18/10/2023
#3 Bệnh của Dân văn phòng: TĂNG MỠ MÁU
Xin phép chia sẻ câu chuyện liên quan tới sức khỏe của dân văn phòng bọn mình! Tăng mỡ máu!
Mình vốn học Dược, nhưng cơ duyên đưa đẩy lại làm việc ở một công ty về Công nghệ. Công ty mình có chế độ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, bao gồm, gói xét nghiệm - khám tổng quát sức khỏe 1-2 lần/năm. Nhìn kết quả thăm khám, mình khá bất ngờ khi có tới vài đứa em của mình bị tăng mỡ máu (trong khi công ty chỉ khoảng 30 nhân viên). Vấn đề đáng nói ở đây là các em ấy được chuẩn đoán tăng mỡ máu ở độ tuổi rất trẻ (toàn dân 98-99-2k), mặc dù, thực tế, các em ấy không hề mũm mĩm, một số còn hơi mi nhon, và, tất nhiên, tụi nó cũng không nhậu nhẹt gì cả. Cũng thật tình cờ, khi đi thăm khám ở bệnh viện, khoa nội tiết, mình cũng thấy nhiều anh/chị ở độ tuổi tầm 29-30 nhưng đã và đang được tư vấn dùng thuốc mỡ máu.
Vậy, tại sao lại có nhiều người trẻ như vậy bị tăng mỡ máu???
Theo quy định, mức tăng TG sẽ được định nghĩa theo 3 mức:
- Nhẹ: 150-199 mg/dL.
- Trung bình: 200-499 mg/dL.
- Nặng: > 500 mg/dL.
Đối với người trẻ, từ 10-19 tuổi, mức TG bình thường < 90 mg/dL.
Vậy, ở người trẻ, có những yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân nào khiến mức TG ở họ đáng báo động như vậy?
Đầu tiên, đó là vấn đề về chế độ ăn uống. Dân văn phòng ở Sài gòn, đa phần ăn quán là chính. Tuy không đến mức ngày ngày ăn đồ chiên giòn, dầu mỡ, nhưng thực tế, chế độ ăn ít rau, nhiều đường, nhiều cơm cũng là nguyên nhân gây tăng mỡ máu. Vì đường và cơm có chưa nhiều carbonhydrate đơn giản, thêm vào phần chất béo bão hòa từ dầu mỡ chiên lại nhiều lần, xuất xứ động vật, đây là những chất nguồn, chuyển hóa thành TG trong cơ thể.
Thứ hai, chính là chế độ vận động. Tất nhiên, đa phần đồng nghiệp của mình vẫn có tham gia thể thao, chạy bộ hoặc đá banh thường xuyên. Nhưng, đó là những vận động lâu, cuối ngày. Trong khi đó, bình thường, các bạn lại có hơn 8 tiếng chỉ ngồi làm việc, các cơ quan trong cơ thể hoạt động sản sinh ra chất béo nhưng chưa được tiêu thụ, dẫn đến tích lũy trong máu. Việc chạy nhảy cuối ngày, không làm tiêu hao hết được mức TG tích lũy. Chưa kể, các yếu tố stress và ít ngủ cũng làm trầm trọng thêm tình trạng tăng TG.
Cuối cùng, đó là do nguồn gốc di truyền. Người dân Nam Á có "cơ địa" dễ bị tăng lipid máu hơn so với các dân tộc khác.
Vậy, phải làm thế nào để hạ TG máu??
Tất nhiên, nếu chỉ tăng một chỉ số TG và độ tuổi của các bạn còn quá trẻ, việc dùng thuốc là điều rất hạn chế, vì những tác dụng phụ của thuốc và sự lệ thuộc vào thuốc trong tương lai. Nên, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt là rất cần thiết.
- Ăn nhiều rau củ, giàu chất xơ hoặc bổ sung viên uống giàu chất xơ là điều vô cùng cần thiết.
- Giảm ngọt, giảm lượng tinh bột (từ cơm trắng, bánh mỳ) xuống mức hợp lý
- Tranh thủ vận động giữa giờ. Có thể đứng lên, đi lại, vận động nhẹ mỗi 1 giờ làm việc, tránh căng thẳng và giữ 1 tư thế quá lâu.
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ. Lý tưởng nhất là ngủ lúc 10-11h, và trong 7-8 tiếng để cơ thể thải độc.
- Giảm cân nếu BMI cao
- Định kỳ khám sức khỏe để kiểm tra các chỉ số
Đừng quên, tăng TG là một vấn đề không nên chủ quan. Ngoài những nguy cơ biến chứng tim mạch (độ quỵ, nhồi máu cơ tim) mà bạn thường nghe nói, tăng TG có làm tăng nguy cơ Viêm tụy cấp - một tình trạng bệnh lý khá nguy hiểm.
-He-Info