An Ninh Đối Ngoại - Vì Nhân Dân Phục Vụ

An Ninh Đối Ngoại - Vì Nhân Dân Phục Vụ vì bình yên cuộc sống của nhân dân

29/11/2023

📣📣📣Lợi dụng phản biện xã hội chống phá đất nước

Phản biện xã hội (PBXH) được xem là hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, PBXH luôn hiện hữu trong đời sống chính trị – xã hội, được nhà nước thừa nhận trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Ở Việt Nam, PBXH được coi trọng, phát huy nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng PBXH để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là trong điều kiện bùng nổ mạng xã hội hiện nay.

PBXH là quyền bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người. Điều 19 và Điều 25, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 qui định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền…”; đồng thời, “mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được họ tự do lựa chọn”. Như vậy, quyền tự do ngôn luận chính là tiền đề, là điều kiện cơ bản cần thiết để người dân thực hiện PBXH và PBXH cũng chính là một trong những hình thức để người dân phát huy vai trò trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

PBXH thể hiện rõ trong việc nêu ý kiến đóng góp, bổ sung, những vấn đề chưa tán thành của người dân đối với những chủ trương, chính sách, quyết định, phán quyết… của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, chỉ ra ưu điểm, hạn chế, chưa hợp lý, bất cập. Như vậy, bản chất của PBXH là thực hành dân chủ; có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân; thể hiện sâu sắc dân chủ XHCN, bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN, quyền lực thuộc về nhân dân; tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề.

Tuy nhiên, cùng với sự đóng góp có ý thức, xây dựng của các tầng lớp nhân dân thì một số thành phần đã lợi dụng PBXH để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH, nhân danh phản biện để tập hợp lực lượng đối lập, chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn:

Thứ nhất, lợi dụng PBXH để đưa ra những quan điểm, tư tưởng sai trái, kích động, vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cố tình xuyên tạc tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; qua đó, tập hợp lực lượng chống đối, tạo sự đối kháng trong xã hội…

Thứ hai, tán phát các loại “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, ngành và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, các tài khoản cá nhân; trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thổi phồng những tồn tại, hạn chế của đời sống xã hội. Với danh nghĩa “phản biện” song sử dụng ngôn từ công kích, bóp méo sự thật, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ; lu loa rằng “thiếu không gian tự do”, quy chụp “nguyên nhân thiếu tự do và trì trệ về kinh tế, chính trị” là “do độc Đảng”.

Thứ ba, một số trường hợp sau khi rời các vị trí, chức vụ trong Đảng, Nhà nước vì tư lợi hẹp hòi, bất mãn hay động cơ xấu đã lợi dụng danh nghĩa PBXH đưa ra những quan điểm lệch lạc; lấy cớ góp ý với Đảng, Nhà nước truyền bá quan điểm cực đoan, sai trái nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng chống đối trong xã hội. Một số người tự xưng là “nhà lí luận”, lợi dụng PHXH để kích động, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ; cho rằng chúng ta đang “xây dựng một xã hội bó buộc”, đòi hỏi “dân chủ hóa”, “giải phóng” con người là chiếc chìa khóa vạn năng, phải “cởi bỏ mọi ràng buộc”.

Những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước thường tuyệt đối hoá vấn đề tự do, dân chủ. Khái niệm tự do đã bị hiểu theo nghĩa không còn tổ chức, không còn quy tắc, văn hóa, pháp luật, nghĩa là không còn gì ràng buộc. Bằng con đường tiếp cận sai trái, họ hướng lái quan điểm, tâm lý người dân để gây mâu thuẫn, kích động chống phá.
PBXH nếu được thực hiện một cách có hiệu quả, có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chủ trương, chính sách; biểu thị cho tính dân chủ của xã hội, sự đồng thuận, khuyến khích, cổ vũ xã hội. Nhưng nếu lợi dụng PBXH để kích động, thổi phồng, xuyên tạc nhằm gây nhiễu loạn thông tin… thì là hành vi phá hoại, gây nhiều hậu quả, cần phải đấu tranh, loại trừ. PBXH có hiệu quả, ý nghĩa tích cực chỉ khi dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích hướng đến; nếu không sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính, phiến diện, thậm chí cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước, trở thành “tấm khiên” cho những kẻ chống phá.

