13/05/2024
💥 HIỆN NAY, UBND HUYỆN DIÊN KHÁNH NÓI CHUNG VÀ UBND CÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DIÊN KHÁNH NÓI RIÊNG ĐANG KHẨN TRƯƠNG, TÍCH CỰC TUYÊN TRUYỀN, TỔ CHỨC TRIỂN KHAI ĐẾN NHÂN DÂN VIỆC LẤY Ý KIẾN CỬ TRI VỀ ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ XÃ DIÊN KHÁNH VÀ CÁC PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ DIÊN KHÁNH.
💥 Dưới đây là một số sơ lượt về sự hình thành của huyện Diên Khánh và sự cần thiết việc thành lập Thị xã Diên Khánh và các phường thuộc Thị xã Diên Khánh.
Có thể các bạn nhìn vô sẽ thấy bài viết dài nhưng mong các bạn quan tâm đọc để cho mình có sự lựa chọn khi bạn nhận được phiếu lấy ý kiến từ cơ quan nhà nước để đánh giá tích cực cà khách quan nhất.
Mong các bạn thông cảm.
💥 LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN DIÊN KHÁNH
Nửa cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, sau nhiều đợt di cư, người Việt từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các nơi khác đến cư trú trên địa phận Diên Khánh ngày nay ngày càng nhiều. Nhiều vùng đất hoang vu được khai phá. Xóm làng mọc lên ngày càng đông đúc. Khi có dân, chúa Nguyễn đã thành lập các đơn vị hành chính. Đầu tiên là dinh Thái Khang với hai phủ Thái Khang và Diên Ninh.
Năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần lập dinh Thái Khang, gồm 2 phủ là phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh, Diên Ninh có 03 huyện: huyện Phước Điền, huyện Vĩnh Xương và huyện Hoa Châu. Diên Khánh là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Phủ Diên Khánh có 03 huyện: huyện Phước Điền có 27 xã, thôn; huyện Vĩnh Xương có 17 xã, thôn; huyện Hoa Châu có 03 tổng, 1 trang -không nêu rõ tên xã và thôn. Lúc bấy giờ huyện Phước Điền (tức huyện Diên Khánh sau này) thuộc phủ Diên Khánh. Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Diên Khánh gồm có 2 huyện Phước Điền và Vĩnh Xương (huyện Hoa Châu nhập vào huyện Phước Điền).
Sau khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, Pháp tiến hành thay đổi về mặt hành chính. Vào năm 1910, tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ Ninh Hòa, Diên Khánh và 2 huyện Vạn Ninh, Vĩnh Xương. Phủ Diên Khánh có 5 tổng, 38 xã, thôn - không nêu rõ tên tổng, tên xã và tên thôn.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1948, chính quyền cách mạng quyết định xóa bỏ phủ Diên Khánh thành lập huyện Diên Khánh như ngày nay (theo Sắc lệnh số 148-SL ngày 25/3/1948 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).
Trong chiến tranh Việt Nam, địa bàn huyện Diên Khánh có những thay đổi, nhiều lần nhập, tách với các xã của huyện Vĩnh Xương và Cam Ranh. Từ năm 1950-1954, nhập 2 huyện Vĩnh Xương và Diên Khánh thành huyện Vĩnh Khánh. Thời Việt Nam Cộng Hòa huyện có lúc tạm thời chia làm 4 đơn vị: 2 huyện miền núi Vĩnh Sơn, Vĩnh Khánh (1961-1975) và 2 huyện đồng bằng là Cửu Long và Hương Giang, đồng thời nhập một số xã của Vĩnh Xương (Vĩnh Phương, Vĩnh Lương, Vĩnh Hải, Vĩnh Ích) cho Diên Khánh (1961-1975).
- Năm 1976, bảy xã của huyện Vĩnh Xương được nhập vào huyện Diên Khánh thành huyện Khánh Xương.
- Ngày 10/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP. Theo đó:
Sáp nhập 7 xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung (vốn thuộc huyện Vĩnh Xương cũ) vào thị xã Nha Trang để thành lập thành phố Nha Trang.
Hợp nhất hai huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh để tái lập huyện Diên Khánh.
