09/01/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Con người của Nhân dân,
con người của lịch sử
Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (Hà Tĩnh)
Phần cuối: Giải quyết về mặt lý luận về con đường cách mạng Việt Nam
Hội nhập thế giới cho ngày càng nhiều người bằng đôi tai, con mắt của mình thấy được sự phát triển cao về kinh tế, khoa học - công nghệ, về sự trong lành của môi trường, về mức sống cao và an sinh xã hội tốt ở nhiều nước tư bản. Hiện thực ấy, khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Vậy Việt Nam có đi sai đường khi lựa chọn chủ nghĩa xã hội không?
Đây không phải là sự chống phá, mà là sự quan tâm chính đáng đối với số phận mình, dân tộc mình, một hoài nghi khoa học.
Đảng ta, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải, và đã trả lời câu hỏi lịch sử đó.
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là một tác phẩm lớn về mặt lý luận.
Trên cơ sở thừa nhận những thành tựu của chủ nghĩa tư bản: “Chúng ta thừa nhận rằng- Tổng Bí thư viết, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ.
Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”; đồng chí đã phân tích một cách sâu sắc những khủng hoảng và nguy cơ diệt vong nhân loại của chủ nghĩa tư bản tạo ra: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.
Còn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là gì? Có đói kém không, có bất công không, có tệ nạn không? Có hết! Nhưng có tiến bộ không? Có! Có những hiện thực hôm nay mà 20, 30 năm trước người giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không mơ tới. Vậy là có tiến bộ và tiến bộ rất nhanh, là đang có chủ nghĩa xã hội, đang có cuộc sống tốt đẹp, cần yêu cuộc sống ấy và phấn đấu cho cuộc sống ấy ngày một tốt đẹp hơn.
Trong bài nói chuyện với thầy trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962, Bác Hồ định nghĩa chủ nghĩa xã hội một cách giản dị: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng... Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, 2011, t. 13, tr. 438).
Trong giai đoạn lịch sử mới, xuất hiện những tình huống mới, không chỉ nói với trong Đảng, trong nước mà còn để chống lại những cách nhìn nhận sai trái từ bên ngoài, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phân tích về xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta kiên định hướng tới: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”. Đó là những lời lẽ đi sâu vào lòng người và có tính thuyết phục rất cao.
Một câu hỏi nữa là “Đi lên chủ nghĩa xã hội thì bao giờ tới đích”?
Từ thực tế nước ta có xuất phát điểm thấp, năm 1945 là nước nghèo đói, dân mù chữ; sau giải phóng miền Nam đến trước Đổi mới năm 1986 vẫn có 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Với tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có câu trả lời thực tế: Thời kỳ quá độ còn dài. Có thể đến sớm hoặc đến muộn...
“Trong thời kỳ quá độ - đồng chí viết - các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả.
Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Như vậy, với thái độ khoa học, đồng chí vẫn để ngỏ hai khả năng: Có thể thành công và có thể thất bại. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đồng chí nói “trước hết” chứ không phải là phụ thuộc duy nhất vào Đảng; mà giống như năm 1945, phải luôn khơi dậy được sức mạnh toàn dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong Đổi mới với tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm suốt 35 năm, đến năm 2008 đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp; cùng với đó là những chiến thắng có ý nghĩa quyết định trước giặc “nội xâm” tham nhũng, chúng ta thêm tin yêu Đảng, thêm tin yêu con đường mà dân tộc đang đi dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Và Nhân dân ta luôn dành sự mến yêu, kính phục, tin tưởng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con của Nhân dân, con người sinh ra để giải quyết một trong những thách thức khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.
--------Hết----------