Phát huy vai trò phản biện xã hội, nâng cao dân chủ cơ sở

Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích người dân tham gia PBXH với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”; “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”… Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân”… Cụ thể quan điểm của Đảng, ngày ngày 26/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, giám sát, PBXH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một hình thức để thực hiện dân chủ XHCN, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, làm cho đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, luôn vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình xây dựng, trước khi ban hành, mặc dù đã trải qua nhiều bước thảo luận, trao đổi, góp ý trong các cơ quan chức năng, các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật vẫn rất cần có ý kiến đóng góp, nhận xét, phản biện từ phía nhân dân, xã hội.

Nhằm tăng cường sự giám sát và tham gia của nhân dân, ngày 12/12/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Theo đó, PBXH là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp; kiến nghị những nội dung thiết thực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội… Chủ thểcủa PBXH là MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: MTTQ Việt Nam, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Người dân thực hiện quyền phản biện trực tiếp hoặc gián tiếp qua lấy ý kiên cử tri của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố; qua các tổ chức chính trị – xã hội mà người dân là một thành viên của tổ chức đó… Ngoài ra, nhân dân vẫn có thể tự mình phản biện bằng con đường gửi thư, gửi ý kiến đến các cấp có thẩm quyền, thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ý kiến của mình.

Từ năm 2018-2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu; đã tập trung phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo, trong đó có các dự án Luật, đề án… liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm. Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh 827 cuộc, cấp huyện 3.488 cuộc; cấp xã 19.554 cuộc.

Điển hình như việc phản biện các dự án luật quan trọng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như dự án Luật Đất đai. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến PBXH đối với dự án luật, góp phần hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Hay như việc MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị PBXH đối với dự thảo chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2030.Tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị dự thảo cần chỉ rõ thực trạng và cơ cấu, chất lượng của nhà ở trên địa bàn thành phố; kiến nghị cần phân tích khoa học hơn để định hướng cụ thể cho từng loại hình nhà ở, bổ sung chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng …
Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích các diễn đàn PBXH với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để ngày càng đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước. Những hành vi lợi dụng danh nghĩa PBXH để xâm phạm lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì tuỳ tính chất, mức độ phải chịu những chế tài của pháp luật.

