26/01/2025
TỔNG KẾT MÙA BÃO 🌀 TRÊN KHU VỰC TÂY BẮC THÁI BÌNH DƯƠNG NĂM 2024 🌏🌊
1️⃣ TỔNG QUAN:
👉 Năm 2024, trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ghi nhận 39 xoáy thuận nhiệt đới (26 cơn bão và 39 áp thấp nhiệt đới). Trong đó có 19 cơn bão mạnh từ cấp 12 trở lên, 6 siêu bão.
👉 Mùa mưa bão bắt đầu từ ngày 22/5 với sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới (sau mạnh lên thành bão Ewiniar); kết thúc vào ngày 26/12 khi bão Pabuk (bão số 10) suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông.
👉 Các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các cơn bão/siêu bão là Phi-líp-pin (Gaemi, Yagi, Usagi,..), Nhật Bản (Ampil, Maria, Shanshan…), Trung Quốc (Yagi, Bebinca,…), Việt Nam (Yagi, Trami), Đài Loan (Gaemi, Krathon,…). Hai siêu bão mạnh nhất năm là Yagi và Man-yi (cùng sức gió 10 phút đạt 194km/h).
👉 Lần đầu tiên kể từ năm 1951, trên khu vực lại ghi nhận 4 cơn bão hoạt động cùng một lúc trong tháng 11.
2️⃣ TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ ĐẤT LIỀN VIỆT NAM:
👉 Năm 2024, trên Biển Đông chịu ảnh hưởng của 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Có 2 hướng di chuyển chính của bão/áp thấp nhiệt đới:
➕ Tan trên Biển Đông hoặc đổ bộ các quốc gia khác: bão số 1 (Maliksi), bão số 5 (Krathon), bão số 7 (Yinxing), bão số 8 (Toraji), bão số 9 (Man-yi), bão số 10 (Pabuk) và áp thấp nhiệt đới tháng 7 trên Biển Đông
➕ Đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam: bão số 2 (Prapiroon), bão số 3 (Yagi), bão số 4 (Soulik), bão số 6 (Trami).
👉 Ghi nhận một nửa trong số bão trên đạt cường độ từ cấp 12 trở lên, trong đó có 2 cơn đạt cấp siêu bão (cấp 16 trở lên) là bão số 3 và bão số 5.
👉 Lần đầu sau hơn 600 ngày không có bão, ngày 23/7, bão số 2 (Prapiroon) đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, chấm dứt chuỗi ngày không xuất hiện cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào nước ta.
Bão/áp thấp nhiệt đới kết hợp với các hình thế thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề cho đất nước. Đặc biệt là các trận lũ trong các tháng cuối năm (tháng 9 ở Bắc Bộ và tháng 10,11 ở Trung Bộ).
Dưới đây là chi tiết các cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta:
➖ Bão số 2 (Prapiroon): Một áp thấp nhiệt đới trên khu vực quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão vào sáng ngày 21/7. Bão đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), cường độ suy yếu. Tuy nhiên khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão mạnh trở lại cấp 10-11, giật cấp 13. Sáng sớm ngày 23/7, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh với sức gió cấp 8, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Trà Cổ (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; đảo Cô Tô và đất liền tỉnh Quảng Ninh có gió giật cấp 7-9...
➖ Bão số 3 (Yagi): Bão đi vào Biển Đông vào sáng ngày 3/9. Nhờ điều kiện thuận lợi, bão tăng liên tục 8 cấp chỉ trong vòng 48h. Đỉnh điểm vào sáng ngày 5/9, bão mạnh lên cấp siêu bão (cấp 16) và duy trì cường độ đó hơn 1 ngày. Đêm ngày 6/9, bão vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi vào Vịnh Bắc Bộ với cường độ suy yếu còn cấp 14, giật cấp 17. Chiều ngày 7/9, bão đổ bộ đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng và ảnh hưởng rất mạnh tới các tỉnh thành miền Bắc. Sáng ngày 8/9, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 13. Trên đất liền, vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng có gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 14-15; riêng trạm khí tượng Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 14-15*, giật trên cấp 17. Tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và các tỉnh thành Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-10, giật cấp 8-12; riêng Chí Linh (Hải Dương) có gió mạnh cấp 13, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Mưa lớn và hoàn lưu sau bão đã gây ảnh hưởng trong nhiều ngày.
➖ Bão số 4 (Soulik): Một áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và mạnh lên thành bão vào sáng sớm ngày 19/9. Tuy nhiên, cơn bão chỉ tồn tại khoảng 10h trước khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị và suy yếu dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; đảo Hòn Ngư (Nghệ An) và đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10.
➖ Bão số 6 (Trami): Bão đi vào Biển Đông vào chiều ngày 24/10. Đến chiều ngày 26/10, bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15 trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, bão suy yếu dần. Trưa ngày 27/10, bão đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế) với sức gió cấp 9, giật cấp 10. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trên đất liền Quảng Bình – Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-9; riêng tại Bà Nà (Đà Nẵng) có gió giật cấp 13.
3️⃣ NHẬN XÉT CHUNG:
👉 Mùa bão năm nay xuất hiện muộn và kết thúc muộn so với TBNN.
👉 Số lượng bão trên khu vực xấp xỉ so với dự báo, và xuất hiện nhiều cơn bão rất mạnh.
👉 Việt Nam chịu tác động trực tiếp của 4 cơn bão, trong đó bão ảnh hưởng mạnh nhất là siêu bão Yagi (cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm đổ bộ vào đất liền).
* Số liệu gió tại trạm Bãi Cháy (Quảng Ninh) còn tranh cãi.
— — — — — — — —
Năm 2024 là mùa bão có thiệt hại nặng nề thứ 2 (sau năm 2019). Hi vọng năm 2025, thời tiết tốt đẹp, mưa thuận gió hoà. Ad mong mọi người sẽ tiếp tục đồng hành cùng trong một năm tới với diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường
Tổng hợp lúc: 22h30’.