09/02/2024
Trong thời gian qua có nhiều cuộc đình công vì chính trị thường xảy ra. Lý do và nguyên nhân thế nào?
Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết của Vũ Trần.
Ngo Tiny.
9/2/2024
..
Bài 1:
ĐÌNH CÔNG ĐÒI THAY ĐỔI CÁC ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG
Xét về tính chất, có hai loại đình công thường xảy ra: đình công vì nghề nghiệp và đình công vì chính trị. Loại đình công phổ biến nhất là đình công mang tính chất nghề nghiệp, mà nôm na gọi là đình công đòi tăng lương.
Nên nhớ rằng ở mỗi ngành nghề đều có tồn tại 2 nghiệp đoàn đối nghịch nhau: nghiệp đoàn đại diện cho người lao động và nghiệp đoàn đại diện cho người sử dụng lao động, gọi cho nhanh gọn là nghiệp đoàn của công nhân và nghiệp đoàn của chủ. Hai nghiệp đoàn này bắt buộc phải ngồi xuống với nhau tại bàn tròn để thương lượng và thảo thuận với nhau một bản hợp đồng về các điều kiện lao động, trong đó mọi vấn đề liên quan đến môi trường lao động đều được đem ra xem xét và thỏa thuận, bao gồm mức lương, thời gian thử việc, giờ nghỉ giải lao, nghỉ phép thường niên, nghỉ bệnh, thôi việc tạm thời hay vĩnh viễn, bảo hộ an toàn lao động vv… Bản hợp đồng ký xong thường có thời hạn hiệu lực nhất định, thông thường là ba năm. Trong thời gian đó cả hai bên chủ và công nhân phải tuân thủ theo những điều đã ký, và không có sự thay đổi nào được phép tự ý xảy ra. Cả hai bên không ai được phép đình công đòi tăng hay giảm lương, hoặc thay đổi các điều kiện lao động.
Tuy nhiên bản hợp đồng chung về điều kiện lao động cũng cho phép các doanh nghiệp được phép ứng dụng một cách uyển chuyển một số điều kiện lao động cho thích hợp với môi trường làm việc của ngành nghề, kể cả mức lương trả, miễn là không dưới mức lương tối thiểu mà bản hợp đồng chung đã quy định. Trường hợp này được gọi là bản hợp đồng các điều kiện lao động mang tính chất địa phương, nghĩa là chỉ áp dụng cho doanh nghiệp đó.
Trong thời gian 3 năm có hiệu lực của bản hợp đồng chung về các điều kiện lao động, dưới sức ép của lạm phát hoặc các yếu tố khác về nhân lực và sản xuất, cả phía công nhân và chủ đều đã nhen nhúm những suy nghĩ cho việc thay đổi một số điều kiện lao động, phổ biến nhất là yêu cầu đòi tăng lương, nhưng vì bị trói buộc bởi bản hợp đồng đã ký nên họ phải chờ. Vào thời điểm bản hợp đồng chung này sắp hết hiệu lực sẽ là thời điểm mà một trong hai bên, hoặc cả hai, sẽ đưa ra một vài yêu sách mới để yêu cầu thay đổi, mà phổ biến nhất là yêu cầu tăng lương từ phía nghiệp đoàn công nhân. Nếu bên nghiệp đoàn của chủ đồng ý với các yêu sách này thì hai bên sẽ bắt tay ký bản hợp đồng mới về các điều kiện lao động cho những năm sắp tới. Nhưng nếu yêu cầu tăng lương của bên nghiệp đoàn công nhân là quá đáng, tăng quá nhiều, thì bên phía nghiệp đoàn của chủ sẽ phản đối hoặc đưa ra con số thích hợp của họ. Hai bên lại tiếp tục cãi cọ và thương lượng, và nếu không giải quyết được mâu thuẫn thì bên nghiệp đoàn công nhân tuyên bố tiến hành đình công, với mục đích gây áp lực cho nghiệp đoàn bên chủ, buộc bên kia phải ngồi xuống cầm bút ký. Đây chính là hình thức đình công tiêu biểu nhất, tức là đình công vì nghề nghiệp.