NQ

26/08/2023

Cảnh giác với những chiêu trò chống phá mới
Thời gian qua, các đối tượng phản động, thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, chiêu trò khác nhau nhưng mục tiêu không thay đổi, đó là: xóa bó nền tảng tư tưởng của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta.
Để đạt được mục tiêu đó, trên từng lĩnh vực, chúng sử dụng những chiêu thức mới, tiếp cận theo hướng “mền dẻo”, tạo thái độ thân thiện hơn, lợi dụng thái độ chủ quan mất cảnh giác của ta để xâm nhập được sâu hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó chi phối, tác động, phá hoại nền tảng tư tưởng, bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trên lĩnh vực kinh tế, chúng âm mưu thông qua hoạt động hợp tác, đầu tư để làm cho nền kinh tế phát triển chệch hướng XHCN. Đặc biệt, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN để xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo, thành tựu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; cổ xúy, tung hô việc phát triển nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, làm mất phương hướng, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, gây bất ổn về tư tưởng, xuất hiện tình thế mới về chính trị. Từ đó, chúng sẽ kích động yêu cầu Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế thị trường theo kiểu phương Tây. Từ những vụ, việc vi phạm pháp luật về đất đai, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chúng xuyên tạc thành vấn đề chế độ sở hữu đất đai, từ đó xuyên tạc bản chất chế độ.
Một trong những chiêu thức vô cùng nguy hiểm mà các thế lực thù địch sử dụng hòng làm chuyển hóa, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là, thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” theo mô thức phương Tây. Chúng núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, hình thành “kênh phản biện” để cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đề cao “xã hội dân sự”, các thế lực thù địch âm mưu phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng XHCN, về đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới; làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, thúc đẩu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, xây dựng xã hội “dân chủ”, “tự do” theo kiểu phương Tây.
Vấn đề dân tộc, tôn giáo, luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm, được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng. Chúng huy động tối đa các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và vấn đề dân tộc ở Việt Nam; đưa ra yêu sách đòi mở rộng dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do lập hội để tập hợp lực lượng, kích động gây bạo loạn, dẫn đến mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật của một số đối tượng bất mãn, khi bị chính quyền xử lý, lập tức các thế lực thù địch gán ghép ngay với vấn đề tôn giáo, dân tộc; hòng làm cộng đồng quốc tế hiểu sai lệch bản chất vụ việc; kích động, gây bất ổn, nhiễu loạn thông tin trong nước.
Lợi dụng vấn đề Biển Đông, chúng khai thác tối đa lòng yêu nước của người dân Việt Nam, kích động tâm lý “bài Trung”, “thoát Trung”; vu cáo Đảng, Nhà nước ta “bán nước”; lợi dụng các vụ việc thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chúng tung tin giả, tin sai sự thật tran lan hòng tạo tâm lý hoang mang, bất ổn trong cộng đồng. Chúng lợi dụng tối đa sự non nớt của một bộ phận người tham gia mạng xã hội, nhất là giới trẻ, chế tác tin giả, tin giật gân sai sự thật phát tán trên mạng; rất nhiều người trẻ đã chia sẻ, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, khi bị pháp luật sử lý, hối hận thì đã muộn.
Bên cạnh đó, đáng buồn là thời gian vừa qua, một số cán bộ, đảng viên; cán bộ nghỉ hưu; trí thức; văn nghệ sỹ… có biểu hiện suy thoái, nhận thức lệch lạc, bị các thế lực thù địch kích động, lợi dụng; đăng đàn nói xấu Đảng, chế độ, lãnh tụ… vận động thành lập các tổ chức bất hợp pháp; ký tên kiến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước… kiến nghị, phản đối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hòng gây gối nội bộ, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần không ngừng nâng cao cảnh giác, bình tĩnh, kiên quyết kiên trì đấu tranh đập tan các chiêu trò của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước.

19/08/2023

Sự ra đời của lực lượng CAND - Tất yếu của lịch sử
"Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ". Thấm nhuần tư tưởng của Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang gồm Quân đội, Công an để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng.
Cùng với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 tại Hà Nội, lực lượng CAND Việt Nam ra đời, trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ đối diện với tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, là một tất yếu khách quan của lịch sử.

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta đã lập ra các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, danh dự trừ gian, hộ lương diệt ác. Đây là những tổ chức tiền thân của lực lượng công an, có nhiệm vụ nắm tình hình địch, chống khủng bố, diệt trừ bọn Việt gian, phản động tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào Cách mạng của quần chúng nhân dân. Sự phát triển của những tổ chức này cũng được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, những tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân được thiết lập ở cả 3 miền: Sở Liêm phóng ở Bắc bộ, Sở Trinh sát ở Trung bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam bộ. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng đều làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng và chính quyền các cấp.

Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn gấp bội. Nhiệm vụ bảo vệ chính quyền được đặt lên vai lực lượng vũ trang, trong đó có công an. Hình ảnh đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ cầm ô đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng công an đối với công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Bác Hồ ngay từ khi mới được thành lập.

Tổ chức công an được kiện toàn, đánh dấu bởi sự kiện ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23, hợp nhất các lực lượng Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ.