Huyện Diên Khánh sau khi tái lập bao gồm 24 xã: Diên An, Diên Bình, Diên Điền, Diên Hòa, Diên Lạc, Diên Lâm, Diên Lộc, Diên Phú, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Tân, Diên Thạnh, Diên Thọ, Diên Thủy, Diên Toàn, Khánh Bình, Khánh Lê, Khánh Minh, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thượng, Khánh Vinh, Suối Cát và Suối Hiệp.
- Ngày 27 tháng 3 năm 1978, thành lập xã Diên Đồng và xã Diên Xuân theo Quyết định số 54-BT Phủ Thủ tướng về việc thành lập một số xã thuộc tỉnh Phú Khánh.
- Ngày 30 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 100-HĐBT. Theo đó:
Thành lập thị trấn Diên Khánh trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Diên Thủy và một phần diện tích, dân số của các xã Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên An, Diên Sơn và Diên Điền.
Chia xã Suối Cát thành 2 xã: Suối Cát và Suối Tân.
- Ngày 27 tháng 6 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 189-HĐBT tách 7 xã: Khánh Bình, Khánh Lê, Khánh Minh, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thượng và Khánh Vinh để tái lập huyện Khánh Vĩnh.
Huyện Diên Khánh còn lại thị trấn Diên Khánh và 19 xã: Diên An, Diên Bình, Diên Điền, Diên Đồng, Diên Hòa, Diên Lạc, Diên Lâm, Diên Lộc, Diên Phú, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Tân, Diên Thạnh, Diên Thọ, Diên Toàn, Diên Xuân, Suối Cát, Suối Hiệp, Suối Tân.
- Ngày 13 tháng 9 năm 1985, chia xã Suối Cát thành 2 xã: Suối Cát và Suối Tiên.
Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Khánh Hòa được tái lập, huyện Diên Khánh trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, bao gồm thị trấn Diên Khánh và 20 xã: Diên An, Diên Bình, Diên Điền, Diên Đồng, Diên Hòa, Diên Lạc, Diên Lâm, Diên Lộc, Diên Phú, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Tân, Diên Thạnh, Diên Thọ, Diên Toàn, Diên Xuân, Suối Cát, Suối Hiệp, Suối Tân, Suối Tiên.
- Ngày 11 tháng 4 năm 2007, chuyển hai xã Suối Tân và Suối Cát về huyện Cam Lâm mới thành lập.
Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 894/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Khánh Hòa (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2020). Theo đó, sáp nhập hai xã Diên Bình và Diên Lộc thành xã Bình Lộc.
Huyện Diên Khánh có 1 thị trấn và 17 xã như hiện nay.
🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳
💥 SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP THỊ XÃ DIÊN KHÁNH VÀ CÁC PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ DIÊN KHÁNH
1. Sự cần thiết thành lập thị xã Diên Khánh
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, có diện tích tự nhiên 5.199,62 km², quy mô dân số 1.474.028 người. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 06 huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện Trường Sa. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: ”Khánh Hòa là thành phố trực thuộc trung ương”.
Tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Khánh Hòa và các tỉnh thuận lợi nhờ đường sắt và Quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Vị trí địa lý của tỉnh Khánh Hòa còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, vì nằm gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ thông ra Biển Ðông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ.
Huyện Diên Khánh nằm ở khu vực trung tâm tỉnh Khánh Hòa, có vị trí tiếp giáp thành phố Nha Trang về phía Tây, huyện Cam Lâm về phía Bắc, huyện Khánh Vĩnh về phía Đông, huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa về phía Nam. Trung tâm huyện lỵ của Diên Khánh hiện nay là thị trấn Diên Khánh, cách trung tâm thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây. Kết nối thuận lợi với các huyện, thành phố của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là kề cận với thành phố Nha Trang về không gian đô thị và các hoạt động kinh tế, cũng như có vai trò hỗ trợ cho huyện Khánh Vĩnh ở phía Tây và các vùng phụ cận khác. Hệ thống đường giao thông đối ngoại rất thuận lợi, bao gồm hệ thống đường bộ (Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1C, Quốc lộ 27C, tuyến tránh Quốc lộ 1, tỉnh lộ 653 và 652H,...), đường sắt Bắc Nam; đường bộ Cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn 06 xã đang được triển khai xây dựng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối của đô thị Diên Khánh với các địa phương khác trên cả nước. Ngoài ra, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đoạn qua địa bàn huyện Diên Khánh (có vị trí ga tại xã Diên Thạnh và depot tại xã Diên Điền) cũng đang được nghiên cứu thiết kế, đây cũng là dự án thúc đẩy sự phát triển và sự kết nối của đô thị Diên Khánh.
