Câu Chuyện Doanh Nghiệp

Câu Chuyện Doanh Nghiệp Contact information, map and directions, contact form, opening hours, services, ratings, photos, videos and announcements from Câu Chuyện Doanh Nghiệp, News & Media Website, Nguyễn Huệ, Ho Chi Minh City.

Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bị kiệnHôm 25-10-2023, phiên xử đầu tiên vụ hãng cho thuê máy FW Aviation ...
02/11/2023

Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bị kiện

Hôm 25-10-2023, phiên xử đầu tiên vụ hãng cho thuê máy FW Aviation (Holdings) 1 Ltd của Mỹ kiện đã diễn ra tại Tòa án Tối cao Singapore. FW cáo buộc tổng cộng 11 cá nhân và bên, gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Đinh Việt Phương, các giám đốc điều hành khác của VietJet và hai công ty thành lập ở Singapore, Silva Star Capital và Polar Star Capital, đã âm mưu chiếm đoạt bốn chiếc A321neo mà FW đã cho thuê trị giá gần 200 triệu USD.

Đây là vụ kiện thứ hai đối với các hãng hàng không Việt Nam. Cần phải nhắc lại rằng tòa Singapore cũng đang thụ lý vụ hãng cho thuê máy CBD Aviation kiện do chậm thanh toán tiền thuê ba chiếc A320-200neo. Vì thế, nỗ lực giành lại (tái sở hữu) bốn chiếc máy bay cho thuê của FW đang được ngành hàng không thế giới chú ý theo dõi.

Aviation Working Group – một cơ quan giám sát hàng không – đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi sau khi Tòa án Nhân dân Hà Nội ngăn cản việc hủy đăng ký bốn máy bay này. Đây là hành động mà các bên nước ngoài xem là vi phạm hiệp ước quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng chi phí tài chính (thuê hoặc mua) máy bay trong tương lai của các hãng hàng không Việt Nam.

Thật ra FW đã nộp đơn khởi kiện VietJet hôm 26-8-2022 lên Tòa tối cao Anh quốc, tố cáo VietJet thuê bốn máy bay nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán trong năm 2021. Hãng đã trả hơn 4,4-5,2 triệu USD mỗi năm cho mỗi chiếc máy bay. Tính đến tháng 10-2021, hãng bị truy thu khoảng 8 triệu USD và phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành hợp đồng thuê.

Trong tờ giải trình sau đó, VietJet giải thích rằng việc chậm thanh toán tiền thuê là bình thường, do ảnh hưởng của đại dịch và việc áp dụng phong tỏa ở các quốc gia, dẫn đến việc hãng phải tạm ngưng hoạt động. VietJet bác bỏ việc họ vi phạm thỏa thuận thuê, và bác bỏ việc họ nợ "bất kỳ khoản nào nêu trong đơn kiện".

Hãng hàng không này cũng cho rằng việc các bên cho thuê đột ngột bán máy bay và chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn đang có là không hợp lệ, ảnh hưởng tới quyền lợi hãng hàng không.

(Còn dài nữa, nhưng cắt ở đây cho bạn đọc đỡ mệt)
Theo Ricky Ho

Nửa đầu năm 2023, Vinsmart của VinGroup lỗ bao nhiêu?Công ty cổ phần Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart (Vinsmart) vừa công...
27/09/2023

Nửa đầu năm 2023, Vinsmart của VinGroup lỗ bao nhiêu?

Công ty cổ phần Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart (Vinsmart) vừa công bố số liệu tài chính nửa đầu năm 2023.

Doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 1.056 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 ghi nhận lãi gần 109 tỷ đồng. Con số này gần bằng mức lỗ khoảng 1.079 tỷ đồng của cả năm 2022. Như vậy tính trung bình, mỗi ngày đầu năm nay, doanh nghiệp lỗ cỡ 4,1 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu ở Vinsmart ở mức âm 1.056 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cuối quý II năm ngoái.

Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cuối quý II là âm 5,43 lần, có cải thiện so với mức âm 15,14 lần cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, nợ phải trả tại ngày 30/6 tương ứng là khoảng 5.734 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Nợ phải trả cuối năm 2022 của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 7.403 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu này có thể tính ra tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận cuối quý II là 4.678 tỷ đồng, giảm 44,5% so với mức 8.427 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tháng 5/2021, Tập đoàn Vingroup công bố Vinsmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động, chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Đây là một trong những bước đi để phục vụ cho phát triển của VinFast.

