16/08/2024
Ông Thích Chân Quang không có bằng cấp 3 nhưng lại có bằng tiến sĩ luật?
Theo đó, ông Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang, không có tên trong danh sách thi Tốt nghiệp Bổ túc Văn hóa cấp 3, của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có đến 2 bằng cử nhân và 1 bằng tiến sĩ.
RFA cho biết, trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông Việt đã có bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh, vào năm 2001, tại trường Đại học Ngoại ngữ – nay là trường Đại học Hà Nội. Ông này cũng tốt nghiệp cử nhân ngành Luật văn bằng 2, năm 2019, tại trường Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường, năm 2021, và được trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Hành chính, năm 2022.
RFA cũng cho biết, tháng 6/2024, khi mạng xã hội loan truyền về việc ông Việt hoàn thành chương trình đào tạo, và nhận bằng tiến sĩ chỉ trong 2 năm, Đại học Luật Hà Nội đã phát đi thông báo rằng, ông Việt đã có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo.
RFA dẫn nhận xét của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, rằng, với kết luận của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, thì:
“Điều đó có nghĩa, bằng của ông Vương Tấn Việt là bằng giả.”
“Theo nguyên tắc luật pháp đã được công bố, những người có gian dối về bằng cấp như vậy, thì cái bằng tiếp theo sẽ bị tước… Như vậy, ông ta sẽ bị tước 2 bằng đại học và 1 bằng tiến sĩ.”
Theo RFA, chuyện bằng giả ở Việt Nam từng gây xôn xao dư luận vào năm 2020, khi trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội cấp bằng cử nhân giả cho 193 người, không qua tuyển sinh và đào tạo. Trong đó, 55 người sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
RFA dẫn nhận định của Giáo sư Mạc Văn Trang:
“Theo luật pháp, khi bằng tốt nghiệp phổ thông không có, mà lại đi học đại học để lấy bằng đại học, thì bằng đại học đó không có giá trị. Mà bằng đại học không có giá trị thì cái bằng thạc sĩ cũng không có giá trị. Bằng thạc sĩ không có giá trị thì cái bằng tiến sĩ cũng không có giá trị.”
“Thế nhưng, những cơ sở đào tạo về sau cũng không có khuyết điểm, bởi vì người ta không biết được cái bằng đầu tiên là bằng giả. Như thế, chỉ có nơi cấp bằng đầu tiên là bằng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
“Chính nơi cấp bằng giả Tốt nghiệp Phổ thông Bổ túc Văn hóa, ở thành phố Hồ Chí Minh là tội nặng nhất.”
Vẫn theo RFA, hình ảnh được báo chí nhà nước và mạng xã hội đăng tải trước đó, cho thấy, tấm bằng Tốt nghiệp cấp 3 Bổ túc Văn hóa của ông Vương Tấn Việt, được cấp ngày 12/7/1989, do Phó Giám đốc Sở Giáo dục ký. Theo đó, ông Việt đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp vào ngày 6/6/1989.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Đào tạo hôm 13/8 phản hồi, ông Việt không có tên trong danh sách dự thi, và không có bảng ghi tên, ghi điểm, trong kỳ thi Tốt nghiệp Bổ túc Văn hóa cấp 3 năm 1989, của Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng Tốt nghiệp cấp 3 Bổ túc Văn hóa, khóa 6/6/1989, của Sở Giáo dục Đào tạo này.
RFA dẫn lời Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, cho biết:
“Ở Việt Nam cũng không chấp nhận chuyện bằng giả. Vẫn có quy định để chế tài việc làm giả những giấy chứng nhận, tài liệu của nhà nước. Đó là tội hình sự nặng, chứ không nhẹ đâu. Nhưng rõ ràng là có cầu thì mới có cung.
Điều đáng nói là, không chỉ người dân có nhu cầu bằng giả, mà chính cán bộ là đối tượng mua bằng giả khá nhiều. Họ cần bằng cấp để thăng quan tiến chức, hoặc hợp thức hóa cái chức vụ hiện hành của họ.”