện không quá 10 tháng trong 01 năm học.
2.2. Tiền nước uống cho học sinh các cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung tâm GDNN-GDTX huyện:
- Mức thu tối đa: 10.000 đồng/học sinh/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng trong 01 năm học.
- Khoản thu trên chỉ được sử dụng cho việc mua nước hoặc đun nước sôi; mua bổ sung ca cốc, bình đựng nước; trường hợp có hệ thống lọc nước uống trực tiếp thì định kỳ thay lõi lọc, chi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống; kiểm nghiệm nguồn nước... Không sử dụng khoản thu này chi sang việc khác. Nghiêm chỉnh chấp hành việc kiểm nghiệm nguồn nước theo quy định hiện hành, đảm bảo an toàn vệ sinh nguồn nước và sức khoẻ cho học sinh.
- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm quyết định việc cung cấp nước uống và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh đơn vị mình.
2.3. Các khoản thu dịch vụ dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục
a) Mức thu tối đa
- Chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè: 30.000 đồng/trẻ/ngày
- Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học: 4.000 đồng/học sinh/tiết
- Dạy thêm, học thêm các môn văn hóa (kể cả dạy trực tuyến); dạy kỹ năng sống trong các trường trung học cơ sở: 4.000 đồng/học sinh/tiết.
- Dạy thêm, học thêm các môn văn hóa (kể cả dạy trực tuyến); dạy kỹ năng sống trong Trung tâm GDNN-GDTX huyện: 5.000 đồng/học sinh/tiết.
b) Sử dụng tiền chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè, dạy thêm học thêm, dạy kỹ năng sống trong nhà trường:
- Chi thù lao cho giáo viên dạy trực tiếp tối đa là 70%;
- Chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường (bao gồm công tác chủ nhiệm, quản lý nền nếp, kỷ cương, tài chính, phục vụ, bảo vệ, coi xe và các nhiệm vụ có liên quan...) tối đa là 15%;
- Chi tiền điện, nước, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm tối thiểu là 15%.
Trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm các môn văn hóa do thiên tai, dịch bệnh... không dạy trực tiếp được mà phải dạy trực tuyến thì các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về quản lý và tổ chức dạy trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thì được thu và chi như dạy trực tiếp.
2.4. Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học.
a) Dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Mức thu tối đa: 18.000 đồng/trẻ (học sinh)/tháng. Thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng trong 01 năm học.
Khoản thu trên được dùng để trả cho người lao động thực hiện vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh học sinh, gồm tiền công thuê người làm vệ sinh, công cụ, dụng cụ lao động, hoá chất...; không sử dụng khoản thu này sang chi việc khác.
b) Cơ sở giáo dục tổ chức học, nuôi ăn bán trú cho học sinh.
- Tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú đối với các cấp học:
+ Mức thu tối đa: 100.000 đồng/trẻ (học sinh)/tháng. Thu theo số tháng thực nuôi ăn bán trú.
+ Khoản thu trên được dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Không sử dụng khoản thu này sang chi việc khác.
- Tiền quản lý, chăm sóc trẻ (học sinh) buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học:
+ Mức thu tối đa: 6.000 đồng/trẻ (học sinh)/ngày. Thu theo ngày thực tế nuôi ăn bán trú.
+ Khoản thu trên được dùng để chi trả cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, công tác quản lý buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính. Không sử dụng khoản thu này sang chi việc khác.
- Tiền ăn bán trú đối với trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học.
+ Cơ sở giáo dục xây dựng bảng thực đơn cụ thể và đảm bảo lượng chất dinh dưỡng cho từng độ tuổi, xây dựng kế hoạch thu, chi đảm bảo thu đủ chi và phải được sự thống nhất thỏa thuận tự nguyện, dân chủ và công khai giữa cơ sở giáo dục với cha mẹ học sinh để quy định mức ăn cụ thể (gồm tiền mua thực phẩm theo khẩu phần ăn, chất đốt, ...). Thu theo ngày thực tế ăn bán trú.
+ Tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung (chăn, gối, đệm, giát giường, tiền mua dụng cụ nhà bếp ăn bán trú... thực hiện theo nguyên tắc thu đủ chi) do cơ sở giáo dục thoả thuận với cha mẹ học sinh để quy định. Thực hiện theo năm học, thu thực tế theo trẻ (học sinh) tham gia ăn bán trú.
