Lời Và Cuộc Sống

Lời  Và Cuộc Sống Salesian Don Bosco Việt nam

SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINHLÊN ĐƯỜNG TRONG HY VỌNG  🌟------------“Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu?”...
02/01/2025

SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH
LÊN ĐƯỜNG TRONG HY VỌNG 🌟
------------
“Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu?”(Mt 2,2)
Nhiều người trong chúng ta đã từng thực hiện những cuộc hành trình dài. Suốt quãng đường đi, có khi xảy đến những trục trặc và gian nan mà chúng ta không thể lường trước. Song một khi đã đến đích, mọi nhọc nhằn sẽ mau chóng tan biến. Niềm vui lúc về tới đích sẽ hóa giải tất cả những mệt nhọc của cuộc hành trình đã đi qua. Nếu lên đường trong hy vọng, cuộc hành trình cho dù dài đến mấy hay gian khổ đến đâu, cũng không làm chúng ta nản lòng hay bỏ cuộc. Hy vọng là động cơ giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn trong bất cứ cuộc hành trình nào.

Theo Tin Mừng Matthêu, các nhà đạo sỹ biết họ sẽ thực hiện một cuộc hành trình dài để đi về đâu, và họ biết “con trẻ” mà họ sẽ kiếm tìm là ai? Vì vậy, họ hỏi “Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao lạ khi nó mọc, và chúng tôi đến để triều bái, dâng lễ phẩm cho Ngài”. Cha Raymond E. Brown S.S nhắc cho chúng ta biết rằng, vượt xa những thực tại lịch sử nơi cuộc hành trình của ba vị đạo sĩ, Tin mừng Matthêu còn vén mở cho chúng ta thấy những thực tại linh thiêng sâu xa hơn. Kinh Thánh của người Do Thái đã tiên báo về thực tại đó, và đây là lúc khải thị cho thế giới lương dân biết về sự tỏ hiện thần linh của chính Đức Giêsu Đấng Messia, Đấng mà người Do thái vẫn được nhắc đến, và họ vẫn luôn mòn mỏi đợi chờ.

Tuy nhiên, dọc suốt quãng đường dài từ Ba Tư, Babylon hay Ả Rập, chúng ta hỏi xem các vị đạo sĩ đã trải nghiệm điều gì khi họ đặt chân đến Bêlem? Cuộc hành trình vất vả, dài đằng đẵng có làm cho họ nản lòng muốn quay trở về hay không? Matthêu không đặt chú tâm vào cuộc hành trình khá gian nan đó, và Thánh ký chỉ muốn nhấn mạnh rằng, cuối cùng các vị đạo sĩ đã đến, đã gặp gỡ được Hài nhi Giêsu và đã khám phá ra nguồn mạch ơn cứu độ.

Tuy nhiên, khi đến Belem, họ vẫn còn thiếu một cái gì, nên đã đến với Hêrôđê để hỏi ông ta. Điều họ thiếu, chính là nội dung mạc khải đã được công bố từ lâu cho người Do Thái như Tin Mừng Matthêu trình thuật lại, được trích dẫn qua lời các ngôn sứ (Mi 5,1 và Sam 5,2): “Hỡi Bethlem, đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel sẽ ra đời”.

Riêng đối với ba vị đạo sĩ, khi họ thấy ngôi sao lạ lại xuất hiện, họ rất vui mừng. Bước vào nhà, họ gặp thấy con trẻ cùng với Maria thân mẫu Ngài. Họ quỳ gối tiến dâng lễ phẩm, rồi họ mở tráp, lấy ra vàng, mộc dược, nhũ hương để dâng kính’. Nếu lên đường ngập tràn trong hy vọng, thì những thất vọng và lo âu sẽ được hóa giải hoàn toàn, khi chúng ta đã đạt đến đích điểm của cuộc hành trình.

Họ sẽ trở về nhà cẩn trọng hơn, vì đã được báo mộng đừng trở lại với Hêrôđê. Chúng ta sẽ không sai khi kỳ vọng rằng con người của họ đã được biến đổi khi trở về, bởi vì họ đi về mang theo một ánh sáng mới. Chúng ta so sánh ba vị đạo sĩ với Hêrôđê, hai hình ảnh hoàn toàn tương phản. Hêrôđê cũng biết Kinh Thánh. Ông ta cũng muốn gặp Vua người Do Thái mới sinh, nhưng lộ trình mà Hêrôđê gợi ra chỉ là con đường chìm trong tăm tối và tuyệt vọng. Hài nhi Giêsu, đã trở nên như một mối đe dọa đối với quyền lực và ngai báu của ông ta. Giêsu là niềm hy vọng cho con người và cho thế giới, nhưng niềm hy vọng đó đã bi Hêrôđê hủy diệt và bóp chết ngay từ trong tâm hồn chai cứng của ông ta.

