30/07/2023
Loại bỏ thông tin xấu, độc, sai sự thật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội.
Xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự hình thành sự kết nối cộng đồng mà biểu hiện của nó là sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội. Bất kể người dùng Internet nào hiện nay đều sở hữu cho mình những tài khoản trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Intagram,… Những mạng xã hội này thu hút hàng chục triệu người sử dụng, chủ yếu là giới trẻ độ tuổi lao động. Đây là một kênh cung cấp, chia sẻ thông tin cực kỳ quan trọng của xã hội hiện đại.
Lợi ích mà mạng Internet đưa lại là điều ai cũng thấy được, kết nối con người với con người ở tốc độ không tưởng, chỉ bằng một lần chạm. Tuy nhiên với sự phát triển đó cũng gây ra nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất là những thông tin giả, sai sự thật, bôi nhọ, nói xấu trên mạng xã hội. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội; xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà nó còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội; làm giảm uy tín của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói mạng xã hội đang là công cụ nguy hiểm nhất mà các đối tượng có thể tiếp cận và định hướng người đọc theo chiều hướng xấu mà chúng muốn với đặc tính lan truyền nhanh, có khả năng mở rộng phạm vi tác động, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, gây ảnh hưởng trên diện rộng mà có thể vượt qua bất kỳ phương thức nào.
Nhận diện thông tin xấu, độc
Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…
Bên cạnh đó là những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, kích động nhân dân… Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc thì các đối tượng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Nguồn phát chủ yếu từ một số tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài hướng vào trong nước. Không chỉ tung tin xấu độc trên 3 nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, có nhiều sự kiện với mục đích thông tin nhanh hơn nên các đối tượng sử dụng tính năng livestream.
Những cách thức của các thế lực thù địch sản xuất tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng là “dối trá, xuyên tạc". Các đối tượng lấy hình ảnh hoạt động từ báo chí chính thống rồi cắt ghép, xào nấu, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt, cài cắm thêm nhiều tin giả. Để phát tán thông tin xấu, độc lên không gian mạng, những tổ chức, cá nhân phản động thực hiện dưới 3 thủ đoạn.
Một là, dùng tài khoản mạo danh - lập ra những tài khoản mang tên các lãnh đạo cấp cao hoặc các cơ quan ban ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, VTV, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an…
Đây là những cơ quan thường phát đi những thông tin quan trọng, được dư luận quan tâm. Việc mạo danh này khiến nhiều người lầm tưởng.
Hai là, lập các tài khoản lấy tên giống như cơ quan báo chí (Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt nam… ) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường VN…) gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.
Ba là, dùng tài khoản chính danh như Tổ chức Việt Tân, RFA, Thoibao.de…
Đây là những thủ đoạn đã xuất hiện trên không gian mạng trong thời gian qua. Gần đây các nhóm, các đối tượng thù địch sản xuất theo mức độ, tốc độ chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn. Rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, tần suất những clip này xuất hiện nhanh hơn, nội dung cũng được đầu tư hơn dựa trên nguyên tắc bắt đầu từ một thông tin có thật sau đó cắt ghép, cài cắm thêm những tình tiết không xác thực nhưng liền mạch khiến cho cán bộ, đảng viên và người dân dễ bị lầm tưởng.
Nguyên nhân và giải pháp phòng chống
Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: tính chất đặc biệt của mạng Internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn…
Giải pháp phòng tránh
Để nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nhận diện, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Tăng cường quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó cần chú ý quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…
Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong tuyên truyền đấu tranh, phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ba là, nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét… không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực… Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình. Cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu.
Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”. Do đó phải nhìn nhận đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
News & media website