2.5. Các khoản dịch vụ chưa có trong các nội dung hướng dẫn trên, nếu cha mẹ học sinh có nhu cầu phục vụ các hoạt động học tập, giáo dục của học sinh (như tiền mua phôi liệu học nghề, tiền điện sử dụng điều hoà theo nhu cầu,...) trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận với nguyên tắc thu đủ chi, khi đó các cơ sở giáo dục bàn bạc thống nhất, công khai trong cơ sở giáo dục và phải báo cáo với cơ quan chủ quản trực tiếp đồng ý mới được triển khai thực hiện (các khoản thu liên quan đến xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
III. CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, Chính phủ có Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025; công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển giáo dục đào tạo. Trong năm học này, hạn chế tối đa việc huy động từ cha mẹ học sinh; nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định.
Các cơ sở giáo dục thực hiện vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý sử dụng tài trợ
1.1. Vận động tài trợ
- Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở xây dựng kế hoạch vận động tài trợ xin ý kiến UBND xã, thị trấn; sau đó báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phê duyệt. Trung tâm GDNN- GDTX xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phê duyệt. Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức vận động tài trợ.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục. Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch thì phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ.
- Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.
1.2. Tiếp nhận tài trợ: Thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ
- Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ. Tổ tiếp nhận tài trợ bao gồm các thành phần chính sau: Thủ trưởng cơ sở giáo dục phụ trách; kế toán; Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện của cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục (nếu có);
- Thủ trưởng cơ sở giáo dục là Tổ trưởng Tổ tiếp nhận tài trợ;
- Tổ tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của hoạt động tài trợ; cung cấp thông tin về thời gian, địa chỉ, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục; nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất;
- Tổ tiếp nhận tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
1.3. Cơ sở giáo dục tổ chức tiếp nhận khoản tài trợ như sau: - Đối với các khoản tài trợ bằng tiền:
Cơ sở giáo dục phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi riêng số tiền được tài trợ; mở thêm một tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận đối với khoản tài trợ được chuyển khoản.
Trường hợp tài trợ bằng kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác, cơ sở giáo dục phối hợp với Tổ tiếp nhận tài trợ tổ chức thông báo cho Ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá và nộp số tiền thu được vào tài khoản của cơ sở giáo dục.
- Đối với khoản tài trợ bằng hiện vật:Cơ sở giáo dục phối hợp với Tổ tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nhận bàn giao, chuẩn bị mặt bằng, kho bãi để bảo quản hiện vật tài trợ đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng.
+ Trường hợp tài trợ bằng công trình xây dựng cơ bản theo hình thức “chìa khóa trao tay”: Nhà tài trợ hoàn thành hồ sơ, tài liệu và chứng từ liên quan đến xây dựng công trình chuyển cho cơ sở giáo dục và cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện hạch toán theo giá trị công trình tài trợ đã nhận bàn giao. Khuyến khích việc lập quyết toán vốn theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
+ Trường hợp tài trợ bằng thiết bị, máy móc: Nhà tài trợ cung cấp tài liệu, hồ sơ kỹ thuật cho cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Đối với khoản tài trợ phi vật chất: Cơ sở giáo dục tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Trường hợp tài trợ bằng quyền sử dụng đất: Nhà tài trợ cung cấp các hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất và làm các thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất cho cơ sở giáo dục tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
1.4. Quản lý, sử dụng tài trợ
- Cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung tâm GDNN- GDTX lập kế hoạch sử dụng tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
- Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh, người giám hộ (nếu có) và nhà tài trợ.
- Quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng tài trợ phải tuân thủ đúng mục đích đã đề ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, định mức quy định, tuân thủ các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và mua sắm đấu thầu. Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.
- Các sản phẩm, công trình hình thành từ các khoản tài trợ phải được sử dụng đúng mục đích và được bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để phát huy hiệu quả sử dụng, không để thất thoát, lãng phí.
- Giá trị của khoản tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định.
2. Báo cáo tài chính và công khai tài chính
- Các khoản tài trợ phải được tổng hợp kịp thời vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính theo kỳ và báo cáo quyết toán tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị dự toán cấp trên có trách nhiệm thẩm tra, xét duyệt quyết toán đối với khoản tài trợ của đơn vị dự toán cấp dưới.
- Cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung tâm GDNN- GDTX sử dụng tài trợ phải công khai nội dung báo cáo tài chính năm và công khai quyết toán thu, chi tài chính năm đối với các khoản tài trợ.
+ Nội dung công khai tài chính bao gồm: Tên khoản tài trợ; tên tổ chức tài trợ; giá trị tài trợ, quyết toán thu, chi; kết quả kiểm toán (nếu có);
+ Hình thức công khai báo cáo tài chính: Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ và cơ quan tài chính đồng cấp; niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở giáo dục nhận tài trợ và các hình thức khác;
+ Thời điểm công khai: Việc công khai báo cáo tài chính được thực hiện ngay sau khi kết thúc quyết toán năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán.
3. Trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thanh tra và các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản tài trợ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý những trường hợp sai phạm.
- Phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ triển khai năm học.