Có lẽ, các nhà đạo sĩ đã phải đối diện với những câu hỏi được đặt ra: tại sao họ lại phải vất vả đi khá xa như thế, đến tìm Hài Nhi mới sinh để làm gì? Tại sao họ lại đi theo ánh sao lạ? …Để trả lời, chúng ta có thể tóm kết rất giản đơn: Con đường mà họ đã đi qua để đến Belêm là “Con đường của hy vọng”. Đây là con đường không phải chỉ dành riêng cho họ, mà cho mọi người. Cha Brown suy tư tiếp về cuộc hành trình ấy: “Nơi ba vị chiêm tinh, Matthêu nhìn ra sự hiện thực lời hứa của chính Đức Giêsu. “Tôi nói cho các ông biết, nhiều người từ đông sang tây sẽ được ngồi đồng bàn với Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11). Cuối cùng, các vị đạo sĩ là chuẩn mẫu để chúng ta cùng bắt chước, cùng dấn bước trên một lộ trình thật sự. Lộ trình đó không phải dẫn chúng ta đi xa, xa mãi, nhưng là lối bước đưa dẫn chúng ta trở về nhà với Chúa. Đây chính là Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy thân phận con người và đến cư ngụ giữa chúng ta trong dáng dấp của một thơ nhi bé bỏng. Chính thơ nhi đó sẽ chỉ cho chúng ta con đường về nhà của mình.

John.W.Martens.

GB Văn Hào SDB chuyển ngữ

SUY NIỆM LỜI CHÚA – LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA ( 1/1)TÌNH YÊU ĐẮM CHÌM TRONG SUY NIỆM.--------“Đức Maria ghi nhớ những đ...
30/12/2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA – LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA ( 1/1)
TÌNH YÊU ĐẮM CHÌM TRONG SUY NIỆM.

--------

“Đức Maria ghi nhớ những điều đó, và suy niệm trong lòng”
(Lc 2,19).

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mầu nhiệm nhập thể giống như việc Thiên Chúa cùng hợp tác với Đức Maria, khi đem một nhiễm sắc thể thần linh Y phối hợp với một nhiễm sắc thể nhân loại X, để tượng hình nên Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Quan niệm sai lầm này xem Đức Giêsu chỉ là một sản phẩm được giao phối cách nhiệm mầu, giống như chuyện thần thoại về Hercules, chứ không phải là Đấng Cứu Thế như Kinh Thánh mô tả. Trong một khảo luận, tôi đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm này và trình bày như sau: “Lãnh vực vô hạn siêu nhiên và chân trời vô hạn vượt xa lý luận của đầu óc con người, đã hiển thị nơi Đức Giêsu Nazareth, từ lúc hoài thai trong cung lòng mẹ Maria.”

Lễ trọng mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đưa dẫn chúng ta đến những chân lý quan trọng về mầu nhiệm liên quan đến Đức tin, mà chúng ta chẳng cần nhọc công vắt óc để suy nghĩ làm gì. Chúng ta gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” và chúng ta xác tín như thế, không phải vì Thiên Chúa đã nắn hình tượng Đức Giêsu trong cung lòng Đức Maria, và phủ bao một thực thể thần linh vào trong thai nhi đó. Chúng ta xác quyết, người con của Đức Maria mang bản tính Thiên Chúa tròn đầy ngay từ ban đầu. Cho dầu có hai bản tính, Đức Giêsu Kitô vẫn là một hữu thể đơn biệt, và Đức Maria vẫn là Mẹ của Ngài cách thực sự.

Nếu điều này thách đố những suy tưởng của chúng ta, chúng ta hãy nhìn lên để cung chiêm “Người Mẹ được chúc phúc” như Tin mừng Luca nói tới. Thánh ký dẫn mời chúng ta đến chuồng bò ở Belem. Các mục đồng chăn chiên ở gần đó đã đến ngắm nhìn đứa trẻ mới được sinh ra, là Đấng Messia và cũng là Đức Chúa mà Thiên Thần đã loan báo. Luca kể lại rằng, các mục đồng đã thuật lại những điều đã được khải thị về trẻ thơ này. Sau đó, các thiên sứ từ trời ca hát rộn ràng ngợi khen Thiên Chúa. Luca đã tóm tắt thái độ của “Người Mẹ Được Chúc Phúc” bằng một câu rất giản đơn : Đức Maria ghi nhớ những điều đó, và suy ngắm trong lòng.

Kinh Thánh kể tiếp biến cố cắt bì cho trẻ Giêsu, tám ngày sau khi sinh. Điều này khá quan trọng. Việc cắt bì của Đức Giêsu dẫn chúng ta đến nội dung mà bài đọc thứ hai đề cập tới. Thánh Phaolô cho chúng ta biết, Đức Giêsu “được sinh ra dưới lề luật để chuộc những ai sống dưới lề luật”. Ngài huấn thị cho tín hữu Galát biết rằng, lề luật được trao ban đã được Thiên Chúa chúc lành, và đó là con đường giúp tôi luyện con người vươn tới sự thánh thiện. Nhưng lề luật cựu ước chỉ là cái khung bên ngoài để uốn đúc. Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài mới hoàn thiện lề luật, mặc cho lề luật một chiều kích mới, hầu đưa dẫn con người đến sự sống trong Thần Khí. Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta biết rằng chỉ trong Thần Khí, Thần khí lưu ngụ sâu tận trong tâm hồn mỗi người, chúng ta mới có thể đi vào mối tương giao mới, rất sâu xa và thân tình với Thiên Chúa. Ngụp lặn trong mối tương giao thân tình đó, chúng ta gọi Chúa là “Abba, Bố ơi,”.