Theo thông tin từ HNX, công ty có vốn điều lệ là 10.400 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là bà Mai Hương Nội. Quy mô này bằng một nửa vốn điều lệ của Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE - 23.288 tỷ đồng)
Theo dữ liệu từ HNX, trong ngày 20/8/2023, doanh nghiệp này phát hành 32 lô trái phiếu. Hầu hết lô trái phiếu có giá trị hơn 95 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, đáo hạn vào ngày 20/8/2023. Tổng giá trị trái phiếu phát hành là 3.000 tỷ đồng. Hiện những lô trái phiếu này đã hủy toàn bộ.

Nguồn: dantri

Hãy cùng nhìn lại "quá khứ và hiện tại" của Hoà Phát, Vingroup, Trung Nguyên, FPT và VNG...
02/09/2023

Hãy cùng nhìn lại "quá khứ và hiện tại" của Hoà Phát, Vingroup, Trung Nguyên, FPT và VNG...

VinFast đã lỗ bao nhiêu trong 6 tháng đầu năm 2023?
31/08/2023

VinFast đã lỗ bao nhiêu trong 6 tháng đầu năm 2023?

23/08/2023

Bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Nhật Nam Group (vợ ca sỹ Khánh Phương) kêu nhà đầu tư phải im mồm, trong khi nhà đầu tư đang cố gắng đòi lại tiền của mình 😤

Biến động lãnh đạo chủ chốt, FLC lỗ hơn 1.000 tỷ sau 6 tháng đầu nămGiải trình về việc doanh thu bán hàng và tài chính g...
31/07/2022

Biến động lãnh đạo chủ chốt, FLC lỗ hơn 1.000 tỷ sau 6 tháng đầu năm

Giải trình về việc doanh thu bán hàng và tài chính giảm mạnh, FLC cho biết do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại kinh doanh và thay đổi lãnh đạo chủ chốt.

Công ty Cồ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo hợp nhất quý II với mức doanh thu thuần giảm mạnh 66% so cùng kỳ, còn hơn 576 tỷ đồng, lỗ sau thuế 640 tỷ đồng.

FLC lỗ nặng trong quý II do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh với 65,6 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, FLC ghi nhận doanh thu 1.709 tỷ đồng, giảm 60% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2021. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.105 tỷ đồng.

Theo FLC, doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính giảm mạnh do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Trong khi chi phí bán hàng, quản lý tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng ở mùa cao điểm. Mặt khác, FLC còn bị ảnh hưởng tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không dẫn đến lợi nhuận sau thuế đảo chiều trong quý II/2022.

Năm 2022, FLC đặt mục tiêu doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa được thông qua do chưa thể tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Tại đại hội cổ đông bất thường hồi đầu tháng 7, FLC đã miễn nhiệm chính thức chức danh thành viên HĐQT với ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung, ông Lã Quý Hiển và bầu bổ sung ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm là thành viên HĐQT.

Cũng tại đại hội này, HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên làm chủ tịch HĐQT. Bà Bùi Hải Huyền sẽ giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm phó chủ tịch HĐQT trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tuy vậy, hôm qua (29/7), Bamboo Airways - thành viên của FLC, bất ngờ phát đi thông báo về việc ông Đặng Tất Thắng thôi giữ vị trí tổng giám đốc tại hãng bay này. Đồng thời, ông Thắng cũng có đơn từ nhiệm vai trò phó chủ tịch FLC.

Theo Việt Nam Kinh Tế


Hệ sinh thái “thua lỗ” của tân chủ tịch VGS Group Bùi Đức LongKhông riêng Vicoland Group lỗ luỹ kế, những doanh nghiệp k...
23/07/2022

Hệ sinh thái “thua lỗ” của tân chủ tịch VGS Group Bùi Đức Long

Không riêng Vicoland Group lỗ luỹ kế, những doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái ông Bùi Đức Long như T99 Group, Phát triển dự án Vico, Navi Land Việt Nam.. đều kinh doanh thu lỗ trong năm vừa qua.
Ngày 28/12/2021, Tập đoàn Tài chính T99 (T99 Group) và VGS Group đã ký kết hợp tác chiến lược đồng phát triển Hệ sinh thái dịch vụ Golf Việt Nam. Đây có thể là tiền đề để bộ sậu VGS Group chọn ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT T99 Group trở thành Chủ tịch HĐQT VGS Grop mới đây.

Nhiều người kỳ vọng, T99 Group với thế mạnh về lĩnh vực tài chính công nghệ cùng hệ thống phòng giao dịch và mô hình dịch vụ chuyên biệt đang tiếp tục phát triển trên 20 tỉnh thành sẽ thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái dịch vụ golf chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện kết nối thông tin và mang đến những trải nghiệm đẳng cấp xứng tầm cho cộng đồng golf Việt Nam.