- Tổng hợp báo cáo UBND huyện tình hình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
IV. CÁC KHOẢN THU HỘ, CHI HỘ
1. Thu bảo hiểm y tế thực hiện theo công văn số 1821/BHXH-QT ngày 30/7/2021 của Bảo hiểm Xã hội tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2021-2022; công văn số 1144/SGDĐT-CTCTHSSV ngày 05/8/2021 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2021-2022.
2. Thu quỹ của các Đoàn, Hội, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh thực hiện thu, chi theo quy định hiện hành của các tổ chức có thẩm quyền ban hành. Tuyệt đối không được thu thêm hoặc thu cao hơn mức quy định. Khoản thu này do các tổ chức nêu trên quản lý thu, chi (được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đoàn, Đội, kế hoạch của Hội từng năm học).
V. QUẢN LÝ, SỬ DUNG CÁC KHOẢN THU
1. Tổ chức thu các khoản thu theo quy định phải được thực hiện tại bộ phận kế toán của đơn vị, không giao cho giáo viên dạy trực tiếp thu, chi tiền.
2. Các khoản thu sự nghiệp không thuộc danh mục phí, lệ phí chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, không thuộc nguồn thu NSNN, không tổng hợp chung vào dự toán thu phí, lệ phí thuộc NSNN, nhưng các đơn vị dự toán phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng tổng hợp chung với dự toán chi thường xuyên gửi cấp trên trực tiếp quản lý tổng hợp, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp giám sát.
3. Việc quản lý thu chi các khoản thu bằng tiền mặt thực hiện theo Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc nhà nước.
4. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu, quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật, thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.
5. Hạch toán các khoản thu: Tất cả các khoản thu chi phải phản ánh đầy đủ, kịp thời vào hệ thống số sách kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị. Kế toán phải mở sổ chi tiết các khoản thu cho phù hợp với yêu cầu quản lý để theo dõi các khoản thu của từng loại theo từng hoạt động.
6. Các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên, pháp luật về các khoản thu, chi sai quy định.
7. Các cơ sở giáo dục cam kết với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp bằng văn bản về việc thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi, không được tự đặt ra các khoản thu chi trái quy định; các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thu, không thu dồn vào đầu năm học gây khó khăn cho cha mẹ học sinh. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp các khoản thu đầu năm học báo cáo UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo vào ngày 01/10/2021.
VI. CÔNG KHAI CÁC KHOẢN THU
1. Các khoản thu phải được niêm yết công khai tại đơn vị, thông báo rộng rãi trên hệ thống phương tiện truyền thông để nhân dân, cha mẹ học sinh biết, thực hiện.
2. Các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định tại: Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT; Thông tư số 19/2005/TT- BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân; Thông tư số lập; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của
Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công
VII. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ CHA MẸ HỌC SINH
1. Cha mẹ học sinh chủ động tự mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng đồ chơi, tư trang cá nhân của học sinh, các loại hình bảo hiểm tự nguyện, đảm bảo đủ điều kiện cho con em mình học tập và sinh hoạt tại trường. Nghiêm cấm nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền và mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng đồ chơi, tư trang cá nhân của học sinh.
2. Việc may quần áo đồng phục thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT- BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ GD&ĐT Quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên; căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, Hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Các cơ sở giáo dục quy định kiểu dáng, màu sắc ổn định để học sinh có thể sử dụng cho nhiều năm học. Trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Trung tâm GDNN-GDTX không được thu tiền từ học sinh rồi áp đặt mua của một doanh nghiệp cụ thể nào.
3. Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục thực hiện chức năng nhiệm vụ theo đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; không được lạm dụng tổ chức huy động các khoản không trong quy định, những khoản huy động không phù hợp với điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh và bất bình đẳng trong nhà trường. Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý các cấp trong việc quản lý hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại cơ sở giáo dục.
- Ban đại diện cha mẹ học sinh được thành lập trong mỗi năm học, do cha mẹ học sinh ở từng lớp và toàn trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:
+ Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
+ Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh cấp trường.
- Quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:
+ Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;
+ Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
+ Việc thu, chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
- Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
+ Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
+ Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
* Năm học 2021-2022, học sinh học tập trong điều kiện vừa học vừa phòng chống dịch COVID-19, cha mẹ học sinh không tham gia lao động, sản xuất kinh doanh được, kinh tế gặp nhiều khó khăn, học sinh có thể phải học trực tuyến nhiều, nên khuyến khích các cơ sở giáo dục, các thầy giáo, cô giáo dạy thêm, học thêm trực tuyến miễn phí cho học sinh; đồng thời các cơ sở giáo dục tiết giảm tối đa các khoản thu dịch vụ để giảm bớt khó khăn cho cha mẹ học sinh.
UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm các nội dung trên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh; nếu để xảy tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật./.