Cuối cùng, Thánh Luca kể lại câu chuyện đặt tên cho trẻ Giêsu, tên mà thần sứ Gabriel đã nói cho Đức Maria trong ngày truyền tin. Tên gọi Giêsu (Yeshua) có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Điều này hàm ngậm một ý nghĩa sâu xa. Trong Kinh Thánh, tên gọi biểu thị quyền bính của một con người hay một nhân vật. Tên gọi cũng diễn tỏ căn tính người đó như thế nào, và điều này rất rõ nét trong biến cố đặt tên con trẻ Giêsu. Thật là điên khùng và xuẩn ngốc, khi bạn đặt tên cho con của mình là “Chúa cứu” như Gabriel đã nói, khi con của bạn chỉ là một đứa bé bình thường giống như bao đứa trẻ khác.

Đức Maria lưu giữ những điều đó và gẫm suy trong lòng. Mầu nhiệm nhập thể cũng như vai trò làm Mẹ Đấng Cứu thế, không phải là những vấn đề mà Đức Maria phải nhọc công suy nghĩ hay cố phân tích hầu tìm ra những lý lẽ để giải trình. Thánh Luca kể lại, Đức Maria đã đi vào thế giới của mầu nhiệm, chỉ với một thái độ duy nhất : Suy niệm trong lòng. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, thái độ đó gợi nhắc chúng ta điều gì.

Tôi xin được gợi lên hai suy tư. Điều thứ nhất, tôi nghĩ tưởng đến biến cố Giáng sinh với một cảnh tượng huy hoàng bao trùm cả vũ trụ. Các Thiên thần trên trời hát xướng, cùng hòa niềm vui với những khách hành hương nghèo xác nghèo xơ, là những đứa trẻ chăn trâu ngoài đồng, những con người thấp cổ bé họng đang bị xã hội bỏ rơi. Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng đến việc Thiên Chúa thường hay thực hiện những ơn sủng phi thường của Ngài xuyên qua những biến cố rất bình thường trong cuộc sống con người. Tôi cũng từng trải nghiệm niềm vui phục sinh mọi nơi mọi lúc. Ví dụ khi tôi nhìn vào cô Rose Marie, một phụ nữ đã thiết lập một ngôi nhà mở để tiếp đón những người bất hạnh, và cô gọi đó là “ Ngôi nhà Lắng nghe”. Cô thực sự yêu thương những người đang sống tại đó, trong đó có cả những người say sưa nghiện ngập, những người ngang ngược, có khi còn chửi bới, đay nghiến cả cô ta nữa. Làm thế nào cô ta lại có tấm lòng như thế. Cô gái muốn khơi dậy niềm hy vọng nơi những con người bất hạnh và tuyệt vọng, giúp họ suy nghĩ là họ vẫn có quyền được yêu thương giống như những con người khác. Đó thực sự là một quà tặng lớn lao, và đây cũng là một phép lạ của tình yêu đang xảy ra trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay.
Thứ đến, chúng ta cũng có thể suy niệm về vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với chính chúng ta. Qua người môn đệ được Chúa yêu, chúng ta đón nhận Đức Maria về nhà mình : “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27). Chúng ta sẽ tôn nhận Đức Maria là Hiền Mẫu, bao lâu chúng ta còn đón nhận Đức Giêsu như là Chúa và là người anh cả của chúng ta. Chúng ta đón nhận Mẹ, khi chúng ta nhận ra rằng tình yêu hiền mẫu của Ngài đang lan tỏa trong cuộc đời chúng ta để Vương quốc Đức Giêsu, người con yêu dấu của Mẹ, được ngập tràn nơi cuộc sống mọi người.

Sẽ còn nhiều điều chúng ta cần phải lưu giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Peter Feldmeier.

Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Suy niệm Lời Chúa - Lễ Thánh Gia Gia đình là trường học đầu tiên dạy ta lớn khôn thành người -----------Có một triết gia...
23/12/2024

Suy niệm Lời Chúa - Lễ Thánh Gia
Gia đình là trường học đầu tiên dạy ta lớn khôn thành người
-----------
Có một triết gia nọ đã nhận định: “Cuộc sống con người chúng ta được đan dệt bằng biết bao huyền nhiệm. Có những cái đơn sơ nhất lại trở thành những điều khó hiểu nhất. Có những sự việc xem ra rất tầm thường lại hàm ngậm những thực tại quá cao cả và phi thường”. Nhận xét đó rất đúng với Thánh gia thất mà hôm nay Giáo hội mừng kính.

Cộng đoàn bé nhỏ này có ba thành viên: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Cuộc sống gia đình ấy rất đơn sơ và bình dị tại miền quê Zazareth, nhưng đó lại là một Thiên đàng thu nhỏ ở trần gian để chúng ta cung chiêm và học hỏi.