Đình công vì nghề nghiệp có thể kéo dài vô thời hạn, mà kéo dài lâu như vậy thì phía bên chủ sẽ ngày càng khốn đốn do cơ sở doanh nghiệp không hoạt động được, lỗ lã chồng chất từng ngày. Chỉ có các công nhân nào không vào nghiệp đoàn thì lúc đó mới không được ngồi nhà đình công mà phải đi làm, và cũng vì thế chủ rất thích các công nhân không gia nhập nghiệp đoàn, vì đó chính là lực lượng lao động sẽ ở lại làm việc khi mà các công nhân khác quyết định ngồi nhà xơi nước. Người công nhân gia nhập nghiệp đoàn vẫn có quyền đi làm nếu muốn, bất chấp nghiệp đoàn của mình đang tổ chức đình công. Lý do chính thường là lý do tài chính của gia đình. Khi đình công thì chủ sẽ ngừng trả lương, và tiền phụ trợ của nghiệp đoàn chi trả cho những ngày đình công thường thấp hơn mức lương. Những công nhân có gánh nặng gia đình sẽ phải vất vả về tài chánh khi tham gia đình công, cho nên đình công càng kéo dài thì sẽ bắt đầu có hiện tượng bỏ cuộc, nghĩa là các công nhân thuộc nghiệp đoàn sẽ len lén quay lại chỗ làm. Nói ”len lén” là đúng, bởi vì trong thời gian đình công trước cửa các hãng xưởng hoặc chỗ làm lớn sẽ có các công nhân đại diện của nghiệp đoàn, hoặc đại diện công nhân tại chỗ làm, đứng tụ tập canh gác bên ngoài cổng, với mục đích là rình mò xem có ”kẻ phản bội” nào dám mon men đi làm hôm nay hay không (nghĩa là người có tham gia nghiệp đoàn, vì họ có danh sách đầy đủ các công nhân đang tham gia nghiệp đoàn).
Những người quay lại đi làm là những người làm cho cuộc đình công mất đi ý nghĩa, tức là chủ không còn phải lo lắng nữa vì đã có công nhân quay lại làm việc, và thế là phía chủ cũng không có gì gấp gáp để chấp thuận các yêu sách của phía công nhân đưa ra. Trên thực tế cũng đã có những cuộc đình công thất bại vì lý do này. Khi đình công kéo dài ròng rã, công nhân hết tiền đói meo, buộc phải bấm bụng quay lại chỗ làm ngày càng đông, và thế là cuộc đình công tan rã.
Khi cuộc đình công có vẻ kéo dài do phía bên chủ không nhượng bộ với các yêu sách được phía nghiệp đoàn công nhân đưa ra, thì nghiệp đoàn công nhân từ các ngành nghề khác sẽ bắt đầu nhảy vào cuộc, thường là các ngành nghề có liên quan hoặc có quan hệ gần với ngành đang đình công. Hiện tượng này được gọi là đình công ủng hộ tinh thần cho các công nhân ngành nghề kia, chứ không phải đòi tăng lương gì cả cho ngành nghề của mình. Đình công ủng hộ có thể kéo dài một ngày hoặc vài ngày. Đình công ủng hộ mà vẫn chưa gây đủ sức ép thì các nghiệp đoàn công nhân khác sẽ nhảy vào cùng đình công mỗi ngày một đông, tức là đình công đã lan rộng. Khi đó nghiệp đoàn chủ doanh nghiệp của các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng lây, khiến họ phải gây áp lực lên phía chủ kia, và dưới quá nhiều áp lực như vậy, nghiệp đoàn các người chủ nọ buộc phải ngậm ngùi đặt bút ký vào bản hợp đồng mới với mức lương tăng lên như bên nghiệp đoàn công nhân đã yêu cầu.