Nợ phải trả T99 Group cao gấp 87 lần chỉ sau 12 tháng

Tuy nhiên, chính T99 Group cũng đang gặp nhiều khó khăn khi liên tiếp kinh doanh thua lỗ kể từ khi thành lập.

Dữ liệu cho biết, T99 Group được thành lập ngày 20/10/2020 tại Hà Nội với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland góp 30%, ông Lê Xuân Việt góp 35%, ông Bùi Quang Hảo góp 32% và ông Nguyễn Ngọc Tuấn góp 3% còn lại.

Cập nhật thay đổi ngày 17/2/2022, ông Bùi Quang Hảo giữ chức Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật T99 Group.

Giới thiệu trên webisite của mình, T99 Group cho biết tuy mới ra mắt vào năm 2021, thế nhưng T99 Group nhanh chóng sở hữu 100 Phòng giao dịch ngay trong ngày đầu ra mắt 1/1/2021 trên 15 tỉnh thành. Mỗi tháng - T99 Group phục vụ hơn 18.000/lượt khách hàng và tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ tín dụng có nhu cầu cho vay - cầm cố tài sản.

Dữ liệu người viết cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản T99 Group (riêng lẻ) đạt 583,5 tỷ đồng, tăng 22 lần sau 12 tháng.

Dù là doanh nghiệp kinh doanh cầm đồ, song tiền và các khoản tương đương tiền T99 Group chỉ vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng. Trong khi đó phải thu về cho vay ngắn hạn 114,6 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 158,8 tỷ đồng.

Hoàng tồn kho T99 Group còn 112,4 tỷ đồng. T99 Group có 14,1 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và 1,5 tỷ đồng đầu tư vào công ty con.

Tính đến cuối năm 2021, T99 Group còn 349,4 tỷ đồng nợ phải trả, tăng đến 87 lần so với đầu năm. Trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn có 127 tỷ đồng, phải trả nội bộ về vốn kinh doanh 149,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ tăng không phải là vấn đề duy nhất T99 Group đang gặp phải. Tính đến ngày 31/12/2021, đơn vị này đang gánh lỗ luỹ kế lên đến 65,8 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2021, T99 Group đưa về 33,3 tỷ đồng doanh thu, song chi phí bán hàng “phình to” ở mức 69,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 16,4 tỷ đồng.. khiến T99 báo lỗ sau thuế 59,2 tỷ đồng (năm 2020 lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng).

Hệ sinh thái thua lỗ của ông Bùi Đức Long

Đối với Risemount Venture Capital (RVC) - quỹ ươm mầm và đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực Tài chính - Công nghệ, tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và nhóm dự án ở giai đoạn khởi đầu, các doanh nghiệp đang tăng trưởng và có nhu cầu chuyển đổi số cải tổ hoạt động...Đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến phát triển và ứng dụng về Công Nghệ Tài Chính (Fintech) và Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) được vận hành và dẫn dắt bởi Công ty Cổ Phần Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Risemount.. chưa ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.

Tiếp đến, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển dự án Vico, đơn vị do ông Bùi Đức Long làm Chủ tịch HDDQT và ông Bùi Đức Linh thành viên HĐQT không ghi nhận doanh thu, đồng thời doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 600 triệu đồng năm 2021.

Tại Công ty Cổ phần Navi Land Việt Nam (tiền thân là Công ty Cổ phần xây dựng và chuyển giao công nghệ Hà Thành 388), cập nhật thời điểm tháng 12/2016 doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Long sở hữu 40%, đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.

Đến tháng 11/2020, vốn điều lệ Navi Land Việt Nam đạt 300 tỷ đồng. Ông Ngô Văn Bang giữ chức tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản Navi Land Việt Nam đạt 297,7 tỷ đồng, biến động không đáng kể sau 12 tháng.

Năm 2021, doanh thu Navi Land Việt Nam bằng 0 (cùng kỳ 194,3 triệu đồng), doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng.

Như đã đề cập, năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (Vicoland Group) cũng đã báo lỗ sau thuế 81,9 tỷ đồng.

Theo Việt Nam Kinh Tế

Khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu hé mở hệ sinh thái Crystal Bay của “đại gia” Nguyễn Đức ChiCông ty Cổ Phần Crystal Bay v...
18/07/2022

Khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu hé mở hệ sinh thái Crystal Bay của “đại gia” Nguyễn Đức Chi

Công ty Cổ Phần Crystal Bay vừa công bố thông tin về việc phát hành thành công lô trái phiếu có mã CBGCB2124001 với lãi suất 9,5%/năm. Được biết đây là lô trái phiếu đầu tiên được doanh nghiệp phát hành kể từ khi thành lập. Vậy, tiềm lực thực sự của Crystal Bay ra sao?

