30/10/2022
CÓ NHỮNG NGƯỜI LẶNG LẼ ĐI TÌM CÔNG LÝ CHO NHỮNG NẠN NHÂN VIỆT NAM BỊ QUÂN ĐỘI HÀN QUỐC THẢM SÁT.
Trong 4 năm qua, có một người phụ nữ vẫn lầm lũi giữa phố thị Seoul. Bà cầm tấm biển song ngữ Hàn - Việt với thông điệp: “Hãy chấp nhận sự thực và chịu trách nhiệm về chiến tranh Việt Nam” ở những góc phố đông người qua lại ở Dongdaemun, Gangnam, Gangdong ... Bà bị những người Hàn quăng những ánh mắt kì lạ, từng bị cảnh sát Hàn Quốc nhắc nhở, bà từng bị đe dọa, bị tấn công bằng lời nói và hành động…
Bà là Nguyễn Thị Thanh, năm nay 62 tuổi, là nạn nhân còn sống cuối cùng của vụ thảm sát làng Hà My, Điện Bàn, Quảng Nam. Trong 4 năm qua, bà mải miết đi tìm công lý, đòi lại sự công bằng cho bà và những nạn nhân của vụ thảm sát, bà từng trả lời những người Hàn Quốc đối diện rằng: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi và sự thừa nhận”. Vào một chiều mùa đông, bà cầm biểu ngữ đứng ở đường phố Seoul đầy tuyết rơi, người Hàn Quốc dừng lại vì thấy lạ. Với họ, làm gì có tội ác nào diễn ra ở Việt Nam? Những binh sĩ Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam anh hùng mà? Bà rơi nước mắt sau bấy nhiêu năm chịu đựng thảm sát và nhiều năm tìm kiếm công lý trong mòn mỏi còn những người thân của bà lần lượt mất đi.
Hồi tháng 8 vừa qua, vào một sáng trời mưa, bà Thanh tìm đến Ủy ban Sự thật và Hòa giải tại Jung-gu, Seoul, đi cùng với bà là ông Nguyễn Đức Chài đã 82 tuổi, một nạn nhân khác của vụ thảm sát, ông là một dân quân của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai ông bà gặp ủy viên Jeong Geun-sik và bày tỏ muốn có một cuộc điều tra tại làng Hà My. Tuy nhiên, ủy viên Jeong Geun-sik cho biết việc này “rất khó”.
Bà Thanh đã đấu tranh trong nhiều năm liền, đặc biệt từ năm 2020. Trong phiên điều trần vào năm đó, bà kể lại rằng chính bà đã nhìn thấy 5 thành viên trong gia đình bà bị bắn chết ngay tại chỗ còn bà bị thương ở một bên bụng, tai bà không nghe thấy gì và bà thoát chết do một xác người khác đã che cho bà. Trước đó, bà tham gia một phiên tòa giả định vào năm 2018 dưới sự đứng đầu của Tổ chức Hòa bình Hàn - Việt. Năm 2019, một bản kiến nghị được gửi đến Nhà Xanh yêu cầu điều tra về vụ thảm sát Hà My và cùng năm đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tái khẳng định rằng: “Không có bất cứ một vụ thảm sát nào được ghi nhận trong tài liệu của phía Hàn Quốc”.
“Dối trá, đó không phải là sự thực. Lịch sử đã bị gạch đi một cách cố tình và người ta đã làm như vậy để trốn tránh. Họ thừa biết vụ thảm sát là có thật nhưng họ không dám thừa nhận”.
Tại phiên điều trần thứ tư năm tháng 11/2021, cựu binh Jin-Sung Ryu ra điều trần và mô tả cách mà quân đội Hàn Quốc thảm sát dân thường Việt Nam nhưng những bằng chứng của ông Jin-Sung Ryu đã bị phủ quyết vì “bằn chứng đơn phương” và đồng đội của ông phủ quyết toàn bộ những điều đó.
Tháng 9 vừa qua, tại Vụ Dân sự 68 của Tòa án Quận Trung tâm Seoul, bà Thanh và ông Chài tham gia điều trần lần thứ tư. Một lần nữa, bà Thanh lại phải kể lại những gì diễn ra vào hôm ấy. Bà nhớ lại việc bà và những người thân ở góc hầm trú ẩn, một lính Hàn Quốc cầm quả lựu đạn giơ ra và ra hiệu cho những nạn nhân phải chiu ra, nếu không quả lựu đạn này sẽ bị ném vào trong hầm. Rồi em gái, em trai của bà Thanh đều bị hạ sát, còn dì ruột thì bị cưỡng bức và đâm nhiều nhất… Anh của bà bị chúng cột lên một cây chà là rồi một lính Hàn cầm súng lục bắn thẳng vào miệng.
Cũng tại phiên điều trần, theo ghi lại của phóng viên, đại diện của Chính phủ Hàn Quốc cho biết “Việt Cộng đã tàn sát dân thường và không phải là người lính Hàn Quốc”. Nhưng ông bà phản lại lời nói này bằng việc mô tả rõ quân phục, tiếng nói, vũ khí… của những người tham gia vụ thảm sát, chẳng lẽ Việt Cộng lại nói thông thạo tiếng Hàn Quốc ư? Hai ông bà quay sang nói với những người lính Hàn Quốc: “Tại sao các anh lại bắn súng vào trẻ em? Tại sao lại giết những người vô tội”.
Ông Chài khóc ngay tại phiên điều trần, ông nhớ lại cảnh mẹ ông bị giết, ông phải đi gom những mảnh xác lại để mai táng vì lính Hàn vứt ở mỗi nơi mỗi mảnh… Ngoài ra, ông và những người sống sót cố gắng đi tìm những xác chết, báo cho người dân ở các làng khác đến để chôn cất và cầu siêu.
Chủ tọa phiên tòa hỏi ông rằng có muốn nói điều gì không? Ông trả lời: “Tôi không đi mấy ngàn cây số sang đây chỉ để nói dối”.
Một phóng viên Hàn Quốc phỏng vấn ông bà sau phiên điều trần, hai ông bà cho biết có thể phiên điều trần sẽ không đem lại kết quả gì, nhưng hai ông bà vẫn sẽ đấu tranh không ngừng nghỉ và bền bỉ cho đến lúc họ không thể đi lại và nói được nữa.
—
Hiện nay, theo thông tin mới nhất mình nhận được từ các ký giả Hàn Quốc vào đầu tháng 10, một phiên điều trần thứ năm sẽ diễn ra vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.