Ba khuôn mặt nhỏ diễn bày ba bài học lớn

Trước hết chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, thành viên nhỏ nhất nhưng cũng là nhân vật lớn nhất mà cả gia đình Nazareth quy chiếu vào. Nếu không am hiểu Kinh thánh, chúng ta dễ kết án Chúa Giêsu như một cậu bé thích nổi loạn và toan tính thoát ly. Một đứa trẻ mới 12 tuổi đầu đã trả lời bố mẹ có vẻ hơi ‘xấc’: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Đứa bé đó sau này lớn lên lại tuyên bố một điều xem ra có vẻ còn ngang ngược hơn nữa: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi. Đó là những ai thi hành ý của Cha tôi”. Rồi Đức Giêsu chỉ vào các môn đệ và công khai nói trước mặt mọi người : “Đây là mẹ và anh em tôi”. Đứa trẻ này mang dáng dấp của một quý tử dường như muốn nổi loạn và đang làm cuộc cách mạng để ly thoát khỏi sự cương tỏa từ nơi gia đình. Nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta phải có cái nhìn toàn diện để có thể khám phá ra đứa trẻ ấy là ai và tại sao lại có lối hành xử xem ra khác thường như thế. Chúng ta cũng phải truy tầm lý do tại sao đứa trẻ khó hiểu ấy lại sống giữa một gia đình nhân loại như chúng ta và sống ẩn dật như thế để làm gì. Đây là một mầu nhiệm khó hiểu. Rất khó hiểu ở chỗ, một Thiên Chúa cao cả đã mang lấy kiếp người hèn hạ. Một Đấng Toàn năng cả vũ trụ chứa không nổi lại đến ẩn náu trong một gia đình bé xíu nơi xóm nghèo miền quê Nazareth. Cái tầm thường nhất lại tiềm ẩn những điều phi thường nhất. Điều xem ra quá bé nhỏ lại mang chở những chân trời vĩ đại mà cả vũ trụ không kham chứa nổi.

Thứ đến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria, một thôn nữ quê mùa chất phác và cũng là một bà mẹ quê đơn sơ dung dị. Tin mừng Luca thuật lại quãng đời thơ ấu của Chúa Giêsu, khởi đầu với biến cố dâng Chúa vào đền thờ và kết thúc với sự kiện hai ông bà lạc mất con cũng tại đền thờ Giêrusalem. Cả hai biến cố này đều mang đậm nét bi thương nơi tâm hồn Đức Maria. Lời cụ già Simêon như một mũi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ. Có người mẹ nào lại không xót xa khi lạc mất người con trai yêu dấu? Đức Maria lúc đó không hiểu, hay chính xác hơn là chưa hiểu. Nhưng Thánh Luca đã tóm kết mọi biến cố xảy đến với Đức Maria bằng một thái độ nội tâm căn bản nơi Ngài: “Mẹ Người hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”(Lc 2,51a). Bản tính nhân loại nơi Mẹ đã mở toang cho ân sủng chiếm ngự. Tự nhiên kết hợp với siêu nhiên. Cái tầm thường nhất của cuộc sống bình lặng dân dã đã tiềm ẩn sự phi thường cao cả để khai mở một chân trời vĩ đại và rất nhiệm mầu. Đức Maria là ‘Thầy dạy đức tin’ qua thái độ chiêm niệm này.

Cuối cùng, chúng ta nhìn vào gương mẫu của Thánh Giuse, người gia trưởng hoàn hảo. Đây là con người mà Thánh sử Matthêu đã tóm kết với tước hiệu ‘Người Công chính’. Thánh Giuse ít nói, nhưng chính xác hơn trong cả bốn sách Tin mừng, chúng ta không thấy Thánh Giuse hé miệng thốt ra một câu nào. Thánh Giuse ít nói không phải vì Ngài là một con người bị trầm cảm, hoặc ít giao tế xã hội. Cũng chẳng phải Ngài là một con người lì lợm, có bị đánh đến chết cũng không hé răng. Hoàn toàn không phải thế. Thánh Giuse thinh lặng để diễn bày một tư thế nội tâm sâu xa, và đó là thái độ chúng ta cần phải học hỏi và sao chép. Thánh Giuse đã thinh lặng để có thể nghe được tiếng Chúa. Trong tĩnh lặng của đêm khuya, Giuse đã nghe tiếng sứ thần nói bên tai : “ Đừng ngại đón Maria về nhà”. Cũng trong đêm khuya thanh vắng, Giuse đã nghe Chúa truyền lệnh : “Hãy dậy mau, đem con trẻ Giêsu và Mẹ ngài trốn sang Ai Cập”. Samuel năm xưa cũng đã nghe được tiếng Chúa gọi giữa đêm khuya thanh vắng khi cậu bé ngủ trong đền thờ với thầy cả Hêli. Thiên Chúa vẫn luôn nói với chúng ta qua từng mỗi biến cố, nhưng chỉ khi nào chúng ta biết trở về trong tĩnh lặng của cõi lòng giữa đêm tối, chúng ta mới có thể nghe được tiếng nói của Ngài. Thánh Giuse đã làm được điều đó. Thái độ thinh lặng nội tâm nơi Ngài trở nên chuẩn mẫu để chúng ta noi theo. Trong xã hội Do Thái khi xưa, người bố trong gia đình là nhân vật lớn nhất. Vai trò của ông bố vẫn được xem như là người đại diện cho Thiên Chúa. Người cha chủ tọa các buổi cầu nguyện trong gia đình. Ông chúc lành cho con cái trước khi đi ngủ. Những đứa trẻ Do thái luôn tuân phục cha mẹ, xem ông bố như là họa ảnh của Thiên Chúa trong gia đình mình. Thánh Giuse là gia trưởng, là nhân vật lớn nhất tại Thánh gia, đồng thời Ngài cũng trở nên người nhỏ nhất, luôn thinh lặng xắn tay áo lên, cột áo choàng lại để ra tay phục vụ. Vì vậy phụng vụ Giáo hội vẫn sánh ví Thánh Giuse như một người ‘tôi tớ trung thành’. Đó là hình mẫu người tôi tớ khiêm hạ luôn sẵn sàng trong phục vụ để chúng ta dõi bước.