Từ khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu….

Theo thông tin được công bố, lô trái phiếu có mã CBGCB2124001 được Crystal Bay phát hành vào ngày 5/11/2021, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 5/11/2024.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp với lãi suất cố định 9,5%/năm. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và các mục đích khác.

Đơn vị đứng ra thu xếp là CTCP Chứng khoán VNDirect.
Đáng chú ý về lô trái phiếu này là trước đó, theo thông tin được doanh nghiệp công bố, lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là 78,2 triệu cổ phần, tương đương 68% vốn điều lệ Crystal Bay, thuộc sở hữu của 10 cổ đông cá nhân và 1 tổ chức trong nước. Nổi bật trong số đó là 21,4 triệu cổ phần của ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Crystal Bay; 7,9 triệu cổ phần của ông Nguyễn Đức Tuấn – em trai ông Chi; và 10,4 triệu cổ phần của CTCP Dạ Lan Hương.

Ngoài ra, lô trái phiếu của Crystal Bay còn được cam kết bảo lãnh thanh toán bởi ông Nguyễn Đức Chi và CTCP Sunbay Ninh Thuận – chủ đầu tư dự án Sunbay Park Hotel & Resort quy mô 8,3ha tại đường Yên Ninh, Mĩ Bình, Tp. Phan Rang, Ninh Thuận.

….đến năng lực thực sự của Crystal Bay

Theo tìm hiểu, Crystal Bay tiền thân là Công ty du lịch Crystal Holiday, được thành lập ngày 23/7/2016, có trụ sở chính tại tòa nhà số 5, Bến du thuyền Quốc tế, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch giải trí và quản lý bất động sản.

Crystal Bay có vốn điều lệ ban đầu đạt 250 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đức Chi (nắm giữ 60% VĐL), ông Nguyễn Đức Tấn – em trai ông Chi (nắm giữ 20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Duyên (nắm giữ 20% VĐL).
Tại lần đăng ký thay đổi vào ngày 17/6/2021, doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ lên 1.150 tỷ đồng, tương ứng với 115 triệu cổ phần. Như vậy, trong đợt phát hành trái phiếu nói trên, Crystal Bay đã thế chấp 68% vốn điều lệ công ty.

Hiện tại người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Đức Chi (chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Tiến Trung (tổng giám đốc).

Được biết, ông Chi còn đứng tên cho loạt pháp nhân khác thuộc “hệ sinh thái” của Crystal Bay như CTCP Heritage Holdings, CTCP Vân Đồn Green Industrial Park, Công ty TNHH Đóng tàu Trường Sa, CTCP Xây dựng Lam Hồng MC, CTCP Cam Ranh Riviera Resort, CTCP Đầu tư và Phát triển Ngân Sơn, CTCP Câu lạc bộ Du thuyền Đệ Nhất, CTCP Nhật Tiến Khánh Hòa, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Minh Tú, Công ty TNHH Marina Park, CTCP Crystal Bay Hotels & Resorts, CTCP Marina City, Công ty TNHH Central Park Nha Trang.
Trên thị trường bất động sản, Crystal được biết đến như một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng với loạt dự án như Sunbay Park Hotel & Resort, Ninh Chữ Sailing Bay, Cam Ranh Spa & Resort,…

Năm 2018, Crystal Bay chính thức đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bất động nghỉ dưỡng. Theo đó, doanh nghiệp đã thâu tóm hàng loạt quỹ đất khủng tại Vân Đồn với dự án Vân Đồn Heritage Road quy mô hơn 3.300 ha, hay tại Ninh Thuận với Mũi Dinh Ecopark rộng 766 ha, Sailing Bay Ninh Chữ, Bãi Cốc Resort …

Ngoài ra còn có hàng loạt dự án tại Khánh Hòa đang được xây dựng. Trước đó, năm 2013 Crystal Bay đã bắt đầu phát triển dự án nghỉ dưỡng đầu tiên mang tên Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa.
Liên quan đến dự án này, vào ngày 23/12/2021 Công ty CP SunBay Ninh Thuận (Công ty con của Tập đoàn Crystal Bay) đã phát hành lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng với 2 mã trái phiếu khác nhau. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 3 năm với lãi suất kết hợp (12 tháng đầu tiên kể từ ngày phát hành: Lãi suất cố định 9,5%/năm; từ tháng thứ 13 đến ngày đáo hạn: Lãi suất thả nổi nhưng không thấp hơn 9,5%/năm).
Lô trái phiếu nói trên được đảm bảo bằng tài sản của Công ty CP SunBay Ninh Thuận và bên thứ 3 bao gồm: Quyền sử dụng các khu đất ở, đất thương mại dịch vụ tại khu đô thị du lịch biển Bình Sơn thuộc quyển sở hữu của SunBay Ninh Thuận cùng toàn bộ tài sản gắn liền; Quyền khai thác và tất cả quyền tài sản liên quan đến phần dự án thuộc hai tòa tháp B, tháp C….

