Thành phố Cao Lãnh là đô thị vùng sông nước Đồng Tháp Mười, cách Thành phố Hồ Chí Minh 154km, Thành phố Cần Thơ 80 km; phía Bắc và phía Đông giáp huyện Cao Lãnh, phía Nam giáp huyện Lấp Vò, phía Tây giáp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trước kia “Cao Lãnh” được nhắc đến với cái tên là “Câu Lãnh”, theo truyền thuyết vào năm 1820 có ông Đỗ Công Tường (là người làm chức câu đương) cùng vợ đã làm nhiều
điều phước cho dân chúng trong vùng bị nạn dịch tả, để tưởng nhớ công đức đó, người dân đã lập miếu thờ, gọi là miếu ông bà chủ chợ Câu Lãnh, nhưng dần về sau 02 chữ “Câu Lãnh” đọc lệch âm thành “Cao Lãnh”. Từ năm 1956 trở về trước Cao Lãnh chỉ là một phần của Quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Năm 1976 đến năm 1983 là thị trấn - huyện lỵ của huyện Cao Lãnh. Từ năm 1983 đến năm 1990 là thị xã và từ năm 1990 trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Ngày 16 tháng 01 năm 2007 được Chính phủ công nhận là Thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp, với 15 đơn vị hành chính, gồm 08 phường và 07 xã. Thành phố hiện có 52 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 2.185 đảng viên. Cơ cấu kinh tế, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 60,49%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27,98% và nông nghiệp chiếm 11,53%. Thế mạnh của Thành phố là thương mại - dịch vụ, mạng lưới kinh doanh thương mại có 01 siêu thị và 19 chợ, phần lớn chợ hình thành có quy hoạch nên vị trí phù hợp và có điều kiện phát triển. Là trung tâm kinh tế - văn hóa của Tỉnh, trên địa bàn thành phố còn có nhiều loại hình dịch vụ cao cấp khác như: hệ thống tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục,… phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về thị trường chứng khoán đã có 02 công ty cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch và trụ sở tại Thành phố là Công ty cổ phần dược phẩm Imexpham và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2006 đạt hơn 1.782 tỷ đồng, tăng 21,63%. Trên địa bàn có 08 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tổng kim ngạch nhập khẩu bình quân hàng năm đạt 63,07 triệu USD, xuất khẩu đạt 86,66 triệu USD. Về công nghiệp: có 01 Khu công nghiệp Trần Quốc Toản với diện tích là 55,937ha, dự kiến sẽ mở rộng thêm 180ha, là một trong hai khu công nghiệp tập trung của tỉnh nằm trong hệ thống các khu công nghiệp của cả nước, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thành phố và của Tỉnh. Các mặt hàng ưu thế của Thành phố như chế biến gạo, thủy sản xuất khẩu, dược phẩm, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ,…
Về giao thông: từ hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém so với mạng lưới đô thị trong khu vực, đến nay đã từng bước chỉnh trang nâng cấp, tỷ lệ đường chính trong đô thị đạt 4,33 km/km2; các tuyến giao thông liên xã, liên huyện đều đã được bêtông và nhựa hóa. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông, kênh rạch lớn chảy qua với chiều dài hơn 1.462km; cảng Cao Lãnh là một trong các cảng sông lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên tuyến đường thủy quốc tế đi Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi trong việc gắn kết giữa sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh trong khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế. Về du lịch: Một trong những điểm mạnh của Thành phố là du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái, đến Thành phố Cao Lãnh, sẽ được viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một trong những điểm tham quan trọng tâm trong tuyến du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái của tỉnh như: Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu căn cứ địa cách mạng Xẻo Quít, rừng tràm sinh thái Gáo Giồng... Ngoài ra, còn có Bia Tiền Hiền Nguyễn Tú, di tích lịch sử cách mạng Hòa An, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Tỉnh, Bảo tàng, đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường, khu công viên Văn Miếu và các điểm du lịch miệt vườn...
Về nông nghiệp: Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, bố trí sản xuất phù hợp theo từng vùng, từng địa phương như: sản xuất lúa giống, xây dựng các khu vườn cây ăn trái kiểu mẫu, an toàn kết hợp phát triển dịch vụ du lịch, phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven sông Tiền…
Về giáo dục, có Trường Đại học sư phạm, Trường Cao đẳng cộng đồng, Trung tâm dạy nghề, Trường nghiệp vụ thể dục thể thao, Trường Trung học Y tế, 03 Trường trung học phổ thông, có 09 trường trung học cơ sở, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo được đầu tư khá hoàn chỉnh. Ngành Y tế, có Bệnh viện đa khoa, bệnh viện Y học dân tộc, viện điều dưỡng cán bộ, Quân y viện, riêng hệ thống Y tế do Thành phố quản lý có Phòng khám đa khoa khu vực và 15 trạm y tế tại các phường, xã. Về môi trường, luôn xanh, sạch, đẹp. Luôn coi trọng việc xóa đói giảm nghèo, năm 2000 từ 11,5% hộ nghèo đến 2006 còn 4,92%. Thành phố Cao Lãnh sẽ là một đô thị văn minh, năng động, có hệ sinh thái bền vững, phát triển hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với dân tộc và đặc thù về cảnh quan môi trường, đồng thời là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc sông Tiền. Để đạt được điều đó, Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo bước tăng trưởng đột phá về kinh tế. Thành phố kêu gọi sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp trong Tỉnh và Trung ương cho thành phố ngày càng phát triển, nhất là đầu tư cho các dự án lớn như: Khu thương mại Nghi Xuân và khu ẩm thực - phường 2; Khu thương mại, dịch vụ Bằng Lăng - phường Mỹ Phú; Khu thương mại, dịch vụ Phong Lan - phường 4; đường Nguyễn Văn Tre nối dài; khu nghỉ dưỡng ven Sông Tiền - phường 6; khu dân cư phường 4 - Hòa An; khu dân cư phường 11; dự án khu dân cư phường 6 - Tịnh Thới; khu dân cư khóm 5 - phường 1; đầu tư xây dựng, khai thác các chợ ở các cụm dân cư. Mặc dù là Thành phố trẻ, nhưng Thành phố Cao Lãnh sẽ là nơi “đất lành chim đậu”, nhờ hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên - xã hội và biết tạo ra môi trường bền vững cho phát triển kinh tế, du lịch và thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính trị thật sự vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực quản lý và điều hành. Đó là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững của Thành phố Cao Lãnh trong hiện tại và tương lai.