Đây là ba khuôn mặt lớn trong một gia đình nhỏ, nhưng lại diễn bày ba bài học quan trọng để chúng ta suy nghiệm và học hỏi.
Nhìn vào đời sống gia đình hiện nay

Nhà thơ Trần Thu Miên đã nghiền ngẫm và tóm kết nếp sống gia đình của ông với bốn câu thơ:
‘Đêm nằm nghe vợ thở dài,
Chuyện nhà tan tác chuyện ngoài tả tơi.
Sáng mai ngoác miệng nhìn đời,
Lo cơm lo áo rã rời xác thân’.

Bức tranh thực mô tả cảnh sống các gia đình, chắc chắn mỗi người chúng ta đều đã trải nghiệm và thấu rõ. Cuộc sống gia đình hôm nay được đan dệt với bao hạnh phúc lẫn cay đắng, có khi ngập tràn niềm vui, có khi lại giống như một thứ hỏa ngục khủng khiếp với những bầm dập và tê tái. Văn hào Léon Tolstoi đã viết: “ Các gia đình hạnh phúc thì giống nhau, nhưng các gia đình bất hạnh lại rất khác nhau. Khác nhau về nền tảng, khác nhau về lối sống, cũng như khác nhau về cách ứng xử.” Điểm giống nhau của hạnh phúc là mọi thành viên trong gia đình luôn lấy tình yêu làm quy chuẩn. Còn điểm khác nhau thì rất đa dạng và phức tạp.

Chúng ta được mời gọi nhìn vào gương mẫu nơi Thánh gia thất. Thánh Luca đã tóm kết mẫu gương đó bằng một câu đơn giản: “ Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51). Đây là chuẩn mẫu cho các gia đình của chúng ta. Một người con có vẻ như ‘muốn nổi loạn’ lại trở về quê nhà, sống ngoan thuần giữa một gia đình mộc mạc và hằng vâng phục cha mẹ. Một người cha và một người mẹ vùng quê tuy thất học và nghèo nàn nhưng đã luôn chu toàn bổn phận với một con tim đong đầy yêu thương, để cho đứa con được lớn lên ‘ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 trong một thông điệp ngày quốc tế thiếu nhi đã viết: “ Những gì đã xảy ra cho các trẻ em Do Thái năm xưa bị Hêrôđê giết chết, cũng đang xảy ra cho các trẻ em ngày hôm nay. Các người làm cha làm mẹ hãy bắt chước Thánh Giuse và Đức Maria. Hãy cứu con cái của chúng ta khỏi cái chết đang cận kề, chết vì chiến tranh, chết vì hận thù, nhất là chết dần chết mòn vì nghèo đói và dốt nát.”

Kết luận
Trong một nghĩa trang chôn các thai nhi bên Nhật, người ta treo rất nhiều tấm bảng trên các ngôi mộ trẻ thơ với hàng chữ ‘Con hãy tha thứ cho mẹ’. Những đứa trẻ đã bị giết một cách tàn nhẫn ngay từ trong bụng mẹ, không phải do bạo lực hay chiến tranh. Chính những người cha người mẹ ích kỷ và ác độc đã nhẫn tâm giết chết con của mình. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã nói : “Một người mẹ nhẫn tâm giết chết đứa con thì không một tội ác nào mà họ lại không dám làm”. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ cho những tội ác của con người, trong đó có cả chính chúng ta, những người cha người mẹ đã lỡ giết chết con cái mình qua nhiều dạng thức khác nhau. Chúng ta hãy nhìn lên gương mẫu của Thánh gia thất để học hỏi về đời sống gia đình, bởi vì gia đình của chúng ta phải trở nên ‘cái nôi nuôi dưỡng tình yêu’, và gia đình cũng phải là ‘trường học đầu tiên dạy ta lớn khôn thành người’ (tư tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2). Trường học này được phác vẽ nơi Thánh gia thất mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

GB Văn Hào, SDB

Suy niệm Lời Chúa - Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)“Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Jn 1,1)-------------Lời nói là cách diễn đ...
23/12/2024

Suy niệm Lời Chúa - Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày)
“Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Jn 1,1)
-------------
Lời nói là cách diễn đạt sự tương kính của chúng ta đối với một ai, trân trọng họ hay khẳng định sự hiện hữu của họ. “Lời” là một ý niệm sâu xa, phong phú và rất mạnh mẽ. Lời nói để đổi trao, để tiếp cận mọi người, và cũng là một phương cách mà ai ai cũng sử dụng. Nhiều tín đồ Ấn giáo cho rằng, vũ trụ được hình thành và duy trì bằng sức mạnh của Lời (Sanskrit). Cũng thế, triết gia Platon cho rằng Lời (logos) là nguyên lý chủ đạo, nhờ đó thế giới được tạo thành cách linh thiêng. Philo, một học giả lỗi lạc thuộc thế giới Do Thái cổ xưa, đã xem Lời như là nguyên lý vận hành mà Thượng đế đã dùng để điều quản vũ trụ.

