19/11/2024
🇻🇳 CÓ MỘT SÀI GÒN QUỐC TẾ 🌎
Khi người Pháp rời đi, "Sài Gòn Quốc tế" bắt đầu hiện lên như một bức chân dung kiến trúc độc đáo. Nhưng một lần nữa, lịch sử đã đưa Sài Gòn trở thành cửa ngõ đón nhận những làn gió văn hóa từ phương Tây kể từ nửa sau thập niên 1950. Cuộc giao thoa mới này đã mở ra một chương mới cho kiến trúc thành phố, mang theo dấu ấn mạnh mẽ của Trào lưu Kiến trúc Hiện đại (Modernism) - một phong trào toàn cầu đang lan tỏa khắp nơi.
🚪 Kiến trúc Hiện đại thực chất đã "gõ cửa" Sài Gòn từ cuối thời thuộc địa với công trình trường Mẫu giáo Chợ Đũi (Ecole Maternelle De Chodui) do kiến trúc sư Leo Craste thiết kế năm 1931 (nay là trường Ten Lơ Man, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ di tích lịch sử cấp thành phố). Tuy nhiên, phải đến sau năm 1954, khi các kiến trúc sư người Việt được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu từ Pháp và Mỹ, trở về, làn sóng hiện đại mới thực sự bùng nổ. Trong hai thập kỷ sau đó, với số lượng vỏn vẹn 147 kiến trúc sư hành nghề, họ đã góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc Sài Gòn, đưa thành phố chuyển mình từ những nét cổ điển sang phong cách hiện đại, trở thành một trung tâm nổi bật của kiến trúc đương đại.
🇻🇳 Điều đặc biệt, các kiến trúc sư Việt Nam không chỉ là những người sao chép các khuôn mẫu ngoại lai, mà còn sáng tạo, theo đuổi mục tiêu gìn giữ bản sắc Việt trong bối cảnh hội nhập với kiến trúc thế giới. Kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn vì vậy có nét độc đáo riêng, pha trộn cá tính của người Việt, khéo léo bồi đắp cho những khiếm khuyết về tinh thần và bản sắc mà chủ nghĩa Hiện đại quốc tế thường thiếu vắng.
Điểm nhấn của bản sắc địa phương thể hiện rõ qua nỗ lực thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Giải pháp "tường hai lớp" phổ biến vừa giúp chắn nắng vừa tạo lớp bảo vệ cho công trình. Nhiều tấm chắn nắng được trang trí hoa văn tinh tế, mang âm hưởng văn hóa truyền thống và gần gũi với con người, truyền tải tinh thần phương Đông qua từng nét chạm khắc. Bề mặt công trình thường sử dụng đá rửa, không chỉ chống chịu tốt với thời tiết mà còn gợi nhắc đến vẻ đẹp của vật liệu thô mộc trong kiến trúc Việt Nam cổ xưa.
🏛Dấu ấn ấy có thể thấy rõ qua các công trình như Dinh Độc Lập của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Thư viện Quốc gia của Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện, Bệnh viện Thống Nhất của Trần Đình Quyền, hay Trung tâm văn hóa Pháp IDECAF của Nguyễn Quang Nhạc… Nhưng điều thú vị là, làn sóng hiện đại không chỉ dừng ở những công trình lớn mà còn nhanh chóng lan tỏa đến kiến trúc nhà ở, từ chung cư, biệt thự đến nhà phố, phản ánh sự chuyển động sống động của kiến trúc hiện đại qua từng ngôi nhà người dân tự xây dựng từ những năm 1960 cho đến cuối thế kỷ 20.
Bằng góc nhìn của các nhà nghiên cứu quốc tế, Sài Gòn trở thành một trung tâm kiến trúc Hiện đại nổi bật trên thế giới. Nhà nghiên cứu Mel Schenck, khi đến Sài Gòn lần đầu năm 1972, đã ấn tượng bởi số lượng và sự đa dạng của các công trình kiến trúc hiện đại nơi đây. Theo ông, Sài Gòn không chỉ đón nhận trào lưu hiện đại mà còn hòa quyện và biến chúng thành nét riêng của mình, như một biểu tượng của sự tiếp nhận và sáng tạo đầy bản sắc.