25/01/2024
CÓ 1 CÁCH DẠY CON CỰC SAI LẦM NHƯNG NHIỀU NGƯỜI MẮC PHẢI VÀ CẦN SỬA ĐỔI NGAY
Một lần tôi đến nhà 1 người bạn ăn tối, chứng kiến cảnh cậu bé 18 tháng tuổi bị mẹ cậu dọa: "Bố con đánh đó, bố vào kìa, mau lên, đóng tủ lạnh vào" vì cậu bé luôn thích mở tủ lạnh. Một ngày mở gần chục lần, trẻ con mà, chắc thích mát mẻ khi mở tủ. Người mẹ không biết khuyên con như thế nào, chỉ biết dùng hình tượng "bố" để dọa con.
Liệu thực sự cách làm đó là đang dạy con nghe lời? Liệu hăm dọa có phải làm trẻ sợ để làm theo?
Dọa trẻ là một trong nhiều “phương pháp” mà người lớn thường áp dụng trong dạy trẻ, nhất là khi cần đối phó với trẻ trong một số tình huống. Trời tối rồi mà cháu cứ nằng nặc khóc đòi ra ngoài chơi, bà thường dọa: Không được đâu, ở ngoài đấy có ông ngáo ộp đấy! Con lười ăn, mẹ bế con đi rong, vừa dỗ con ăn, vừa dọa: Con có ăn đi không, bác bảo vệ tới bắt bây giờ! Giả sử lúc ấy mà bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ đi qua, người mẹ thể nào cũng miệng nói, tay chỉ: Kia kìa, con đã nhìn thấy chưa? Ông cụ, ông ấy bắt con nộp cho mụ phù thủy đấy!
Khi hai đứa trẻ tranh giành đồ chơi của nhau rồi cả hai cùng lăn ra khóc lóc ăn vạ, không đứa nào chịu nhường đứa nào, người lớn không dàn hòa được, cũng thường dọa: Các con có chịu nhường nhau không, chú công an có súng đứng ngoài ngõ, chú ấy nghe thấy cả rồi đấy…
Kinh dị hơn, như tôi từng biết, có người mẹ cầm dao dọa con hư mẹ sẽ cắt ngón chân. Cháu bé chắc bị dọa nhiều lần như thế rồi, nên khi mẹ nói, bé vẫn giương mắt nhìn mẹ tỏ ra trơ lì “không nao núng”. Phải đến khi mẹ cầm con dao phay to tướng dứ dứ vào chân cháu, cháu sợ quá, rụt ngay chân lại, và rồi răm rắp ăn cơm. Chỉ từ những câu nói thoáng qua của mẹ đã vô tình ảnh hưởng đến tâm trí con. Khi nói xong mẹ có thể quên, nhưng trẻ thì sẽ nhớ nó như một nỗi ám ảnh.
Từ một câu dọa của cha mẹ, bé lập tức liên tưởng đến những điều gây sợ hãi khác như con sâu có nhiều nanh vuốt, có miệng rộng chuyên ăn thịt mà bé nhìn thấy trên tivi... Từ đó, bé sẽ sợ hãi, bất an, hạn chế khám phá và vui chơi. Có những nỗi sợ ở bé mà cha mẹ không biết được hoặc có biết thì khi giải thích bé cũng không hiểu hết được. Khi nỗi ám ảnh đã hình thành quá lớn trong lòng, dù cha mẹ có cố gắng giải thích ra sao cũng không làm vơi đi nỗi sợ hãi của con.
Nếu bố mẹ lạm dụng việc dọa nạt trẻ, có trẻ nhớ nhưng cũng có trẻ sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh. Một khi con đã thu mình vào thế giới riêng, trở nên nghi ngờ, không có niềm tin vào cuộc sống. Bé ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài, thấy con gì bé cũng sợ, gặp ai bé cũng e dè, dần dần, con trẻ sẽ trở nên rụt rè, tự ti. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và quá trình phát triển của trẻ.
Sống khép mình vì những nỗi sợ hãi đồng nghĩa với việc bé sẽ không có tuổi thơ. Tuổi thơ có ảnh hưởng rất nhiều tới lối sống và cách nghĩ của trẻ trong tương lai. Tuổi thơ tươi đẹp, trẻ sẽ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhưng nếu tuổi thơ con bao trùm trong sợ hãi và lo âu sẽ khiến trẻ cảm thấy cuộc sống không có một chút thú vị nào để rồi sinh ra những hành động tiêu cực.
Nguồn: St