Thông thường khi các nghiệp đoàn khác bắt đầu nhảy vào đình công để ủng hộ thì cũng là lúc chính phủ bắt buộc phải ra tay, bởi lẽ đình công càng lan rộng thì kinh tế và xã hội sẽ ngày càng bị tê liệt, đời sống mọi người dân ngày càng khó khăn do đình công ảnh hưởng. Thế là chính phủ phải đề cử ra một người hòa giải, ngồi vào ghế giữa của cuộc họp thương thuyết để giúp cho hai bên tìm ra được giải pháp chung và kết thúc cuộc đình công. Thường thì các cuộc đình công ở Phần Lan đều đi đến giai đoạn này, nghĩa là cần có sự can thiệp và hòa giải của chính phủ để tìm ra giải pháp thích hợp cho cả hai bên.
Christopher Vũ Trần
Viết ngày 31.1.2024..
bài 2:
LÀN SÓNG ĐÌNH CÔNG TẠI PHẦN LAN NĂM 2024 VÌ MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ
Hôm nay, thứ Tư 31.1.2024 đất nước Phần Lan vừa bước vào ngày đầu tiên của một chuỗi đình công kéo dài 3 ngày, từ thứ Tư cho đến thứ Sáu. Tính chất của cuộc đình công lần này là chống lại chính phủ Phần Lan, tức là một làn sóng đình công hoàn toàn mang màu sắc chính trị.
Làn sóng đình công lần này bắt đầu bằng cuộc đình công của các nhà trẻ vùng thủ đô (hôm nay, 31/1). Các nhà trẻ tiếp tục đình công ngày mai (thứ Năm 2/2) thêm một ngày nữa, đồng thời ngày mai sẽ có sự tham gia của nhiều cuộc đình công mới từ các siêu thị thực phẩm, từ ngành giao thông hàng không, ngành bưu điện, ngành giao thông vận tải, và các ngành công nghiệp. Đến ngày mốt (thứ Sáu 2/2) các nhà trẻ và siêu thị thực phẩm sẽ kết thúc đình công, các ngành còn lại là giao thông hàng không, bưu điện, giao thông vận tải và công nghiệp sẽ tiếp tục, cộng thêm nữa là ngành giao thông công cộng, bao gồm ngành đường sắt (tàu hỏa/xe lửa, tàu điện ngầm metro, xe điện tram) và xe buýt công cộng.
Như đã nói, các cuộc đình công tuần này không phải là đình công vì nghề nghiệp, tức là không hề đòi tăng lương hay thay đổi điều kiện lao động nào, mà là đình công chống lại chính phủ Phần Lan, để phản đối các chính sách mới mà chính phủ đang và sắp ban hành có liên quan đến người lao động, mà tựu trung là bất lợi cho người lao động và làm giảm sức ảnh hưởng của các nghiệp đoàn công nhân. Nghiệp đoàn các chủ doanh nghiệp không có tham gia đình công lần này vì những chính sách đó của chính phủ xem ra chỉ có lợi cho họ.
Thông thường, dưới danh nghĩa nhằm tăng hiệu quả cho hoạt động của các doanh nghiệp, tăng sức sản xuất, giảm thất nghiệp, và chung quy lại cũng là để tiết kiệm ngân sách quốc gia, chính phủ có thể ban hành một số chính sách mới liên quan đến các điều kiện lao động, và các chính sách này có thể đi ngược lại hoặc khác đi với những điều đã được thỏa thuận trong bản hợp đồng giữa các nghiệp đoàn. Đường lối chính trị của các đảng phái cũng ảnh hưởng đến những chính sách này. Chẳng hạn đảng Kokoomus của Phần Lan (như một hình thức đảng Cộng hòa tại Mỹ) nổi tiếng là đảng đại diện cho người giàu, mà trong số người giàu dĩ nhiên là có các chủ doanh nghiệp. Đảng Keskusta cũng vậy, đại diện cho nông dân, mà nông dân Phần Lan cũng thường là người giàu vì làm chủ rừng và ruộng đất trong tay. Các đảng này không được các nghiệp đoàn công nhân yêu thích, nhưng ngược lại được nghiệp đoàn các chủ doanh nghiệp ủng hộ cao. Trong khi đó, đảng Dân chủ xã hội SDP và đảng cánh tả Vasemmisto là hai đảng đại diện cho người lao động và người nghèo, cho tầng lớp công nhân, và cũng vì vậy mà được các nghiệp đoàn của công nhân ủng hộ.