Vị trí của Diên Khánh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án phát triển công nghiệp, thu hút lao động từ các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng. Ngoài ra, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Diên Khánh cũng đang được quan tâm, một số dự án đã và đang được đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá, kết hợp với phục vụ du lịch như: Thành cổ Diên Khánh, khu di tích Am Chúa,… Các khu du lịch sinh thái, tuyến du lịch đồng quê được đẩy mạnh khai thác như: Suối Tiên, Memento,... Hoạt động lễ hội kết hợp với nhu cầu tham quan của du khách có xu hướng phát triển.
Diên Khánh được xác định là một trong những trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn và sinh thái nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa. Đây là khu vực đang tương tác tích cực và gắn kết với sự phát triển của thành phố Nha Trang trong các hoạt động dịch vụ du lịch, góp phần làm phong phú và đa dạng các sản phẩm du lịch Nha Trang cũng như của tỉnh Khánh Hòa. Nhiều dự án khu đô thị mới, khu dân cư phát triển mới ở khu vực phía Tây Nha Trang như: Khu đô thị mới Phúc Khánh 2 tiếp giáp với thành phố Nha Trang, cùng một số dự án trung tâm đô thị Diên Khánh như khu dân cư và thương mại dịch vụ Diên An, khu đô thị mới Nam Sông Cái,... có sự kết nối trực tiếp với đô thị Diên Khánh thông qua các trục đường giao thông chính như: đường Võ Nguyên Giáp, đường 23/10. Không gian phát triển đô thị Diên Khánh cũng là không gian để bố trí một số chức năng vệ tinh, hỗ trợ cho nhu cầu phát triển của thành phố Nha Trang.
Trong những năm qua, UBND tỉnh Khánh Hòa và các ngành đã quan tâm đầu tư, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, mở rộng không gian đô thị để tạo động lực và cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội. Diên Khánh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế địa phương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 95,55% năm 2021 lên 96,68% năm 2023. Tốc độ phát triển kinh tế 3 năm gần nhất (2021-2023) là 13,50%/năm. Các công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư như: Mở rộng Hương lộ 5 (Tỉnh lộ 8-Am Chúa); Đường gom dọc QL 27C khu đô thị hành chính huyện; Đường D6 (Tỉnh lộ 2-QL 27C)...; CSHT các khu tái định cư: Bình Lộc, Diên Sơn, Diên Lạc, khu dân cư và tái định cư Diên An (trong đó có Trung tâm dịch vụ thương mại); hoàn chỉnh thủ tục đầu tư các dự án: Kè và đường dọc bờ Nam sông Cái, đoạn qua xã Diên An, huyện Diên Khánh, Kè và đường dọc sông Cái Nha Trang, đoạn qua thị trấn Diên Khánh và xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Đường nối Diên Lộc- Diên Bình... Hoàn thành khối lượng các dự án xong trong năm 2023 như: Kè và tuyến đường số 1 dọc sông Cái và sông Suối Dầu, Kè và đường dọc sông nhánh nối sông Cái và sông Đồng Đen (giai đoạn 2), Trạm bơm Trảng Găng… góp phần nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Diên Khánh.
Ngoài ra, Diên Khánh được định hướng phát triển thành thị xã từ rất sớm nên khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã dự kiến phát triển thành nội thị cũng đã bám sát các tiêu chuẩn đô thị, làm thay đổi đáng kể bộ mặt các xã và đời sống người dân nông thôn. Từ các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, vốn của các doanh nghiệp, vốn đóng góp của nhân dân,.. huyện đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới như: Đường giao thông, điện chiếu sáng, trụ sở làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị, các trường học, chợ, nhà văn hóa, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra diện mạo đô thị, nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường liên xã Diên Sơn, Diên Điền, đảm bảo 100% các đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, các phương tiện đi lại thuận tiện. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao,..đã được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, nâng cao mức độ thụ hưởng cho người dân. Hầu hết các xã đã không còn nhà tạm, dột nát. Đến nay, toàn huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn các tiêu chí theo Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 của UBND tỉnh Khánh Hoà, trong đó 06 xã Diên Điền, Diên An, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Phú, Diên Sơn công nhận nông thôn mới nâng cao và thị trấn Diên Khánh đạt chuẩn Đô thị văn minh.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng đô thị của Diên Khánh phần lớn đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa tại Quyết định số 220/QĐ-BXD, ngày 02 tháng 03 năm 2021.