Từ đây, lực lượng CAND trở thành nòng cốt, mũi nhọn tiên phong trong cuộc đấu tranh quyết liệt với liên minh phản cách mạng cả trong lẫn ngoài, lập nên những chiến công xuất sắc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ và nhân dân trước thế nước ngàn cân treo sợi tóc lúc bấy giờ.

Tiêu biểu là khám phá vụ án tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12/7/1946, đập tan cuộc đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân của liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp.

Vụ đánh thông báo hạm A-mi-ô Đen-vin, lớn nhất tại Đông Dương lúc bấy giờ. Chiến công vang dội của tổ điệp báo A13, gắn liền với tên tuổi nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi vào 27/9/1950 đã đánh dấu bước trưởng thành của CAND VN và sự thất bại thảm hại của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp, thể hiện sự cương quyết, ý chí đánh địch, đã đánh là phải thắng của lực lượng CAND Việt Nam.

Sinh ra trong cách mạng, trưởng thành cùng cách mạng, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 75 năm, một chặng đường dài, lực lượng công an nhân dân đã thực sự là thanh kiếm, là lá chắn, là công cụ rất hiệu lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn: ANTV

18/08/2023
17/10/2022

🇻🇳Chủ động đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước thành viên của Liên Hợp quốc, đồng thời, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế. Nhờ đường lối đối ngoại nhất quán, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những kết quả đó là minh chứng sống động để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu chống phá đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.

Một trong những vấn đề chúng tập trung chống phá, xuyên tạc là đường lối đối ngoại của Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, khó lường. Đáng chú ý là các thế lực thù địch, các tổ chức lưu vong và một số đối tượng chống đối trong nước triệt để sử dụng không gian mạng, nhất là các mạng xã hội như Facebook, Youtube để xuyên tạc, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Chúng cho rằng: Chính sách giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là “lý thuyết viển vông, phi thực tế”; “đã độc lập tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại đã hội nhập quốc tế thì không có sự độc lập tự chủ”[1]; chính sách độc lập tự chủ của Việt Nam là “bảo thủ”, “tự cô lập mình”, “ngoại giao đu dây”, “nhạc nào cũng nhảy”(?!),… Chúng kêu gọi kích động bạo lực với cộng đồng người Nga tại Việt Nam, khuyên Việt Nam “phải chọn bên”, yêu sách Việt Nam phải “đổi mới” đường lối đối ngoại (?!).

Để chủ động đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc nêu trên, cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về đối ngoại theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”[2].

Thực hiện những định hướng nêu trên, trong quản lý nhà nước về đối ngoại cần quán triệt những quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ hai, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn bó chặt chẽ với giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa hợp tác quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội, đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại nói riêng. Đội ngũ cán bộ này phải am hiểu sâu về khoa học quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về đối ngoại, về pháp luật quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước là cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Thứ tư, quản lý nhà nước về đối ngoại phải gắn liền với hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng, theo hướng chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới nhằm tạo thay đổi về chất lượng công tác hợp tác quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật. Nghiên cứu giải pháp gia tăng sự hiện diện của chuyên gia pháp luật Việt Nam trong các thiết chế luật pháp quốc tế.

Thứ năm, quản lý nhà nước về đối ngoại phải đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng,… Đồng thời, kiên quyết kiên trì đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Quán triệt quan điểm trên, quản lý nhà nước về đối ngoại thời gian tới cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về đối ngoại. Việc hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại cần tập trung trước hết vào ba lĩnh vực (ba trụ cột) của hoạt động đối ngoại là: Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về kinh tế, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về chính trị và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về văn hóa. Mặt khác, cần có quy định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại.

Hai là, hoàn thiện và củng cố bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý nhà nước trong hoạt động đối ngoại. Thiết lập quan hệ phối hợp và mạng lưới thông tin một cách chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại ở trung ương và các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại ở địa phương.

