18/05/2023
Đàn Tính (hay còn gọi tên khác là Tính tẩu) cũng có nơi gọi là “Ăn tẩu" (một cách gọi dân dã). Vì vậy, một số nơi còn gọi là “Ăn tính” hoặc “Tàn tính” với nghĩa đàn Tính - giữ nguyên chữ “Tính” theo cách hiểu thông dụng của người Việt: Tính là một loại đàn chứ không có nghĩa Tính là “đàn” theo cách hiểu của người Tày. Nhưng sử dụng thông dụng nhất ở người Tày hiện nay là Tính tẩu - Tính là đàn, tẩu là bầu và theo cách gọi của người Việt là “đàn Tính”. Một số cách gọi rất phổ thông do căn cứ vào đặc thù phục vụ của cây đàn trong các nghi thức làm Then nên họ gọi nó là "đàn Tính". Từ những cách gọi trên có thể thầy rằng: tên gọi có thể khác nhau nhưng cùng dựa trên một sự vật cụ thể, đó là cây đàn Tính.
Đàn Tính là nhạc cụ được sử dụng trong các sinh hoạt nghi lễ Then của người dân Tày. Không phải ai cũng có thể chơi được đàn. Để làm ra được cây đàn Tính đòi hỏi rất nhiều yếu tố: biết đàn, biết hát, cảm thụ tốt các âm thanh vang ra từ cây đàn, cảm nhận được âm sắc của mỗi cây đàn, thật sự yêu quý cây đàn, hiểu quy trình làm đàn và đặc biệt phải có một đôi bàn tay khéo léo mới có thể làm được. Đàn Tính là một loại nhạc cụ gắn liền với hát Then. Đàn Tính luôn đi cùng với bộ xóc nhạc, nếu thiếu 1 trong 2 nhạc cụ này thì không thể thành cuộc Then hoặc diễn xướng Then được.
Qua nghiên cứu từ các tài liệu và quá trình tìm hiểu từ các nghệ nhân, nhạc sĩ chế tác tính tẩu thấy rằng: Đàn Tính có nhiều kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, những cái có kích cỡ to và dài thì thường có âm thanh to, khỏe, phù hợp với các giọng nam trầm, ấm. Loại có kích cỡ nhỏ, ngắn thường có âm thanh cao, sáng phù hợp với giọng nữ nhiều hơn. Chất liệu chính làm nên đàn Tính thường là có sẵn ở địa phương như quả bầu làm bầu đàn, gỗ thực mực, gỗ vông, lõi cây dâu rừng,… làm mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, khóa đàn, ngựa đàn. Cách chế tác thường bằng phương pháp thủ công cho nên thường cây đàn sẽ không có kích thước cố định.