Chính phủ mới của Phần Lan hiện đang nằm trong tay của đảng Kokoomus cho nên hứa hẹn sẽ là những năm sóng gió với các nghiệp đoàn công nhân ở Phần Lan. Và quả như vậy, chính phủ sau khi vừa nhậm chức đã lập tức đưa ra một danh sách dài những quy định mới về lao động, hứa hẹn nhiều điều có lợi cho phía doanh nghiệp. Thế là nghiệp đoàn của các công nhân nổi giận, và họ quyết định đình công – một cuộc đình công ra mặt để phản đối chính phủ. Mục đích của cuộc đình công vì chính trị là gây sức ép lên chính phủ, buộc chính phủ phải rút lại ý định ban hành các chính sách mà phía công nhân cho là khắc nghiệt hay vô lý.
Nếu cuộc đình công vì chính trị của một vài nghiệp đoàn công nhân không đủ gây sức ép lên chính phủ, buộc chính phủ phải chịu thua và rút lại hay sửa đổi lại các chính sách đổi mới của mình cho ”nhẹ nhàng” hơn thì cuộc đình công chính trị cũng sẽ có nguy cơ lan rộng hoặc diễn ra triền miên, mà đỉnh điểm là cuộc tổng đình công toàn quốc (tiếng Phần Lan: yleislakko). Khi đó tất cả các nghiệp đoàn công nhân của mọi ngành nghề tại Phần Lan sẽ đồng loạt đình công trong một hoặc nhiều ngày, và hậu quả sẽ tương tự như một xã hội đóng cửa (lockdown) thời Covid. Một cuộc tổng đình công như vậy sẽ gây thiệt hại vô bờ bến cho đất nước.
Vậy thì đâu là nguyên nhân phía sau của làn sóng đình công chính trị lần này tại Phần Lan? Trong bài viết số 3 chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua 6 vấn đề mấu chốt trong các chính sách mới sắp ban hành mà đã làm cho các nghiệp đoàn công nhân nổi giận.
Christopher Vũ Trần
Viết ngày 31.1.2024
Đón đọc bài 3: SÁU NGUYÊN NHÂN GÂY RA LÀN SÓNG BIỂU TÌNH CHÍNH TRỊ NĂM 2024...
Bài 3:
SÁU NGUYÊN NHÂN GÂY RA LÀN SÓNG BIỂU TÌNH CHÍNH TRỊ NĂM 2024
Tân chính phủ của Phần Lan, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Petteri Orpo, đã ra một danh sách dài về những đổi mới sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 4 năm này, liên quan đến các điều kiện lao động, trợ cấp thất nghiệp cũng như quyền đình công mang mục đích chính trị. Trong danh sách này có 6 yếu tố quan trọng đã châm ngòi cho làn sóng đình công chính trị đang dấy lên tại Phần Lan từ mùa thu vừa qua và trong những ngày này.
1. Mở rộng tầm ảnh hưởng của bản hợp đồng lao động mang tính địa phương
Như ở bài viết số 1 đã có giải thích, ngoài bản hợp đồng chung về các điều kiện lao động đã được thỏa thuận giữa nghiệp đoàn của chủ và công nhân thì người chủ có tham gia nghiệp đoàn các chủ doanh nghiệp được phép ứng dụng linh động các điều kiện lao động này vào trường hợp của doanh nghiệp mình, theo khả năng và tình hình sản xuất của doanh nghiệp, cũng như hoàn cảnh tại địa phương, trong khuôn khổ những điều mà bản hợp đồng chung đã ký, chẳng hạn như không được trả lương thấp hơn mức tối thiểu. Đây được gọi là bản hợp đồng doanh nghiệp mang tính địa phương, chỉ được áp dụng tại doanh nghiệp đó.