Tuy nhiên, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn huyện Diên Khánh những năm gần đây đã phát sinh những khó khăn phức tạp trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Là chính quyền nông thôn, nhưng hiện nay việc quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý về kinh tế - xã hội như giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, hộ khẩu, nhân khẩu, an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội,.. là vấn đề bức xúc hàng ngày, phức tạp của đô thị và không còn phù hợp với mô hình quản lý nông thôn. Ngoài ra, sự phát triển của các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch trên địa bàn, tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng nhanh dân số cơ học đã nảy sinh nhiều tác động xã hội cần phải tập trung giải quyết kịp thời. Do đó, việc thành lập thị xã Diên Khánh là nhu cầu khách quan, nhằm giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hoá hiện nay.
Thị xã Diên Khánh được thành lập sẽ góp phần vào thực hiện quy hoạch chung đô thị Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040; quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳
2. Sự cần thiết thành lập các phường trực thuộc thị xã Diên Khánh
Khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc thị xã Diên Khánh, gồm: Thị trấn Diên Khánh và 09 xã: Diên Thạnh, Diên Phú, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Toàn, Diên An, Diên Sơn, Diên Điền và Suối Hiệp. Đây là khu vực phân bố không gian xây dựng đô thị đã phát triển tập trung ở khu vực lõi trung tâm và không gian sinh thái cảnh quan nông lâm nghiệp, di tích lịch sử tại khu vực ranh giới phía Bắc và phía Nam của khu vực dự kiến phát triển thành nội thị. Không gian sinh thái cảnh quan này đã và đang phát triển theo định hướng du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tâm linh, đặc biệt là di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh và Am Chúa tại xã Diên Điền.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa trên địa bàn đã làm thay đổi căn bản diện mạo huyện Diên Khánh nói chung, thị trấn Diên Khánh và các xã phụ cận: Diên Thạnh, Diên Phú, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Toàn, Diên An, Diên Sơn, Diên Điền, Suối Hiệp nói chung. Đây cũng là khu vực dự kiến phát triển nội thị theo Quyết định số 220/QĐ-BXD, ngày 02/03/2021 của Bộ Xây dựng.
Nhìn chung, việc thành lập thị xã Diên Khánh và các phường trực thuộc thị xã Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc của huyện Diên Khánh hiện nay là phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế của huyện Diên Khánh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa cũng như huyện Diên Khánh. Thành lập thị xã Diên Khánh và các phường sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa chung của tỉnh, với vai trò là trung tâm phát triển hài hòa công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp, có trình độ phát triển đô thị và kinh tế cao, gắn với không gian phát triển của thành phố Nha Trang. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ và du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và công dân thân thiện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳
💥 CHỨC NĂNG, VAI TRÒ ĐỐI VỚI VIỆC THÀNH LẬP THỊ XÃ DIÊN KHÁNH.
Thành lập thị xã Diên Khánh và các phường thuộc thị xã Diên Khánh góp phần thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây là Nghị quyết số 09-NQ/TW đã đề ra mục tiêu:
Đến năm 2030, Khánh Hoà là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng lợi thế biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hoà và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, phải đảm bảo tiêu chuẩn (Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị hành chính; Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận). Do vậy, thành lập thị xã Diên Khánh góp phần đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi thị xã Diên Khánh được thành lập, tỷ lệ đô thị hoá tăng thêm đóng góp vào tỷ lệ đô thị hoá tỉnh Khánh Hoà là 6,25%. Hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Khánh Hòa 44,80%, chỉ tính riêng sau thi thành lập thị xã Diên Khánh, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Khánh Hòa đạt 51,05%. Do vậy thành lập thị xã Diên Khánh cũng góp phần hoàn thành mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa 65% mà Nghị quyết số 09-NQ/TW đã đề ra.
Không gian phát triển đô thị Diên Khánh gắn liền với TP. Nha Trang để thành đô thị trung tâm của toàn tỉnh. Chức năng chính là dịch vụ thương mại, kết hợp với du lịch sinh thái - văn hóa lịch sử, nông nghiệp sạch và công nghiệp sạch, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng từ phía tây cho khu đô thị mới phía tây TP. Nha Trang.