Ba là, tăng cường công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền. trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại. Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung các hoạt động thông tin đối ngoại trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam ra nước ngoài nhằm tăng cường sự hiểu biết, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại về văn hóa trên cơ sở phát huy giá trị di sản tự nhiên, nhân văn (vật thể, phi vật thể), xây dựng các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có bản sắc riêng gắn kết truyền thống với hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam, sự kiện văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới, nhằm thu hút ngày càng nhều du khách quốc tế đến Việt Nam.

Bốn là, xây dựng, đào tạo đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại giàu về trí tuệ, bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về khoa học công nghệ tiên tiến, thể lực tốt,… bởi họ chính là nguồn nhân lực chủ yếu góp phần vào công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách thu hút người tài làm công tác đối ngoại, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích tạo động lực cho đội ngũ công chức làm công tác đối ngoại.

Năm là, quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút hợp tác quốc tế, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáu là, tận dụng có hiệu quả sức mạnh của của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm xúc tiến liên tục, bền bỉ chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nói chung và quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại nói riêng, tạo niềm tin cho người nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế về đất nước, con người Việt Nam là nơi đáng sống và điểm đến an toàn.

Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành của Nhà nước về hoạt động đối ngoại nói riêng.

Quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm và nội dung trên đây sẽ góp phần đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

PGS,TS. Trịnh Đức Thảo

08/07/2022

Đi ngược lại với CN Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là huỷ hoại niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng


Một nội dung quan trọng trong phần những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII là: “Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

So với các kỳ đại hội trước “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận QPTD và thế trận ANND. Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn lại lịch sử dân tộc và yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới chúng ta thấy rõ sự khẳng định, phát triển của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục.

1. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của nhân dân vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo Người, Đảng xác định chủ trương, mở ra đường lối lãnh đạo cách mạng, nhưng chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng, nếu không có nhân dân. Theo Người, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng là sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, là sự đoàn kết “muôn người như một” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, theo Người: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”(1). Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”

2. Thực tế lịch sử chứng minh “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng. Đối với mỗi chế độ xã hội, “lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Đây là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi triều đại, quốc gia, dân tộc. Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển.

“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. “Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. “Lòng dân” luôn tồn tại khách quan nhưng “lòng dân” có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của con người. Điều này đòi hỏi giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội, trực tiếp là lực lượng chính trị đại diện phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối. Chỉ có như vậy “lòng dân” mới hội tụ trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc. Thực chất đó chính là vai trò của lực lượng nắm quyền lãnh đạo xã hội trong việc chuyển hóa “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Khi được xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” sẽ tác động trở lại làm cho “lòng dân” phát triển hài hòa, đúng định hướng.

Bài học sâu sắc nhất mà Đảng ta rút ra từ thực tiễn cách mạng là phải huy động, tập hợp được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đại hội VI của Đảng xác định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”... Trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII, bài học “lấy dân làm gốc” tiếp tục được Đảng ta khẳng định. Văn kiện Đại hội IX, trong phần đánh giá quá trình đổi mới Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân”. Đến Đại hội lần thứ XII, một trong năm bài học được Đảng ta đúc kết, đó là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”

Tuy chưa sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân” nhưng tư tưởng, quan điểm phát huy sức mạnh “lòng dân” đã được Đảng ta nhất quán khẳng định trong đường lối quốc phòng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chính là sức mạnh tổng hợp. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định”. Đến Đại hội X, Đảng ta lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân”. Trong văn kiện Đại hội X, Đảng ta xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân làm nòng cốt”.

Phát triển quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta chủ trương: Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tại Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Để tăng cường “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền QPTD và nền ANND” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, quan điểm của Đảng ta về xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” được thể hiện sâu sắc hơn một bước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Đặc biệt, trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân, để củng cố “thế trận lòng dân”, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Cùng với khẳng định, nâng tầm “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn kiện Đại hội XIII cũng nêu vấn đề này một cách rõ nét, toàn diện hơn, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND”. Điều này có nghĩa phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đặt trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân phải gắn bó chặt chẽ với xây dựng, củng cố thế trận QPTD và thế trận ANND.