Theo luật đã ban hành từ trước đến nay thì trong bản hợp đồng chung có những khoản quy định, chẳng hạn như liên quan đến giờ giấc làm việc, mà người chủ doanh nghiệp không được phép linh động khi thảo ra hợp đồng các điều kiện lao động mang tính địa phương cho doanh nghiệp của mình – trừ khi người chủ này có tham gia vào nghiệp đoàn dành cho các chủ doanh nghiệp đã ký kết vào bản hợp đồng chung. Tân chính phủ muốn xóa bỏ điều luật này và cho phép ngay cả các chủ doanh nghiệp không cần tham gia vào nghiệp đoàn của chủ nhưng vẫn có được quyền linh động như vừa nêu. Điều này làm cho nghiệp đoàn về công nghiệp sợ rằng chính phủ sẽ tạo cho các người chủ không tham gia nghiệp đoàn sẽ có nhiều quyền lực hơn khi thỏa thuận các điều kiện lao động trong bản hợp đồng mang tính địa phương của mình. Yếu tố này sẽ giảm đi sự quan tâm tham gia của người chủ vào các nghiệp đoàn dành cho chủ doanh nghiệp, và nếu không tham gia như vậy thì sẽ không bị bản hợp đồng chung kia ràng buộc, nói cách khác là các quyền lợi của người công nhân sẽ bị yếu đi, bởi lẽ bản hợp đồng chung kia là kết quả thỏa thuận đã ký kết giữa nghiệp đoàn công nhân và chủ.
Ngoài ra tân chính phủ cũng muốn một thay đổi mới tại chỗ làm, rằng không nhất thiết phải là một người thay mặt nghiệp đoàn công nhân trong cương vị đại diện cho công nhân ở chỗ làm, mà có thể là một người không phải là thành viên của nghiệp đoàn công nhân cũng được phép đại diện cho công nhân để đứng ra thương thuyết các vấn đề với chủ. Chính sách này sẽ làm giảm bớt quyền lực và ảnh hưởng của nghiệp đoàn công nhân tại chỗ làm.
2. Giới hạn quyền đình công
Tân chính phủ sẽ giới hạn quyền đình công với mục đích chính trị xuống thời lượng tối đa là 1 ngày (hiện nay đang cho phép 2 ngày), đồng thời nghiêm cấm các cuộc đình công ủng hộ tinh thần đã bành trướng quá đáng.
Thêm vào đó chính phủ sẽ xiết chặt các khoản tiền phạt cho những cuộc đình công bị đưa ra tòa và bị tòa xét xử là bất hợp pháp. Mức phạt sẽ có sàn là 10 000 euro và nóc là 150 000 euro. Chưa đã hết, nếu người công nhân khi đã biết cuộc đình công bị tòa phạt là bất hợp pháp nhưng vẫn tiếp tục đình công thì khi đó phải có nghĩa vụ đóng phạt cho người chủ doanh nghiệp một số tiền là 200 euro, hoặc sẽ bị trừ qua lương.
3. Ngày nghỉ bệnh không lương
Tân chính phủ đề nghị rằng ngày nghỉ bệnh đầu tiên sẽ không được hưởng lương nếu như trong bản hợp đồng chung về các điều kiện lao động không có quy định khác đi. Các nghiệp đoàn công nhân đã chế nhạo đề nghị này và đặt cho cái tên là ”hình phạt vì bị bệnh”.
Ở Phần Lan có khoảng 11 % các công nhân đứng ngoài tầm ảnh hưởng của các bản hợp đồng chung về điều kiện lao động, có nghĩa là họ không gia nhập nghiệp đoàn công nhân. Thêm vào đó ở một số ngành, trong bản hợp đồng chung về các điều kiện lao động không có quy định cụ thể về tiền lương cho thời gian nghỉ bệnh. Các công nhân trong diện này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quy định vừa nêu, trừ khi họ có thỏa thuận điều này rồi trong bản hợp đồng làm việc đã ký với chủ.