Trở lại với Crystal Bay, ở một diễn biến mới đây, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý về việc nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực thuộc huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn.

Cụ thể, Crystal Bay đề xuất khảo sát lập quy hoạch, đầu tư Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn – Cam Lâm tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm). Dự án có quy mô dự kiến hơn 3.173 ha, gồm ba hợp phần.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã duyệt nhiệm vụ dự toán quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn, TP Đà Lạt do Crystal Bay tài trợ. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 1.000 ha (trong đó đất rừng khoảng 679,6 ha) thuộc địa giới hành chính phường 3, phường 10 và phường 11, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Crystal Bay cũng từng gây chú ý khi đề xuất ‘siêu’ dự án Lam Hồng Garden Park City tại Hà Tĩnh. Theo đề xuất, dự án có quy mô lên đến 262 ha thuộc các phường Nam Hà, Văn Yên, Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh. Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2738 ngày 30/7/2021. Dự án gồm nhiều hạng mục công trình (nhà ở liền kề, chung cư, công trình công cộng…).
Liên quan đến dự án này, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã lên tiếng về việc dự án công viên trung tâm và KĐT Lam Hồng Garden Park City còn nhiều điểm chưa phù hợp với Quy hoạch chung TP Hà Tĩnh.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết việc đề xuất tiến độ dự án đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu về tính đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị cần bổ sung đầy đủ số liệu về quy mô dân số, đảm bảo sự phù hợp quy mô dân số của dự án với khu vực, đồng thời cần đánh giá nhu cầu nhà ở và quỹ đất phát triển đô thị, xác định phương án bố trí dân cư, lao động để đảm bảo đời sống người dân và sự phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.

Ngoài ra, diện tích khu vực đề xuất dự án đầu tư là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và nuôi trồng thủy sản (diện tích đất trồng lúa là 139,63 ha, chiếm 53,29% diện tích toàn khu vực; diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 29,28 ha, chiếm 11,18% diện tích toàn khu vực), do đó Bộ Xây dựng lưu ý cần đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục và trách nhiệm tài chính về đất đai có liên quan.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thuyết minh và thiết kế sơ bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải đáp ứng yêu cầu vận hành và phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật khu vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác.

Theo Việt Nam Kinh Tế

Startup Ohana từng bị Shark Phú khẳng định thất bại nay đã ra sao?"Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng nhìn mô hình k...
07/07/2022

Startup Ohana từng bị Shark Phú khẳng định thất bại nay đã ra sao?

"Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng nhìn mô hình kinh doanh thì anh lại không muốn đầu tư. Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại, nhưng anh vẫn muốn đầu tư vào em", Shark Phú đã từng nói như vậy với Cathy Thảo Trần, Đồng sáng lập, CEO Ohana khi startup này xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 2.

Sau gần 4 năm, những gì vị cá mập đến từ Sunhouse dự đoán dường như đã thành hiện thực. Trong suốt 2 năm qua, ứng dụng Ohana không cập nhật phiên bản mới trên App Store cũng như Google Play, một điều bất thường với các startup công nghệ nói chung. Fanpage chính thức của Ohana cũng đã dừng lại ở bài đăng cuối vào tháng 11/2020 và số điện thoại liên hệ do fanpage đó cung cấp cũng không thể kết nối được.

Thành lập năm 2017, Ohana là startup kết nối chủ nhà trọ với những người trẻ có nhu cầu thuê nhà. Trong đó, người đi thuê đa số là các bạn sinh viên, những người mới ra trường, có khả năng chi trả từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Ứng dụng thu phí từ chủ nhà trọ và lấy từ 30% của tháng cọc đầu tiên.

Năm 2018, startup này lên gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam. Ở thời điểm đó mô hình đã có 40 nghìn user (người dùng). Tốc độ tăng trưởng lượt user hàng tháng là 40%.

Nhưng như Shark Phú và Shark Hưng đánh giá, mô hình của Ohana tiềm ẩn rủi ro cao nếu khách thuê và chủ trọ bắt tay nhau "bẻ cò" để không phải trả phần hoa hồng cho nền tảng này. Cuối cùng, Ohana về tay liên minh Shark Dũng và Shark Hồng Anh, những người tuyên bố sẽ rót 3,5 tỷ đồng vào startup vì tin tưởng mô hình rất tiềm năng, có nhu cầu thực và giải quyết vấn đề lớn cho sinh viên.