Mặt khác, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: "Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND là nòng cốt". Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Không phải đến bây giờ mà trong rất nhiều văn kiện Đảng ta đã khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền QPTD vững mạnh là nhiệm vụ không của riêng ai mà đó là sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó QĐND là nòng cốt. Việc xây dựng QĐND-một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với vai trò nòng cốt của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD cũng chính là thể hiện tư tưởng, quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (5). Đặc biệt, trong bài: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...”. Niềm tin của nhân dân chính là sức mạnh của Đảng, sức mạnh của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD.

Một trong những chiêu trò xấu độc, đáng lên án là chống phá, hạ thấp uy tín của những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, hạ thấp vai trò, giá trị, ý nghĩa học thuyết và phủ nhận những cống hiến của V.I. Lênin đối với giai cấp công nhân và cách mạng thế giới, cũng như đối với cách mạng Việt Nam là một chiêu thức điển hình, vô cùng thâm độc. Những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta muốn một công hai việc: vừa làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, gây tổn thương tình cảm đối với Bác Hồ, vừa chống đối chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện mưu đồ “thay máu cho hệ tư tưởng”, đưa đường “đón rước tư tưởng tư sản vào Việt Nam”. Đây là thái độ, hành vi và những thủ đoạn vô cùng tinh quái cần vạch mặt, trừng trị đúng pháp luật Việt Nam vì nó sai cả đạo lý và pháp lý.

Chúng ta đều biết trong số các vĩ nhân có cống hiến lớn và gắn bó mật thiết đối với cách mạng Việt Nam, V.I. Lênin - người thầy của giai cấp vô sản thế giới, có vị trí đặc biệt quan trọng, ông không chỉ là người kế tục trung thành và phát triển sáng tạo cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác: Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học; làm cho chủ nghĩa Mác trở nên “hoàn bị nhất, sâu sắc nhất”, là “vũ khí lý luận sắc bén”, “công cụ nhận thức vĩ đại” để nhận thức và cải tạo thế giới mà còn là người sáng lập Đảng Cộng sản Nga và Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại, mở ta thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chống V.I. Lênin, phủ nhận học thuyết của ông, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và phản động hy vọng đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta: chủ nghĩa Mác - Lênin, hạ thấp uy tín của Bác Hồ - Người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và có công lớn trong việc truyền bá học thuyết này vào Việt Nam, gieo hạt giống cộng sản trên quê hương, đất nước mình và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

Không dừng lại ở đó, chúng còn xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của V.I. Lênin, hạ thấp uy tín, tầm ảnh hưởng của tấm gương mẫu mực về đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trước sự tấn công từ nhiều phía của “các loại kẻ thù” chống phá chủ nghĩa Mác. Qua đó, xóa bỏ quan niệm về chủ nghĩa Lênin và mối quan hệ giữa chủ nghĩa Lênin với chủ nghĩa Mác; phủ nhận luận thuyết: chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vị toàn thế giới.

Với ý nghĩa đó, chúng muốn chia tách, làm thoát ly toàn bộ học thuyết của Lênin khỏi chủ nghĩa Mác; xóa bỏ vai trò, sự hợp thành di sản lý luận của chủ nghĩa Lênin với di sản lý luận của chủ nghĩa Mác, cắt đứt sợi chỉ đỏ xuyên suốt, sự kết nối biện chứng giữa chủ nghĩa Lênin với chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo đó, mưu đồ sâu sa, thủ đoạn độc địa của các thế lực thù địch là phủ nhận quá trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, đến gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận giá trị và ý nghĩa sự kiện Người tiếp cận và trở thành người mác xít chân chính từ khi đọc được bản Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng các các tác phẩm khác của V.I. Lênin.