Sở dĩ tân chính phủ có dự định này vì đã có thông tin từ phía các nghiệp đoàn của chủ doanh nghiệp, cho hay rằng họ sẽ đưa đề nghị về ngày nghỉ bệnh đầu tiên không lương vào danh sách các thay đổi cho bản hợp đồng chung về các điều kiện lao động sắp được ký tiếp theo. Nếu có quy định của chính phủ đã ban hành rồi về việc này thì phía nghiệp đoàn của chủ không cần phải thương lượng nữa với nghiệp đoàn công nhân mà sẽ đương nhiên được ghi vào bản hợp đồng mới giữa hai bên.
4. Vấn đề cho thôi việc sẽ được dễ dàng hơn
Tân chính phủ mong muốn người công nhân bị cho thôi việc vì lý do bản thân sẽ được dễ dàng hơn trước. Thay vì như trước đây là phải cần một lý do vừa chính đáng vừa nghiêm trọng để có thể đuổi việc thì bây giờ chỉ cần lý do chính đáng là đủ.
Đuổi việc vì lý do bản thân có nghĩa là người công nhân bị cho thôi việc vì những lý do tự mình gây ra, chẳng hạn như không tuân thủ những điều đã thỏa thuận trong bản hợp đồng lao động đã ký với chủ, hoặc do tình trạng bỏ bê công việc.
5. Rút ngắn thời lượng cho các kế hoạch thay đổi nhân sự
Tân chính phủ muốn có những thay đổi cho các kế hoạch thay đổi nhân sự, đa số là cắt giảm, tại các doanh nghiệp theo phương hướng rằng những doanh nghiệp nào có dưới 50 nhân sự thì không cần phải tiến hành những kế hoạch như vậy nữa. Luật đang hiện hành là chỉ có doanh nghiệp dưới 20 người thì mới có được quyền đó.
Thêm vào đó tân chính phủ cũng muốn rút ngắn thời lượng kéo dài của các kế hoạch thay đổi nhân sự xuống còn phân nửa. Hiện tại thời lượng để tiến hành các kế hoạch như vậy được phép kéo dài tối thiểu là 2 tuần hoặc 6 tuần tùy theo số lượng nhân viên của doanh nghiệp và số lượng bị sa thải hay thôi việc tạm thời không lương.
Mục đích cho các dự tính này của tân chính phủ là việc thay đổi nhân sự tại các doanh nghiệp được tiến hành dễ dàng và nhanh chóng hơn, nghĩa là phía chủ lao động sẽ được dễ thở hơn.
6. Cắt giảm trợ cấp thất nghiệp
Một trong những thay đổi của tân chính phủ đã được Quốc hội thông qua và đồng ý hồi trước Giáng Sinh là việc cắt giảm trợ cấp cho người thất nghiệp. Theo đó việc trả tiền trợ cấp thất nghiệp từ các nghiệp đoàn sẽ bị ràng buộc bởi mức lương trước đây chứ không phải theo số giờ làm việc nữa, và điều kiện hội đủ về thời lượng làm việc trước khi thất nghiệp cũng tăng lên. Thêm vào đó số ngày tự chịu ngay sau khi thất nghiệp, nghĩa là không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ tăng lên thành 7 ngày, thay vì 5 ngày như trước đây. Chưa đã hết, khoản thu nhập hàng tháng được bảo vệ trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị bãi bỏ. Người thất nghiệp không còn được kiếm tiền 300 euro hàng tháng mà không bị ảnh hưởng đến trợ cấp thất nghiệp như trước đây nữa.
Dù rằng các thay đổi này về trợ cấp thất nghiệp đã được Quốc hội thông qua và đã ghi thành luật, nhưng các nghiệp đoàn công nhân vẫn muốn đình công vì lý do này, với mục đích gây sức ép lên chính phủ để xóa bỏ điều luật vừa ban hành.
Christopher Vũ Trần
Viết ngày 1.2.2024
Bài viết số 3 này có tham khảo từ nhiều nguồn của các báo chí Phần Lan, cụ thể là nhật báo Helsingin Sanomat số ra ngày 29.12.2023, và các điều luật lao động.