Từ bệ phóng Shark Tank, Ohana có những thành công nhất định. Theo KrAsia, trong năm 2019, startup từng mở rộng đến Singapore nơi người trẻ đang phải chật vật chiến đấu với mức giá nhà trọ ngày càng leo thang.

"Ban đầu chúng tôi chỉ có ý định phục vụ nhu cầu của người Việt Nam tại Singapore. Nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy rằng người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cũng đang đến Singapore để tìm kiếm cơ hội vì đây là trung tâm kinh tế của toàn khu vực", CEO Ohana chia sẻ khi đó như vậy.

Một năm kể từ ngày lên sóng Shark Tank, Cathy Thảo Trần tiết lộ với KrAsia rằng họ đã có tới 300.000 người dùng tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng người dùng tăng lên 25% mỗi tháng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nữ sáng lập đã không còn gắn bó với Ohana nữa. Theo thông tin trên Linkedln, Cathy Thảo Trần là đồng sáng lập Ohana trong giai đoạn tháng 1/2018 đến tháng 8/2021. Từ tháng 9/2021 đến nay, cô đã chuyển sang làm việc toàn thời gian tại startup khác với tên gọi Weplay Gaming Inc.

Cathy Thảo Trần cũng tạm dừng các tương tác trên mạng xã hội. Facebook cá nhân của nữ sáng lập đã không còn cập nhật trong vòng 1 năm trở lại đây, kênh Instagram đã bị khóa trong khi tất cả các video trên kênh YouTube cá nhân của cô đều đã biến mất.

Trong khi đó, trên App Store cũng như Google Play, ứng dụng Ohana nhận nhiều đánh giá 1 sao từ người dùng thời gian gần đây vì lý do app liên tục treo, tin đăng cũ, không tìm được phòng trọ phù hợp…Trên App Store, điểm trung bình của ứng dụng là 2,9/5.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục liên hệ với Cathy Thảo Trần nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức.

Theo Nhịp sống kinh tế

Tập đoàn Him Lam: Tài sản tỷ đô, 93,2% là nợMặc dù tài sản lên đến đơn vị tính tỷ đô la nhưng trong đó có tới 93,2% là n...
05/07/2022

Tập đoàn Him Lam: Tài sản tỷ đô, 93,2% là nợ
Mặc dù tài sản lên đến đơn vị tính tỷ đô la nhưng trong đó có tới 93,2% là nợ nên bức tranh tài chính của Tập đoàn Him Lam không hề sáng sủa.
Tài sản tỷ đô, hiệu quả sử dụng vốn siêu thấp, lãi tăng nhờ nợ thuế

Công ty cổ phần Him Lam (Him Lam) là một trong những Tập đoàn bất động sản nổi danh nhất cả nước. Trước đây, Him Lam gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

Him Lam khuyếch trương quy mô từ Nam ra Bắc, ở những vị trí đắc địa nhất. Thế nhưng, bức tranh tài chính của Tập đoàn lại thể hiện nhiều vấn đề. Một trong số đó là dù tài sản tỷ đô nhưng hiệu quả sử dụng lại lại siêu thấp.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Tập đoàn Him Lam lên tới 96.599 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 27.155 tỷ đồng, tương đương 39,1% so với cuối năm 2020.

Nếu chỉ xét về tổng tài sản, Him Lam chỉ đứng sau Top 3 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Vingroup (428.384 tỷ đồng), Vinhomes (230.516 tỷ đồng) và Novaland (201.834 tỷ đồng).

Còn với Top 10 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, Him Lam vượt trội về tổng tài sản như Becamex IDC Corp (48.952 tỷ đồng), Vincom Retail (37.873 tỷ đồng), Phát Đạt (20.552 tỷ đồng),...

Tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn tại Tập đoàn Him Lam lại rất thấp.

Năm 2021, doanh thu của Tập đoàn chỉ đạt 2.227 tỷ đồng, giảm 2.267 tỷ đồng, tương đương 50,4% so với năm 2020.

Dù nỗ lực “thắt lương buộc bụng” giảm chi phí, chi phí bán hàng giảm từ 57,3 tỷ đồng xuống 22,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 112 tỷ đồng xuống 110 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 175 tỷ đồng, giảm 307 tỷ đồng, tương đương 63,7%.