Cựu ước cũng diễn tả sức mạnh của Lời với những dạng thức kỳ diệu khác nhau. Lời khiến moi sự được tạo thành. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời của Ngài. “Hãy có ánh sáng” và liền có ánh sáng. Giacóp đón nhận phúc lành từ Isaac thế chỗ của Esau. Khi lời chúc phúc được ban ra, lời đó không thể rút lại, và Giacóp hưởng nhận sự chúc lành từ thân phụ mình. “Lời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là sự mạc khải của Thiên Chúa, và sâu xa hơn, “Lời” chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc sống con người.

Hiểu ý nghĩa sâu xa của hạn từ này, chúng ta sẽ không lạ gì khi Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng xác quyết: “Thuở ban đầu đã có Lời, và Lời ở với Thiên Chúa, Lời chính là Thiên Chúa”. Sau đó Thánh Gioan giải thích: “Mọi sự đều có qua Ngài. Nhờ Ngài, có sự sống, và sự sống chính là ánh sáng cho nhân loại”. Hơn nữa, đó chính là nguồn mạch sự khôn ngoan của vũ trụ.

Thánh Gioan nói tiếp về một điều rất kỳ diệu và khó hiểu: “ Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đây không phải là sự đánh đố đối với đầu óc con người. Ở đây, Gioan nói về một việc xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng đã thành sự thật, đó là “sự kết hợp tuyệt đối giữa Đấng Tạo Thành với thụ tạo, giữa vĩnh cửu với hữu hạn, giữa thực thể hay chết với Đấng Hằng Sống”, vì ‘đối với Chúa, không có gì là không thể làm được’ (Mt 19,26) . Thần học gia Karl Rahner SJ đã có lần suy tư như sau: “Thiên Chúa là Đấng chúng ta không thể hiểu biết, và cũng là đấng mạo hiểm trong tình yêu. Ngôi Lời đã quá mạo hiểm và liều lĩnh khi đi vào thời gian để trở nên một người phàm giữa chúng ta”.

Với suy nghĩ đó, câu nói “Tôi ngỏ lời với bạn” mang một chiều kích tổng thể khác sâu xa hơn. Thiên Chúa ban Lời của Ngài cho con người, không chỉ nói về sự tương kính, hay nói về sự hiện hữu của Ngài, nhưng còn sâu xa hơn rất nhiều. Lời đã tạo thành mọi sự, và Lời chính là ánh sáng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng trao ban chính Ngài cho con người.

Khi chiêm ngắm Hài Nhi tại máng cỏ Bêlem, chúng ta cũng phải suy nghĩ về cuộc mạo hiểm trong tình yêu của Thiên Chúa với cách thái độc đáo của Ngài. Thiên Chúa đã trở nên người phàm, một sinh linh mỏng dòn yếu ớt để mang ánh sáng soi dọi những chỗ tăm tối nơi phận người. Thiên Chúa đã liều lĩnh, và sự liều lĩnh đó đáng giá biết bao. Gioan đã từng nói về sự nhập thể của Thiên Chúa như là sự đối kháng giữa tình trạng trở nên con Thiên Chúa so với tình trạng một con người bị lạc mất giữa bóng đêm. Gioan cũng nói cho chúng ta biết rằng, những ai tin vào Ngài sẽ được thấy ánh sáng, được đầy tràn ân sủng và sự thật, đầy dư ân sủng trong chính nguồn ơn sủng vô biên, và những ai ở trong bóng tối ‘sẽ không biết Ngài’. Ngôi Lời của Thiên Chúa thách đố chúng ta trước những chọn lựa cho cuộc sống mình khi chiêm ngắm thực tại này.

Thánh Gioan vạch rõ cho ta thấy, sứ điệp ngày lễ Giáng sinh không phải chỉ là sự giáng sinh của Ngôi Lời đến giữa chúng ta, nhưng còn đề cập đến sự sinh ra của chính mỗi người chúng ta trong Thiên Chúa. Trong dịp lễ Giáng sinh, không phải chúng ta chỉ dừng lại nơi máng cỏ Belem. Niềm tin mời gọi chúng ta rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh sáng. Cuộc sống chúng ta được ngập tràn ánh sáng, và chúng ta sẽ sống trong ánh sáng đó. Ánh sáng thần linh sẽ rực lên khi chúng ta diễn bày lòng yêu thương đối với cận nhận chung quanh. Ánh sáng đó sẽ chói lọi khi chúng ta đem lòng trắc ẩn, bảo vệ những người cùng khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, những người thấp cổ bé họng, những người lang thang không nhà cửa. “Hãy nhớ, anh em cũng đã từng là những khách ngoại kiều” (Xh 22,21). Ánh sáng đó cũng thắp lên niềm vui được sẻ chia, khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sao chép lại tình yêu của Ngài, Đấng đã tự hư vô hóa mình để chúng ta được thông dự vào Thần Khí thánh thiêng và được chia sẻ vinh quang của chính Thiên Chúa.