Với thái độ, hành vi xuyên tạc lịch sử, một số kẻ xấu đã coi V.I. Lênin “chỉ là nhà chính trị”, “nhai lại chủ nghĩa Mác”, đối lập V.I. Lênin với C. Mác, học thuyết của V.I. Lênin với học thuyết của C. Mác và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã cũ, lỗi thời, không còn giá trị; “Cụ Hồ không có quan hệ gì với Lênin”, “tư tưởng Hồ Chí Minh là hỗn tạp ý thức hệ phương Đông - phương Tây”. Đây là điều bịa đặt hoàn toàn vô lý, không thể chấp nhận, cần phải phê phán, kiên quyết bác bỏ.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cực lực phản đối mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin dưới mọi chiêu thức. Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị thế, giá trị và ý nghĩa của V.I. Lênin, của chủ nghĩa Lênin, coi chủ nghĩa Lênin là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng nhất quán khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tưởng, kim chủ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Qua đó, nghiêm túc học tập tấm gương mẫu mực của V.I. Lênin về đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác cũng như phong cách vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của cách mạng.

V.I. Lênin là tấm gương mẫu mực về tinh thần kiên quyết đấu tranh phê phán, bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch và mọi tổ chức chính trị phản động để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác có sức sống mãnh liệt trên cơ sở bổ sung, phát triển những tri thức lý luận mới. Bằng thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã chứng minh chủ nghĩa Mác không phải là hệ thống lý luận khép kín, giáo điều; cũng không phải là những tín điều cứng nhắc, bất động mà là nền tảng tư tưởng, kinh chỉ nam cho hành động cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Bônsêvích (b) Nga và thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là minh chứng thuyết phục nhất đã bác bỏ mọi sự bịa đặt, giả dối của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động.

Sau 74 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành thành trì phe xã hội chủ nghĩa, là quốc gia rộng lớn chiếm 1 phần sáu diện tích thế giới, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng, do những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị của ban lãnh đạo Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô đã sụp đổ; thành quả cách mạng bằng xương máu của nhân dân và chiến sĩ đã không còn. Song, không vì thế mà một số người đã vội cho rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin đã cáo chung, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ”; cũng không nên cho rằng tiến trình lịch sử đã bị đảo lộn, lịch sử bị “ngưng đọng”, “thụt lùi”. Những tổn thất từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Đông Âu và Liên Xô chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội. Nhưng nó không thể và không bao giờ xoá bỏ được cống hiến của V.I. Lênin và lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại cũng như mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Điều đó đã cảnh tỉnh, cảnh báo một số người tin theo và a dua với các thế lực phản động về sự ca ngợi, tán dương chủ nghĩa tư bản - chế độ áp bức, bóc lột người bởi chủ nghĩa tư bản không phải là tương lại của nhân loại tiến bộ.

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đã đem lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc: Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản, luôn độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đổi mới nhận thức, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho phù hợp với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là minh chứng khẳng định rằng, nếu “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, chắc chắn sẽ rơi vào sai lầm. Điều đó cho thấy rằng, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải tỉnh táo, sáng suốt, phải hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc mácxít - lêninnít. Đó là điều giải thích vì sao trước những khó khăn, thách thức của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một đều khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Những kẻ bôi nhọ V.I. Lênin, chống đối chủ nghĩa Mác - Lênin là những kẻ không có trái tim, không có danh dự và liêm xỉ, vi phạm pháp lý, đạo lý sẽ bị toà án lương tâm và pháp luật Việt Nam trừng trị đích đáng./.

Trần Quang Huy

Nguồn: hương sen việt

Address

Trần Hưng Đạo
Long Xuyên

Telephone

+84934067672

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when An Ninh Đối Ngoại - Vì Nhân Dân Phục Vụ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to An Ninh Đối Ngoại - Vì Nhân Dân Phục Vụ:

Share



You may also like