14/11/2022
Ngày 15 tháng 8 năm 2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tương đương với dịch vụ công mức độ 4 theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (có Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 kèm theo).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã:
a) Trên cơ sở danh sách dịch vụ công trực tuyến tại các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Công báo - Tin học), Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tích hợp, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021); Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
b) Tổ chức ứng dụng, thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện theo quy định và khi có sự thay đổi về thủ tục hành chính.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc cấp quản lý về việc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công Quốc gia; đồng thời có các giải pháp nhằm phát huy tối đa việc nộp hồ sơ trực tuyến.
d) Giao chỉ tiêu về thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố từ năm 2022 như sau (tỷ lệ % được xác định đối với các thủ tục hành chính còn hiệu lực và thuộc Danh mục tại Điều 1 của Quyết định này):
- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến; ít nhất 80% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ của các sở, ban, ngành, địa phương phải đạt từ 50% trở lên và tăng 10% trong các năm tiếp theo.
Căn cứ chỉ tiêu được giao, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao.
UBND các huyện, thị, thành phố căn cứ tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại địa phương, tổ chức giao chỉ tiêu cụ thể cho các UBND xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo chỉ tiêu được giao theo quy định.
e) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) xem xét, điều chỉnh.
2. Văn phòng UBND tỉnh
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, tích hợp và điều chỉnh các dịch vụ công trực tuyến các mức độ thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần theo Điều 14 tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng theo các Phụ lục kèm theo Quyết định này lên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công Quốc gia.
b) Quản trị, vận hành và bảo đảm hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, hiệu quả.
c) Định kỳ hàng tháng, đột xuất (khi có yêu cầu) tổng hợp số liệu kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, đồng thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định (trước ngày 20 hàng tháng đối với báo cáo tháng, trước ngày 10/12 đối với báo cáo năm).
3. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, theo dõi các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Quyết định này.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hằng năm rà soát để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục tại Điều 1 Quyết định này phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
b) Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
c) Chỉ đạo Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh, cơ quan thường trực Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh (Trung tâm CNTT và Truyền thông) thường xuyên giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
d) Định kỳ, đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 23/6/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.