Với lời cầu nguyện trong đêm Giáng sinh, chúng ta xin Ngôi Lời, Đấng đã tác thành chúng ta, cũng soi dọi ánh sáng vào cuộc sống mỗi người, để Ngài cũng đến và cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa “Nói” trong chúng ta, và qua chúng ta, tỏ hiện ánh sáng của Ngài vào chính cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.

Peter Felmeier.
Chuyển ngữ : Văn Hào SDB

SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM CCHIA SẺ NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG----------Gần ngày lễ Giáng sinh người ta th...
18/12/2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C
CHIA SẺ NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
----------
Gần ngày lễ Giáng sinh người ta thường viết những cánh thiệp để gửi trao cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Chúng ta chúc nhau một mùa Giáng sinh vui tươi và an lành. Lễ Chúa Giáng sinh là ngày lễ của hoan vui và niềm vui đó cần được chia sẻ. Hình ảnh Đức Maria đến thăm bà chị họ Elizabeth mà Giáo hội gợi lên trong phụng vụ hôm nay phác họa cho chúng ta khuôn mẫu này. Mẹ đã được Đức Giêsu đến ẩn cư trong cung lòng và nếm cảm niềm vui sâu xa khi thuộc trọn về Chúa. Sau đó Mẹ lại ‘hối hả lên đường’ để chia sẻ niềm vui ấy với bà chị họ. Niềm vui nơi những tâm hồn được Chúa chiếm ngự cần được sẻ chia.

𝐍𝐢𝐞̂̀𝐦 𝐯𝐮𝐢 𝐜𝐮̉𝐚 𝐓𝐢𝐧 𝐦𝐮̛̀𝐧𝐠 – 𝐆𝐚𝐮𝐝𝐢𝐮𝐦 𝐄𝐯𝐚𝐧𝐠𝐞𝐥𝐢𝐢

Đức Giêsu đi vào trần gian, là niềm vui Tin mừng lớn nhất được trao ban cho nhân loại. Mẹ là người đầu tiên đã nếm trải niềm vui đó. Vì vậy, vừa khi gặp mặt người thân, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi”. Niềm vui sâu tận Mẹ đã trải nghiệm phát xuất từ một tâm hồn để cho Thánh Thần tác động và sống theo sự chỉ dẫn của Thần Khí. Nói cách khác, sau lời thưa xin vâng, Mẹ đã thoát vượt mọi sợ hãi, hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa và đắc thủ được niềm vui của Tin mừng cách trọn vẹn khi mang chở Đấng Cứu thế trong cung lòng mình. Vì thế Giáo hội chọn đoạn thư Do thái trong phụng vụ hôm nay (bài đọc 2) để quảng diễn ý tưởng này. Tác giả thư Do Thái nói về sự vâng phục của Đức Giêsu khi đi vào trần gian, và đó là nguyên mẫu cho thái độ khiêm tốn của Đức Maria, cũng như sự tuân phục nơi chúng ta. “Bấy giờ con thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 6). Đức Giêsu đã đến trần gian để công bố cho chúng ta Tin mừng của ơn cứu độ và Ngài cũng chính là Tin mừng được hiến ban cho nhân loại.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tâm điểm của Tin mừng, đó là rao giảng về niềm vui khi được Thiên Chúa thương xót ( x. số 34 - 36 ). Có lẽ Đức Thánh Cha cũng muốn mời gọi chúng ta học nơi thái độ nội tâm của Mẹ, bởi vì Đức Maria là người đầu tiên nếm cảm niềm vui của lòng thương xót này: “ Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài”. Mẹ đã sở đắc được niềm vui của Tin mừng là chính Đức Giêsu. Chìa khóa để có được niềm vui ấy là Mẹ đã biết khiêm tốn trải lòng mình ra để Thánh Thần phủ ngập và hoàn toàn quy thuận theo đường lối của Thiên Chúa.

Càng khiêm tốn, con người càng đạt đến sự toàn hảo. Kiêu căng, tự mãn sẽ nảy sinh ghen ghét và đố kỵ. Cha Thomas Merton đã định nghĩa: “ Hỏa ngục là nơi tập trung sự ghen ghét”. Nơi đó dành cho Luxiphe và bè lũ của nó vì nó đã kiêu căng chống lại Thiên Chúa. Ngược lại, Thiên Đàng đã bắt đầu khai mở nơi tâm hồn Đức Maria vì Mẹ đã hoàn toàn khiêm tốn ẩn náu dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa và nếm cảm lòng thương xót của Ngài.

𝐂𝐡𝐢𝐚 𝐬𝐞̉ 𝐧𝐢𝐞̂̀𝐦 𝐯𝐮𝐢 𝐯𝐚̀ 𝐥𝐨𝐚𝐧 𝐛𝐚́𝐨 𝐓𝐢𝐧 𝐦𝐮̛̀𝐧𝐠.