Tuy nhiên, do chưa nộp hết thuế (chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chỉ là 6,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với 25,5 tỷ đồng của năm 2020) nên cuối cùng lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng trưởng dương, tăng 18,4 tỷ đồng, tương đương 93,9% lên 38 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Him Lam vô cùng thấp, chỉ đạt 0,58%. Trong khi đó, những đơn vị có tổng tài sản thấp hơn Him Lam rất nhiều như Becamex IDC Corp, Vincom Retail và Phát Đạt lần lượt đạt 8,5%, 4,3% và 22,8%.

Hai chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 và vốn chủ sở hữu tại Becamex IDC Corp, Vincom Retail và Phát Đạt là 1.457 tỷ đồng – 17.145 tỷ đồng; 1.315 tỷ đồng – 30.651 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng – 17.175 tỷ đồng.

Có thể thấy hiệu quả sử dụng vốn tại Tập đoàn Him Lam kém xa các đơn vị có tổng tài sản thấp hơn Him Lam.

93,2% nguồn vốn là nợ

Bên cạnh hiệu quả sử dụng vốn siêu thấp, Tập đoàn Him Lam còn gây chú ý khi nợ quá lớn, tài sản (nguồn vốn) lên tới 3 tỷ đô nhưng có tới 96% là nợ.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản tại Tập đoàn Him Lam đạt 96.599 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 90.027 tỷ đồng, cao gấp... 1.370% vốn chủ sở hữu và chiếm 93,2% tổng nguồn vốn.

Trong đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước giảm sâu xuống 17,3 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tại thời điểm cuối năm 2020 lên tới 151 tỷ đồng.

Nổi bật nhất là các chỉ tiêu phải trả khác là con số khổng lồ. Phải trả dài hạn tăng mạnh từ 13,4 tỷ đồng lên 39.165 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác giảm sâu từ 56.023 tỷ đồng xuống 10.652 tỷ đồng.

Nổi bật không kém chính là những khoản nợ vay lên đến giá trị tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ vay của Tập đoàn Him Lam là con số khổng lồ 35.037 tỷ đồng (khoảng 1,52 tỷ USD).

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính tăng vọt từ 0 đồng lên 33.885 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính giảm sâu từ 2.416 tỷ đồng xuống 1.152 tỷ đồng.

Nợ tỷ đô nhưng chi phí lãi vay tại Him Lam lại chỉ là 0 đồng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Him Lam xác định trong năm đã chi 7,6 tỷ đồng cho tiền lãi vay.

Về phía tài sản, phần lớn tài sản của Tập đoàn Him Lam đều nằm ngoài công ty. Cuối năm 2021, các khoản phải thu ngắn hạn của Tập đoàn tăng mạnh từ 46.045 tỷ đồng lên 67.365 tỷ đồng, chiếm 69,7% tổng tài sản.

Theo Việt Nam Kinh Tế

Huy động hơn 3.000 tỷ qua kênh trái phiếu, Phát Đạt (PDR): Dòng tiền âm, cứ hết lại vayThị trường trái phiếu doanh nghiệ...
27/05/2022

Huy động hơn 3.000 tỷ qua kênh trái phiếu, Phát Đạt (PDR): Dòng tiền âm, cứ hết lại vay
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua “trăm hoa đua nở” với mức lãi suất huy động tăng nhanh. Một ‘ông lớn’ bất động sản như công ty CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cũng nhập cuộc và huy động hơn 3000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2021 và quý I năm 2022 lại ghi nhận dòng tiền âm, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Và việc thiếu hụt dòng tiền phần nào được bù đắp bằng việc đi vay, cụ thể là qua kênh trái phiếu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng cổ phiếu PDR của bên thứ 3 làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu cũng là một vấn đều đáng lưu ý. Nếu tình hình kinh doanh có biến động tiêu cực, quyền lợi của trái chủ có thể sẽ chịu tác động kép do khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn và giá trị tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng khi tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn.

Thiếu hụt dòng tiền kinh doanh & kết quả kinh doanh quý I chưa được như kỳ vọng

Năm 2022, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.700 tỷ đồng và LNST đạt 2.908 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2022, PDR mới chỉ hoàn thành được 5,8% mục tiêu về doanh thu và 9,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Phát Đạt Group với doanh thu thuần đạt 625,4 tỷ đồng, tăng 6,7% so với quý I/2021, phần lớn doanh thu đến từ việc chuyển nhượng đất (622,4 tỷ đồng). Trong khi đó chi phí vốn bỏ ra lại giảm đến hơn một nửa dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 526 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong kỳ Phát Đạt Group chỉ ghi nhận vỏn vẹn 537 triệu đồng khoản thu từ tài chính nhưng chi phí tài chính lại ghi nhận đến hơn 106 tỷ đồng, tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay.