Niềm vui chân thật như một dòng chảy bất tận. Nó không thể bị quây kín và nhốt chặt lại. Niềm vui cần phải được chia sẻ và trao ban. Điều đó chúng ta thấy thật rõ nét nơi Đức Maria. Chúng ta đừng hời hợt xem việc Đức Maria đến thăm bà Elizabeth chỉ như một nghĩa cử thông thường theo tình cảm huyết nhục tự nhiên. Trước hết và trên hết, Mẹ đem Chúa Giêsu là căn nguyên niềm vui đến chung chia với mọi người. Thánh Luca không phải vô tình đã mở đầu trình thuật bằng câu: “Đức Maria hối hả, vội vã lên miền sơn cước”. Mẹ vội vã và háo hức muốn sẻ chia niềm vui ngập tràn nơi tâm hồn mình. Đó cũng là một hình ảnh tuyệt hảo để chúng ta suy nghiệm và thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng trong cuộc sống hôm nay. Trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu phải cảm thấu một cách sâu xa niềm vui như thế và Ngài cũng nhắc nhở Hội thánh phải ‘đi ra’ để làm lan tỏa niềm vui này (số 46-49). Ngài viết “ Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bấu víu vào sự an toàn của mình”. Cũng vậy Đức Maria đã can đảm và liều lĩnh "đi ra ngoài", tiến lên miền núi để đến với người chị họ. Mẹ không ngại bị bầm dập vì đường xa cách trở, vì đồi núi cheo leo. Mẹ còn hối hả vội vã, như thể sợ tuột mất niềm vui muốn được sẻ chia. Những từ ngữ trong trình thuật của Thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay đều mang chở một tính cấp thiết và khẩn trương, vì việc chia sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng là một sứ mệnh khẩn thiết mà chúng ta phải thực thi mỗi ngày, theo gương Đức Maria.

Những ai sống ơn gọi thánh hiến, đều biết rằng thánh hiến và tông đồ luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Những ai thánh hiến trọn vẹn cho Chúa, tất sẽ làm bùng cháy ngọn lửa tông đồ nơi tâm hồn mình. Thánh hiến càng sâu xa, ngọn lửa tông đồ càng mạnh mẽ. Việc tông đồ không có nghĩa là phải giảng thật hay, phải phát động nhiều công việc từ thiện, phải khéo léo tổ chức những sinh hoạt xã hội đa dạng. Tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu những công việc đó không xuất phát từ lòng mến, từ tâm hồn được thánh hiến và thuộc trọn về Chúa. Chúng ta nhớ lại lời dạy của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô. Ngài viết “ Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần mà không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, biết những điều bí mật và mọi lẽ cao siêu, hay có được đức tin đến chuyển núi dời non mà không có đức mến, thì cũng chẳng là gì. Giả như tôi đem hết tài sản của tôi để bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có lòng mến, thì chẳng ích lợi gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3). Phải gắn kết mật thiết với Chúa chúng ta mới có thể thực hành việc tông đồ, vì Thiên Chúa chính là tình yêu, là ‘Đức Mến’ tuyệt đối để chúng ta quy hướng về.

Chúng ta hãy học nơi Đức Maria. Mẹ không ồn ào náo động, không tổ chức những cuộc lễ hoành tráng với cờ xí, kèn trống tưng bừng. Mẹ không mở lớp dạy giáo lý cách rầm rộ, không sinh hoạt trong các đoàn thể, cũng chẳng bao giờ đi làm công tác từ thiện để xóa đói giảm nghèo, bởi vì Mẹ chỉ là một cô thôn nữ bình dị, đơn sơ, cũng chẳng học thức hay tài cán cao sang. Nhưng Mẹ hoàn toàn để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Một việc làm xem ra rất bình thường Mẹ đã thực hiện mà không ai biết đến, là đi thăm người chị họ nơi miền núi cao, không kèn không trống và hoàn toàn âm thầm lặng lẽ. Nhưng chính Đức Maria đã trở thành nguyên mẫu cho chúng ta trong việc chia sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng đến cho mọi người.

𝐊𝐞̂́𝐭 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧:
Chân phước Philip Rinaldi đã nói: “ Thiên Chúa luôn khởi đầu những công trình vĩ đại từ những con người bé nhỏ và ngang qua những công việc rất khiêm hạ”. Điều đó rất đúng khi chúng ta chiêm ngắm dung mạo của Đức Maria được mô tả trong phụng vụ hôm nay. Một nhà tu đức đã nói: “ Chắp tay lại thì rất tốt, nhưng ngửa tay ra vẫn tốt hơn”. Mẹ Maria đã chắp tay lại để thưa lời xin vâng, và ngày hôm nay, Mẹ tiếp tục mở tay ra để đem niềm vui của Tin mừng đến cho người khác. Đó là hình mẫu cho chúng ta trong những ngày gần sát lễ Giáng sinh để chúng ta học nơi Ngài cách thái mừng đại lễ thật sốt sắng và có ý nghĩa.

𝑉𝑎̆𝑛 𝐻𝑎̀𝑜, 𝑆𝐷𝐵.

Address

31 Đường SỐ 2, KHU PHÓ 3, LINH XUÂN
Ho Chi Minh City
84

Telephone

+84972917780

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Lời Và Cuộc Sống posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Lời Và Cuộc Sống:

Videos

Share