BCTC quý I/2022 ghi nhận tổng nợ phải trả đến cuối quý hơn 13.147 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.223 tỷ đồng (tăng gần 416 tỷ đồng so với đầu kỳ) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 3.593tỷ đồng (tăng 973 tỷ đồng so với đầu kỳ).

Đáng nói, chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt tăng trưởng 27% và 39,4% so với cùng kỳ 2021, lần lượt ghi nhận 5,3 tỷ đồng và 60,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Phát Đạt còn có mối quan hệ mật thiết với Danh Khôi Holdings, báo cáo tài chính quý I của công ty này ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của Danh Khôi Holdings còn hơn 234 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối năm 2021 là gần 500 tỷ đồng.

Kết quả, quý I/2022 Phát Đạt báo lãi sau thuế 279,4 tỷ đồng, tăng 11,3% so với lợi nhuận đạt được trong quý 1/2021, trong đó LNST công ty mẹ đạt 282 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ, Phát Đạt cho biết trong quý 1 vừa qua công ty đã chuyển nhượng một phần Khu chung cư cao tầng Dự án Phân Khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.

Huy động 3000 tỷ từ trái phiếu để đảm bảo dòng tiền kinh doanh

Thiếu hụt dòng tiền phần nào được bù đắp bằng việc đi vay, cụ thể là qua kênh trái phiếu. Theo báo cáo tài chính quý I của Phát Đạt, từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2022, Phát Đạt đã phát hành hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó ngắn hạn là hơn 600 tỷ đồng, dài hạn là hơn 2.400 tỷ đồng.
Tất cả các lô trái phiếu của Phát Đạt Group đều có mục đích phát hành là tài trợ các dự án của Công ty con, lãi suất từ 11 đến 13%/năm, và hình thức đảm bảo đều từ cố phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông.

Cổ phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông không chỉ làm đảm bảo cho kênh huy động vốn trái phiếu mà còn là tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Phát Đạt qua các ngân hàng và công ty tài chính.

Ví dụ, Phát Đạt thế chấp 8500 nghìn cổ phiếu PDR để vay Ngân hàng Công thương gần 150 tỷ đồng, tức cổ phiếu PDR được định giá là 17,500 đồng/cổ phiếu, hay khoản vay với ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thế chấp 1.100 nghìn cổ phiếu PDR vay hơn 20 tỷ đồng.
Như vậy, có thể nhận thấy, trong rất nhiều hình thức huy động vốn của Phát Đạt Group như trái phiếu, vay ngân hàng và công ty tài chính đều có hình thức đảm bảo là cổ phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông.

Câu chuyện đặt ra bao nhiêu cổ phiếu của cổ đông Phát Đạt Group đang được thế chấp trong các khoản vay đề huy động vốn, nếu Phát Đạt Group mất thanh khoản thì việc xử lý tài sản này được thực hiện như thế nào?

Và tại sao, Phát Đạt Group không thế chấp dự án để vay mà phải dùng cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo, trong khi lãi suất vay ngân hàng luôn ưu đãi hơn việc huy động thông qua kênh trái phiếu và Công ty tài chính? Liệu có hay không câu chuyện như Tập đoàn FLC thế chấp cổ phiếu trong ngân hàng như trong thời gian vừa qua.

Mù mịt thông tin, tổn hại nhà đầu tư

Một trong các trường hợp điển hình trong không minh bạch thông tin thời gian vừa qua là việc liên quan đến việc Tòa nhà trụ sở của FLC đã về tay OCB

Từ cuối năm 2020, FLC đã dùng tòa nhà là trụ sở tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội) để cấn trừ nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng OCB.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC mới đây gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) bổ sung 51 nghị quyết của HĐQT về giao dịch với các bên liên quan từ năm 2018 đến tháng 5/2021. Tập tài liệu này nhằm cải chính nội dung sai lệch, bổ sung thông tin trong báo cáo quản trị năm 2020, 2021, khắc phục các vi phạm về công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán của FLC theo quyết định của SSC hồi cuối tháng 3.

Một trong 51 nghị quyết được công bố có tài liệu do cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ký từ tháng 11/2020, thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của FLC và Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để thay nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC cùng các công ty con, công ty liên kết tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Đặc biệt, Phát Đạt Group còn có khoản vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Miare Asset là 400 tỷ đồng đều có hình thức đảm bảo là cổ phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông.

Theo Việt Nam Kinh Tế

Address

Nguyễn Huệ
Ho Chi Minh City
008428

Telephone

+84363676651

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Câu Chuyện Doanh Nghiệp posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share

Nearby media companies


Other News & Media Websites in Ho Chi Minh City

Show All

You may also like